Quảng Nam:

Khẩn trương trùng tu tháp Chăm cổ 1.000 năm tuổi

(Dân trí) - Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn vừa có văn bản khẩn gởi Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Nam để báo cáo về tình trạng nghiêng, lún và xuống cấp nghiêm trọng nhằm tháp B3 để có biện pháp xử lý, bảo vệ di tích.

Theo ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn - hiện nay tháp B3 tại Khu Di tích Mỹ Sơn đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, thân tháp rạn nứt nhiều chỗ, trong đó có khe nứt dài nhất 6m, rộng nhất 18cm, sâu nhất 1,2m, toàn bộ thân tháp đang nghiêng 3 độ về hướng Tây - Nam. Đây là tháp có nguy cơ sụp đổ cao nhất trong quần thể các đền tháp tại Mỹ Sơn.

Mặt phía Bắc tháp B3 năm 1978
Mặt phía Bắc tháp B3 năm 1978

“Căn cứ Điều 20 tại Quyết định số 28/QĐ-UBND ngày 28/10/2010 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc Ban hành quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, trong đó có quy định nội dung về tu sửa cấp thiết di tích. Nay Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn lập công văn kính đề nghị Sở VH-TT&DL xem xét có giải pháp chống đỡ cấp thiết tháp B3 nhằm tránh nguy cơ sụp đổ và bảo vệ di tích trước khi xây dựng Dự án bảo tồn cấp thiết tháp B3 theo quy định”, văn bản của Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn nêu rõ.

Mặt phía Bắc tháp B3 vào tháng 3/2018
Mặt phía Bắc tháp B3 vào tháng 3/2018

Ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc phụ trách Sở VH-TT&DL Quảng Nam - cho biết, Bộ VH-TT&DL đã thống nhất bố trí nguồn vốn 1,5 tỷ đồng từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa năm 2018 để gia cố nền móng và chống đỡ tháp B3 nằm trong quần thể Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Theo ông Cường, giữa tháng 4 vừa qua, Cục Di sản Văn hóa (Bộ VH-TT&DL) đã có công văn chỉ đạo Sở VH-TT&DL Quảng Nam về việc chống xuống cấp tháp B3. Thực hiện ý kiến chỉ đạo, Sở đã mời đơn vị tư vấn là Viện Khoa học công nghệ (Bộ Xây dựng) khảo sát lập hồ sơ thiết kế đưa ra giải pháp để báo cáo với UBND tỉnh thẩm định.

Tháp B3 hướng nghiêng ra suối
Tháp B3 hướng nghiêng ra suối

Hiện tại, đã có thiết kế và đang chờ Bộ VH-TT&DL thông qua và dự kiến trong tháng 5 này sẽ triển khai trùng tu. Theo ông Cường, trước mắt, số tiền hỗ trợ trên sẽ được sử dụng chống đỡ cấp thiết tháp B3 nhằm phòng ngừa những tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Sau đó sẽ mời đơn vị tư vấn đủ năng lực xây dựng phương án thiết kế lâu dài cho ngôi tháp này.

Tháp B3 có vị trí xây dựng nằm ở góc Tây Nam của phức hệ công trình khu B, C, D; các công trình này được xây dựng trên một ngọn đồi thấp, được bao bọc bởi dòng suối Khe Thẻ. B3 có mặt Tây và Nam giáp suối Khe Thẻ, mặt Đông và Bắc giáp tháp B1 và B4.

Khẩn trương trùng tu tháp Chăm cổ 1.000 năm tuổi - 4
Các vết nứt trong lòng tháp B3
Các vết nứt trong lòng tháp B3

Tháp B3 được xây dựng vào cuối thế kỷ X, công trình có chức năng là nơi thờ thần Ganesha - con trai thần Shiva. Là một trong những công trình kiến trúc hiếm hoi, duy nhất còn giữ được dáng vẻ tiêu biểu cho phong cách Mỹ Sơn A1.

Qua sự bào mòn của thời gian kéo dài hơn 1.000 năm, ngôi tháp nằm trong quần thể kiến trúc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới này đang xuống cấp trầm trọng. Hiện nay tháp B3 xuất hiện dày đặc vết nứt từ đỉnh đến móng. Với vết nứt rộng nhất khoảng 18cm, sâu nhất là 1,2m và đoạn dài nhất lên tới 6m. Phần thân tháp đang bị côn trùng, thực vật, nấm mốc xâm hại.

Phần tiền sảnh đã được gia cố, trùng tu nhưng gạch nơi lối đi bị mòn, bong tróc làm cho hai trụ trang trí có nguy cơ ngã đổ. Khung cửa nghiêng về mặt Tây Nam, đà bị gãy đôi. Phần mái tháp bị vẹo theo hướng ngược chiều kim đồng hồ.

Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản Văn hóa Mỹ Sơn - cho hay, việc chịu sự tác động của thiên nhiên như nước mưa, lũ lụt hằng năm, sinh vật gây hại bên trong lõi tường tháp là hàng loạt những nguyên nhân khiến tháp B3 có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, chiến tranh đã làm hư hại một phần tháp. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, tháp B3 đã bị bom đánh sập tường thân tháp phía Tây và hư hại phần mái công trình. Ngoài tháp B3, các nhóm tháp B, C, D cũng đã được Sở VH-TT&DL Quảng Nam đưa vào danh mục những di tích cần bảo tồn cấp thiết trong giai đoạn trung hạn 2016-2020.

C.Bính