Khám phá phiên chợ Tết Pà Cò

(Dân trí) - Chợ phiên Pà Cò diễn ra vào ngày cuối tuần và rộn rã, tấp nập. Ở Pà Cò phiên chợ ngày giáp Tết càng vui nhộn hơn. Những chàng trai cô gái, các bà mế chen nhau xuống chợ vui chơi và mua sắm làm náo động cả một thung lũng nhỏ.

Pà Cò cách thị trấn Mai Châu, Hòa Bình chừng 30km về phía Bắc. Ngày áp Tết, khi sương mù còn mịt mùng khắp rừng, khắp núi, bà con người Mông vùng cao Mai Châu đã náo nức xuống chợ.

Chợ Pà Cò thường họp rất sớm và cũng nhanh tan.
Chợ Pà Cò thường họp rất sớm và cũng nhanh tan.

Ở Pà Cò, đồng bào Mông nơi đây rộn rã đón Tết Nguyên đán vào dịp đầu tháng 12 âm lịch hằng năm và kéo dài đến hết tháng. Chính vì lẽ đó, phiên chợ Pà Cò diễn ra sớm hơn các phiên chợ khác.

Chợ Pà Cò thường họp rất sớm và cũng nhanh tan. Chưa đến 6h sáng, nhưng bà con từ các thôn, bản Hang Kia, Loóng Luông, Pà Cò đã tụ tập về chợ, người đi như nước vui như trẩy hội.

Trong màn sương mờ ảo, mặt trời chưa kịp nhô lên khỏi dãy núi, đã thấy thấp thoáng những dòng người trong bộ váy áo mới, nhiều màu sắc của dân tộc Mông cùng với những sản vật của núi rừng.

Những mặt hàng mà họ mang ra chợ bán cũng rất phong phú, người dân bản xuống chợ đôi khi chỉ để tìm lấy một không khí vui nhộn bù cho những lúc lao động vất vả giữa núi rừng Tây Bắc. Cũng có người xuống chợ chỉ đem bán một con lợn, một con bò hay thậm chí một con gà, một ít giấy bản, hoặc những vật dụng do chính tay họ làm ra.

Chợ không biết được hình thành từ khi nào. Chỉ biết rằng, giống như bao chợ vùng cao khác, chợ Pà Cò là hình ảnh thu nhỏ về đời sống cộng đồng của đồng bào các dân tộc miền núi. Đơn sơ mộc mạc nhưng đó là sự kết tinh trong lao động, sự cần cù của người dân vùng cao, nơi còn nhiều khó khăn và thiên nhiên khắc nghiệt.

Chợ Pà Cò thường họp rất sớm và cũng nhanh tan.
Dạo chơi để hòa chung với không khí chợ phiên Pà Cò ta mới cảm nhận được thực sự cái đẹp ẩn chứa trong đó.

Ngày Tết, ngoài những mặt hàng lương thực như gạo nếp, khoai sọ, thịt, cá… thì đồ trang sức bằng thổ cẩm cũng là một trong những mặt hàng bán khá chạy. Cũng như bao người dân Việt, những người Mông ở chợ Pà Cò đón Tết bằng những bộ váy áo mới xúng xính.

Đến chợ Pà Cò, du khách sẽ không thể cưỡng lại sắc tím lung linh của những xấp vải dệt văn hoa nổi bật mà chen qua đám đông sờ tận tay. Đi qua “rừng” tím, khách sẽ lạc vào “rừng” thổ cẩm xanh, đỏ với những đường thêu tinh túy, nổi bật. Những người phụ nữ Mông vừa vui vẻ chào mời khách trong khi đôi bàn tay khéo léo xuyên từng đường kim mũi chỉ lên tấm vải màu.

Dạo chơi để hòa chung với không khí chợ phiên Pà Cò ta mới cảm nhận được thực sự cái đẹp ẩn chứa trong đó. Không phô trương cầu kì, mà thay vào đó là sự mộc mạc đượm nét nhân văn.

Chợ Pà Cò không chỉ là nơi buôn bán hàng hóa mà cũng là địa điểm gặp gỡ, hẹn hò của những đôi lứa. Các cô gái Mông xinh tươi khoác lên mình những bộ áo váy đẹp nhất, lung linh nhất trông thật dịu dàng.

Chợ phiên nơi đây đã ăn sâu vào trong tiềm thức, nếp nghĩ, nếp sống của người dân bản xứ, cũng như của bất cứ du khách nào có dịp ghé thăm để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của chợ phiên Pà Cò.

Chợ tan. Những chiếc xe máy chở các mặt hàng: vải thổ cẩm, quần áo, thịt lợn, lá dong, bánh kẹo, mứt tết... nối đuôi nhau về các ngả đường vào bản.

H. Thắng