Khám phá những lễ hội xuân dân gian vùng cao Sa Pa

(Dân trí) - Mùa xuân là mùa lễ hội dân gian truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện vùng cao Sa Pa (Lào Cai) nơi có khu du lịch nổi tiếng thế giới bởi cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và bản sắc độc đáo của văn hóa các dân tộc ít người.

Nhân ngày đầu xuân Ất Mùi 2015 xin giới thiệu đôi nét một số lễ hội xuân dân gian của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao Sa Pa.

 

ROÓNG POỌC – Lễ hội xuống đồng của người Dáy Tả Van

 

Ngày Thìn đầu tiên của tháng Giêng là ngày người dân tộc Dáy ở xã Tả Van, huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) mở hội xuân Roóng Poọc.

 

Khu vực khai hội Roóng Poọc nằm cạnh khu bãi đá cổ Tả Van và dòng suối Mường Hoa đẹp nhất vùng cao Sa Pa.

 
Múa hát trong ngày hội xuân Roóng Poọc của người Dáy Tả Van, Sa Pa

Múa hát trong ngày hội xuân Roóng Poọc của người Dáy Tả Van, Sa Pa

 

Mở đầu lễ hội Roóng Poọc, già làng nổi hồi chiêng cổ cùng với dàn khèn Pí Lè tấu khúc nhạc vui chào xuân mới đang đến và mừng khách hiền từ bản trên, làng dưới tới dự hội xuống đồng đầu năm của bản Tả Van.

 

Một cây nêu cao to được trai bản chọn từ cây tre rừng đẹp nhất núi Hoàng Liên mang về dựng giữa trung tâm lễ hội Roóng Poọc và cây nêu chỉ được hạ xuống khi lễ hội dừng vui khi hoàng hôn trong ngày buông dần xuống núi.

 

Già làng cùng đại diện chính quyền xã Tả Van làm lễ dâng hương bên mâm cúng theo phong tục cổ truyền của người dân tộc Dáy để tạ ơn trời đất, thần linh đã mạng lại phồn thịnh, hạnh phúc cho mọi người trong năm qua và cầu phúc, cầu an cho dân bản bước vào năm mới.

 

Sau chương trình văn nghệ đặc sắc của nam thanh, nữ tú các bản trong xã Tả Van cùng các xã bạn Hầu Thào, Sử Pán biểu diễn ở khu vực gần cây nêu ngày hội phục vụ bà con địa phương và du khách tới dự hội là các trò chơi dân gian truyền thống như ném còn, bịt mắt bắt dê, đi cầu tre một cây qua suối, kéo co... luôn thu hút mọi người tham gia chơi và cổ vũ cho người chơi.

 

Kết thúc lễ hội là chương trình thi cày ruộng bậc thang giữa các thợ cày giỏi giang của các bản, người cày giỏi nhất hội xuân Roóng Poọc sẽ được tặng món quà nhỏ giữa tiếng vỗ tay cổ vũ không ngớt của dân bản Tả Van.

 
Du khách nước ngoài thích thú thử cưỡi trâu trong lễ hội Roóng Poọc Tả Van, Sa Pa

Du khách nước ngoài thích thú thử cưỡi trâu trong lễ hội Roóng Poọc Tả Van, Sa Pa

 

Lễ hội Roóng Poọc Tả Van mấy năm nay là một trong những sản phẩm du lịch đặc sắc của các trung tâm lữ hành du lịch quảng bá, giới thiệu với du khách quốc tế khi tới thăm Việt Nam và Sa Pa.

 

Tới hội xuân Roóng Poọc ta sẽ gặp không ít du khách nước ngoài thích thú vui cùng dân bản Tả Van các trò chơi tổ chức trong lễ hội như kéo co, bịt mắt bắt dê, đi cầu tre qua suối...

 

Gầu Tào – Hội Xuân đạp núi của người Mông

 

Người dân tộc Mông ở vùng Tây Bắc và huyện Sa Pa (tỉnh Lào Cai) thường mở hội Gầu Tào, có nơi còn gọi là hội Sải Sán ( hội xuân đạp núi) vào một ngày đẹp trong tháng Giêng hàng năm.

 

Tưng bừng hội xuân Gầu Tào của người dân tộc Mông ở xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa ( tỉnh Lào Cai)

Tưng bừng hội xuân Gầu Tào của người dân tộc Mông ở xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa ( tỉnh Lào Cai)



Đây là hội xuân cầu phúc có từ lâu đời của người dân tộc Mông khi một gia đình nào đó ở trong vùng chậm sinh con sau khi xây dựng hạnh phúc gia đình được dân bản chấp thuận cho phép dựng cây nêu mở hội Gàu Tào cầu phúc sớm sinh con theo ý muốn.

 

Nơi chọn tổ chức hội Gầu Tào là bãi đất rộng ven sườn núi để người dự hội có đông bao nhiêu vẫn có điều kiện tham dự các hoạt động của hội xuân Gầu Tào.

 

Vợ chồng hiếm muộn được chọn làm chủ lễ hội Gầu Tào phải được bà con dân bản quý mến. Kết thúc lễ hội Gầu Tào cây tre dựng làm cây nêu sẽ được làm dát giường ngủ cho vợ chồng hiếm muộn.

 

Những gia đình hiếm muộn phải làm chủ lễ Gầu Tào trong ba năm liên tục với thời gian tổ chức 3 ngày liên tục trong một lần, còn vì lý do nào đó muốn rút ngắn năm tổ chức lễ hội thì phải tăng số ngày làm lễ lên 15 ngày liên tục.

 

Do cuộc sống mới hiện nay đang thay đổi nên lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Sa Pa chỉ tổ chức trong một ngày, không kéo quá dài như trước nhưng vẫn giữ được nét chính của phong tục, tập quán người dân địa phương.

 
Du khách cùng dân bản tham gia trò chơi bịt mắt bắt dê trong hội xuân Gầu Tào Sa Pa

Du khách cùng dân bản tham gia trò chơi bịt mắt bắt dê trong hội xuân Gầu Tào Sa Pa

 

Hội xuân Gầu Tào thu hút rất đông bà con dân tộc người Mông trong vùng về dự hội, nhất là thanh niên chưa vợ chưa chồng tới hát giao duyên dân ca dân tộc Mông hoặc tham gia các trò chơi truyền thống như đánh yến, đẩy gậy, bịt mắt bắt dê, bắn nỏ, thi leo núi....

 

Hội xuân Gầu Tào của người dân tộc Mông Sa Pa tổ chức ở xã San Sả Hồ dưới chân núi Phan Si Păng hùng vỹ và ở xã Tả Giàng Phình có địa danh núi Ngũ Chỉ Sơn tuyệt đẹp đang là điểm đến của đông đảo khách du lịch khi tới thăm "Thành phố trong sương" mỗi độ xuân về.

 

Hội Xuân hát giao duyên của người Dao đỏ Tà Phìn

 

Tả Phìn là điểm đến hấp dẫn của du khách khi tới thăm vùng du lịch nổi tiếng Sa Pa bởi nơi đây có làng thổ cẩm lộng lẫy sắc màu và bài thuốc tắm cho đẹp da, nhẹ người... có một không hai của người Dao đỏ.

 

Nơi đây mỗi mùa xuân về lại diễn ra lễ hội hát giao duyên giữa các chàng trai tài giỏi làm nương với các cô gái khéo tay thêu thùa váy áo dành cho ngày cưới ngày xưa và phục vụ du khách mua sản phẩm thổ cẩm làm bằng tay về làm quà lưu niệm cho người thân khi tới thăm Sa Pa.

 
Tưng bừng hội xuân Gầu Tào của người dân tộc Mông ở xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa ( tỉnh Lào Cai)

Độc đáo Lễ hội hát giao duyên của người Dao đỏ Tả Phìn, Sa Pa

 

Qua hội hát giao duyên Tả Phìn đầu xuân nhiều nam thanh, nữ tú đã nên vợ nên chồng. Vì thế hát giao duyên của thanh niên dân tộc Dao đỏ là một phần không thể thiếu của hội xuân Tả Phìn mỗi khi năm mới về.

 

Dự hội xuân hát giao duyên Tả Phìn du khách sẽ còn được khám phá phong tục độc đáo của người Dao đỏ qua các màn trình diễn tái hiện lại cảnh rước dâu hay nghi lễ cấp sắc nhiều đèn dành cho nam thanh niên tới tuổi trưởng thành.

 

Bài và ảnh: Phạm Ngọc Triển