Khám phá ẩm thực ngày xuân của người Tây Bắc

(Dân trí) - Không giống như người miền xuôi, người Tây Bắc thích thưởng thức ẩm thực trong không gian cộng đồng tại các lễ hội, chợ phiên, đặc biệt là vào ngày Tết.

Trước đây, một số dân tộc ở vùng Tây Bắc như người Tày, Thái, Mường thường có cách chế biến các món trong ngày tết khá giống nhau, điểm chung rõ nhất là các món thường được chế biến sẵn.

Khám phá ẩm thực ngày xuân của người Tây Bắc
Ngoài món nướng thì thịt nạc còn để những cục to luộc sẵn đậy kín trong rổ, rá đến khi ăn thì chần lại cho nóng rồi thái mỏng

Thông thường nhà nào tết cũng mổ lợn hoặc mổ chung nhau nhưng trong mấy ngày tết chỉ ăn những thứ ngon nhất từ thịt lợn như lòng lợn, thịt nạc, xương, còn thịt nhiều mỡ được rán lấy mỡ, thịt nửa mỡ lẫn nạc thì ướp để ăn dần. Các món từ thịt lợn, món nạc làm chả nướng được thái sẵn ướp đủ gia vị rồi gói thành từng gói nhỏ treo trong bếp khi nào ăn chỉ cần xiên nướng.

Ngoài món nướng thì thịt nạc còn để những cục to luộc sẵn đậy kín trong rổ, rá đến khi ăn thì chần lại cho nóng rồi thái mỏng. Chân giò lợn được chặt ngang thành những lát dày làm món thịt ninh nhừ thang mộc nhĩ, nấm hương nhưng không để nhiều nước như nấu đông. Khi ăn miếng thịt chân giò trông có vẻ nhiều mỡ nhưng không ngấy mà rất mềm và đậm đà hương vị. Xương lợn thường được chế biến thành một nồi canh hầm măng khô.

Ngoài các món chế biến trên, bà con người Mường còn có thêm món thịt lợn thính chua làm từ bì và thịt nạc dạng thịt lên men đựng trong ống nứa. Ngoài các món trên, thức ăn chế biến sẵn còn có nhiều loại bánh khác nhưng nhà có đông con gái thì thường có món cơm lam. Cơm lam để được cả tuần mà vẫn dẻo thơm, người già ăn vào không có cảm giác lạnh như ăn bánh chưng và không bị lạnh bụng.

Bạn sẽ rất ấn tượng khi được xem người Mông làm bánh dầy
Bạn sẽ rất ấn tượng khi được xem người Mông làm bánh dầy

Điều đặc biệt là cách chế biến của bà con đều có bí quyết bảo quản những món ăn rất tài tình nên trong mấy ngày tết thức ăn không bị ôi thiu và vẫn giữ được hương vị của thực phẩm.

Đối với người Mông, ấn tượng nhất là món bánh dầy Tết Trong cái lạnh giá của Tết ở bản Mông, bạn được ngồi sưởi ấm bên bếp lửa, thưởng thức vị thơm, dẻo của món bánh dầy (món bánh không thể thiếu trong Tết cổ truyền của người Mông) và cảm nhận những nét đẹp độc đáo trong phong tục tập quán - nét văn hoá rất riêng của họ, chắc hẳn bạn cũng sẽ có cảm giác thật ấm áp khó quên!

Bạn sẽ rất ấn tượng khi được xem người Mông làm bánh dầy nhất là khi cầm váo chiếc bánh cứng như đá (vì cái lạnh ở nơi đây), nhưng khi bạn đem nướng chiếc bánh trên than củi hoặc đem rán, chiếc bánh sẽ trở nên mềm dẻo và thơm ngon lạ kỳ…

Món bánh dày truyền thống của Tết người Mông, được làm từ thứ gạo nếp nương thơm, dẻo mà người Mông trồng ở mảnh đất tốt nhất. Từ chiều 30 Tết, nhà nào cũng đồ những phản cơm thật to để giã bánh. Lượng bánh làm nhiều, để đủ dùng trong cả tháng ăn tết của người Mông.

Bạn sẽ rất ấn tượng khi được xem người Mông làm bánh dầy

Cùng với những đặc điểm chung về cách chế biến, người Tày, Thái, Mường còn có quan niệm bữa ăn ngày tết không chỉ là những món ngon mà nó còn phải thể hiện được sự sung túc, dư thừa từ sơn hào hải vị thì người trong làng bản đến chơi chúc tết mới trọng nể. Thế nên, trong ngày tết ngoài những món ăn từ thịt gà, thịt lợn phải có các món như mọc cá, cá nướng, thịt khô. Cá được bắt từ trong khe suối nhỏ.

Thông thường khi đã lo xong mọi công việc cho ngày tết thì cánh đàn ông trong mỗi chòm xóm rủ nhau đi tắm, thực ra là đi bắt cá suối, mỗi người chặt lấy một bó lá cơi mang lên đập nát ra rồi tung xuống nguồn khe suối nhỏ. Mùi hăng hắc và vị cay của lá cơi khiến lũ cá lẩn trong các hốc đá ngoi lên mặt nước và họ dùng rổ hớt lấy.
Trong văn hóa người Thái, rượu là thức uống không thể thiếu trong đời sống thường nhật cũng như ngày lễ hội. Bởi thế, họ mói có câu: "Pay kin pa, má kin lảu" (đi ăn cá, về uống rượu). Họ có nhiều loại độc đáo như: Lảu xiêu (rượu chưng cất theo lối thông thường), Lảu xam xiêu (rượu chưng cất ba lần), Lảu vạng (rượu cái), Lảu xá chút (rượu cần)… từ các loại củ, hạt có tinh bột trộn với men tự chế, rồi ủ theo cách thức đặc biệt.

Đi chợ phiên ngày Tết, nơi đặt các chảo thắng cố luôn nổi bật và nhộn nhịp hơn cả. Còn gì ấm áp hơn khi ngồi quanh chảo thắng cố nghi ngút khói, nấu bằng thịt ngựa, trâu và nội tạng với 8 loại gia vị đặc biệt và nhấm nháp chén rượu Sán Lùng để cảm nhận trọn vẹn mùi thảo mộc của núi rừng, vị ngọt của mầm lúa và cảm giác nồng ấm lan tỏa trong vị giác.

Minh Phan

Ảnh: Internet