Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Tuần văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 được tổ chức nhằm tôn vinh giá trị văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và tạo sự giao lưu giữa các dân tộc trong khu vực. Sự kiện thu hút hơn 1.000 người tham gia.

Tối 11/11, tỉnh Gia Lai đã tổ chức Lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 và Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại Gia Lai năm 2023 với chủ đề "Gia Lai - Những sắc màu văn hóa" tại Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku, Gia Lai).

Sự kiện là một hoạt động cụ thể của việc thực hiện dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021- 2025 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Gia-Lai_công-chieng-Tay-Nguyen_Phạm Hoàng1.jpeg

Chương trình nghệ thuật đặc sắc mang âm hưởng các dân tộc Tây Nguyên tại Gia Lai với hơn 1.000 người tham gia biểu diễn (Ảnh: Phạm Hoàng).

Lễ khai mạc được tổ chức hoành tráng trong Không gian Văn hóa Cồng chiêng với hơn 1.300 thành viên đến từ các địa phương ở tỉnh Gia Lai và khu vực Tây Nguyên biểu diễn. Đây cũng là kỷ lục về số lượng nghệ nhân trong một chương trình nghệ thuật từ trước tới nay.

Chương trình nghệ thuật với nhiều tiết mục đặc sắc đã tái hiện không gian đậm chất sử thi về công cuộc giữ đất, giữ nước, giữ buôn làng, giữ lửa cồng chiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Sau phần biểu diễn văn nghệ, người dân và du khách đã được chiêm ngưỡng màn pháo hoa kéo dài gần 5 phút tại Quảng trường Đại Đoàn Kết.

z4871700435151_d626e46b031edfec8665c3a4e69a3268-edited.jpeg

Hoạt động nhằm tôn vinh giá trị Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, tạo sự giao lưu văn hóa, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong khu vực (Ảnh: Phạm Hoàng).

Tại buổi khai mạc, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long chia sẻ Cồng chiêng được coi là tài sản quý giá, là bản sắc văn hóa riêng có của mỗi tộc người Tây Nguyên.

Việc tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 đặc biệt tôn vinh giá trị di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.

Qua đó tạo ra không gian giao lưu văn hóa, đoàn kết, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trong khu vực. Đồng thời, quảng bá đến du khách trong và ngoài tỉnh về giá trị độc đáo của di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cùng với cảnh quan thiên nhiên, văn hóa và con người Gia Lai.

Gia-Lai_công-chieng-Tay-Nguyen_Phạm Hoàng3.jpeg

Tuần văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 sẽ kéo dài từ ngày 11 đến ngày 19/11 (Ảnh: Phạm Hoàng).

Đây cũng là cơ hội để hợp tác, thu hút các nguồn lực đầu tư, góp phần xây dựng Gia Lai nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung ngày càng phát triển bền vững và giàu mạnh.

"Gia Lai mong muốn sẽ đưa tiếng cồng chiêng của đồng bào các tỉnh Tây Nguyên ngân vang, bay xa không những trên lãnh thổ Việt Nam và vượt qua biên giới quốc gia, hội nhập với khu vực, thế giới", ông Trương Hải Long nhấn mạnh.

Tại buổi khai mạc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Rộc Tưng - Gò Đá và Quyết định công nhận bảo vật quốc gia đối với Sưu tập công cụ Sơ kỳ Đá cũ An Khê.

Chiều cùng ngày, hơn 1.000 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng trình diễn cồng chiêng, nhạc cụ dân tộc, cà kheo dọc các tuyến đường thuộc TP Pleiku (Gia Lai).

Gia-Lai_công-chieng-Tay-Nguyen_Phạm Hoàng.jpeg

Hơn 1.000 nghệ nhân đến từ 5 tỉnh Tây Nguyên đã cùng biểu diễn cồng chiêng trên những tuyến phố ở TP Pleiku, Gia Lai (Ảnh: Phạm Hoàng).

Các nghệ nhân đã khoác trên mình bộ trang phục truyền thống, mang đậm nét văn hóa dân gian của từng dân tộc. Vừa diễu hành, các nghệ nhân đã biểu diễn cồng chiêng, múa xoang trên các tuyến phố Pleiku, mang đến cho du khách những trải nghiệm mới sống động hơn về văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.

Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 - 5

Các nghệ nhân vừa diễu hành vừa biểu diễn cồng chiêng, múa xoang phục vụ người dân và du khách (Ảnh: Phạm Hoàng).

Các nghệ nhân được chia thành 2 đoàn, bắt đầu từ Bảo tàng tỉnh Gia Lai đi qua các tuyến đường Phạm Văn Đồng, Phan Đình Phùng, Nguyễn Đình Chiểu, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương, Anh Hùng Núp rồi về Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku).