Quảng Nam:

Khai mạc Festival văn hóa tơ lụa Việt Nam - Châu Á

(Dân trí) - Sáng 28/3, tại Làng lụa Hội An (Quảng Nam), Festival văn hóa tơ lụa Việt Nam - Châu Á chủ đề “Đưa tơ lụa trở lại với đời sống hiện đại” đã chính thức khai mạc.

Lễ khai mạc Festival văn hóa tơ lụa Việt Nam - Châu Á diễn ra tại Hội An
Lễ khai mạc Festival văn hóa tơ lụa Việt Nam - Châu Á diễn ra tại Hội An

Đây là lần đầu tiên, tại Hội An một lễ hội văn hóa tơ lụa ở Việt Nam có sự tham dự của đại diện Hiệp hội Tơ lụa Thế giới và Hiệp hội Tơ lụa Châu Á cùng tham dự. Đây cũng là một trong những sự kiện văn hóa - du lịch kỷ niệm 41 năm Ngày Giải phóng thành phố Hội An (28/3/1975 - 28/3/2016).

Phát biểu khai mạc Festival, ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam bày tỏ: “Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam - Châu Á là dịp tôn vinh văn hóa nghề ươm tơ dệt lụa, đưa lụa Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Đây là không chỉ là sự kiện có ý nghĩa tạo cơ hội nâng cao đời sống kinh tế từ nghề lụa truyền thống của địa phương, mà còn lan tỏa mạnh mẽ các giá trị văn hóa, kết nối các quốc gia, các xứ lụa nổi tiếng trong và ngoài nước lụa lại gần với nhau hơn”.

Tại lễ khai mạc, người dân và du khách cùng đại diện các làng lụa, xứ lụa có tiếng trong và ngoài nước dự lễ dâng hương tại nhà thờ Bà chúa Tằm tang Đoàn Quý Phi trong khuôn viên Làng lụa Hội An. Song song đó, người dân và du khách cùng trải nghiệm lễ phục dựng “con đường tơ lụa trên biển” - con đường tơ lụa nổi tiếng hình thành từ thế kỷ 17 đã đưa lụa Việt từ thương cảng Faifo (Hội An) đi khắp Trung Hoa, Nhật Bản...và sang cả các nước phương Tây.

Người dân và du khách dâng hương tưởng nhớ bà chúa Tằm Tang
Người dân và du khách dâng hương tưởng nhớ bà chúa Tằm Tang

Khai mạc Festival văn hóa tơ lụa Việt Nam - Châu Á - 3
Chương trình nghệ thuật khai mạc Festial với nhiều tiết mục đặc sắc
Chương trình nghệ thuật khai mạc Festial với nhiều tiết mục đặc sắc

Theo ghi chép trong Đại nam liệt truyện tiền biên của Quốc sử quán triều Nguyễn, Đoàn Quý Phi vốn là cô thôn nữ tên Đoàn Thị Ngọc ở làng trồng dâu ươm tơ ở Chiêm Sơn, nay thuộc huyện Duy Xuyên (Quảng Nam). Khi cùng cha là chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên dạo thăm làng Chiêm Sơn, Nhân lộc hầu Nguyễn Phúc Lan đã gặp và kết duyên cùng thôn nữ Đoàn Thị Ngọc.

Nhân lộc hầu Nguyễn Phúc Lan lên ngôi chúa Thượng (Hiếu Chiêu Hoàng Đế) đã phong Đoàn Thị Ngọc là Đoàn Quý Phi, sau này là Hiếu Chiêu Hoàng Hậu. Hiếu Chiêu Hoàng Hậu đặc biệt được người xứ Đàng Trong thời bấy giờ tôn là Bà Chúa Tằm Tang. Bởi khi từ kinh thành ở Huế trở lại dinh trấn Thanh Chiêm (nay là Quảng Nam) ở cùng con trai là Dũng lễ hầu Nguyễn Phúc Tần (sau này là chúa Hiền), bà đã góp công sức lớn trong việc khuyến khích nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa. Nghề lụa ở xứ Đàng Trong theo đó phát triển cực thịnh hồi thế kỷ 17 cùng với cảng thị Faifo và “con đường tơ lụa trên biển”.

Khai mạc Festival văn hóa tơ lụa Việt Nam - Châu Á - 5
Du khách trải nghiệm và ghi hình các công đoạn dệt lụa truyền thống xứ Quảng
Du khách trải nghiệm và ghi hình các công đoạn dệt lụa truyền thống xứ Quảng

Nghệ nhân các làng nghề sản xuất lụa, sản phẩm từ lụa... về trình diễn tại Festival văn hóa Tơ lụa diễn ra ở Hội An
Nghệ nhân các làng nghề sản xuất lụa, sản phẩm từ lụa... về trình diễn tại Festival văn hóa Tơ lụa diễn ra ở Hội An

Tiếp diễn trong hai ngày 28 và 29/3, tại Festival văn hóa tơ lụa Việt Nam - Châu Á, người dân và du khách cùng tham gia, trải nghiệm đời sống, nghề truyền thống và văn hóa tơ lụa ở các xứ lụa nổi tiếng trong và ngoài nước với các hoạt động triển lãm sản phẩm lụa Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Ý cùng với các gian hàng trưng bày sản phẩm lụa Bảo Lộc, Hà Đông, Thái Bình... ; trình diễn nghề truyền thống của các làng lụa Mã Châu, làng dệt Cơ Tu (Quảng Nam), lụa Vạn Phúc, Tân Châu, dệt Chăm ở Ninh Thuận; Hội thảo chuyên đề “Tơ lụa thế giới với đời sống hiện đại”; Đêm lụa Phương Đông.

Khánh Hiền