Khách Trung Quốc giảm, thách thức hay cơ hội?

Tổng cục Du lịch Việt Nam nêu giải pháp đối phó tình hình nhiều khách Trung Quốc ngừng đến Việt Nam sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương 981 trên vùng biển Việt Nam.

Một cuộc khủng hoảng mới?

 

Tại họp báo về tình hình khách du lịch quốc tế tháng 5, do Bộ VHTT&DL tổ chức sáng 19/5, Tổng cục Du lịch cho biết, từ 15/5, du khách Trung Quốc đi qua đường cửa khẩu phía Bắc bằng giấy thông hành xuất nhập cảnh (theo quy chế 849) tạm ngừng. Ngày 17/5, khách du lịch Trung Quốc vào Việt Nam bằng đường bộ giảm mạnh. Năm 2013, trong số 7,57 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, riêng Trung Quốc chiếm 1,9 triệu lượt, khoảng 25%.

 

“Biển Đông căng thẳng gây nên tác động kép. Không riêng Trung Quốc mà một số thị trường nói tiếng Hoa như Singapore, Đài Loan, Ma Cao, Hong Kong cũng có dấu hiệu dè dặt, sụt giảm”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho biết.

 

Ngày 16/5, Tổng cục và Hiệp hội Du lịch Việt Nam tiếp một đoàn khách Trung Quốc để thông tin về tình hình tại Việt Nam, khẳng định sự kiện biển Đông không ảnh hưởng đến hợp tác du lịch.

 

Khách Trung Quốc giảm, thách thức hay cơ hội?
Mất khách Trung Quốc, du lịch Việt Nam có thể chuyển hướng sang nhiều thị trường trọng điểm, mức chi tiêu cao như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản. Ảnh: Hồng Vĩnh



Đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, bốn tháng đầu năm Việt Nam đón khoảng 800 nghìn lượt khách Trung Quốc, tháng 5 có giảm nhưng chưa nhiều, từ tháng 6 trở đi sẽ hầu như không có khách. Đánh giá thiệt hại trước mắt, ông Tuấn cho biết với mức chi tiêu trung bình khoảng 500 USD/người, tuy thuộc loại thấp nhưng tổng thu sẽ giảm hơn 500 triệu USD. Đấy là thiệt hại trước mắt, lâu dài ông Tuấn quan ngại cuộc khủng hoảng của ngành du lịch lần thứ tư là “thách thức chưa từng có”, sau các mốc khủng hoảng năm 1998, năm 2003 do dịch SARS, năm 2008-2009 từ ảnh hưởng của suy thoái kinh tế.

 

Du lịch Việt Nam vẫn an toàn

 

Phát triển du lịch biển đảo gắn với khẳng định chủ quyền

Bên lề họp báo, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, về lâu dài sẽ tính đến phát triển du lịch ra các tuyến đảo xa bờ, trong đó có Trường Sa. “Đây là chuyện lâu dài, chúng tôi đề cập với một số cơ quan liên quan như Bộ Quốc phòng. Việc tổ chức như thế này cần các điều kiện hỗ trợ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách. Đây cũng là cách thức khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, cách thức thể hiện tình yêu đất nước của công dân Việt Nam: Muốn ít nhất trong đời có một lần đến mảnh đất yêu dấu, rất thiêng liêng như Trường Sa, Hoàng Sa”, ông nói.
Sau khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển đặc quyền của Việt Nam, nhiều nhà hàng, khách sạn có phản ứng tiêu cực, từ chối phục vụ khách Trung Quốc. Tổng cục Du lịch gọi điện về các sở, doanh nghiệp yêu cầu “ngừng ngay các hành vi mang tính chất kỳ thị”. Tổng cục cũng yêu cầu các địa phương duy trì hoạt động du lịch một cách bình thường; không quá khích, phân biệt đối xử khách du lịch Trung Quốc và các thị trường nói tiếng Hoa, đảm bảo an ninh cho du khách.

 

Trong số giải pháp, Việt Nam gửi thư đến các cơ quan du lịch quốc gia các thị trường trọng điểm của Việt Nam để thông báo tình hình ở biển Đông hiện nay là do Trung Quốc gây nên. Nội dung thư nhấn mạnh, tình hình xảy ra ngoài biển Đông trên thềm lục địa và đặc quyền kinh tế Việt Nam, cách xa đất liền và không ảnh hưởng đến các hoạt động du lịch nội địa, ven biển duyên hải của Việt Nam. Việt Nam cam kết đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho du khách, đề nghị cơ quan du lịch quốc gia các nước thông tin cho các doanh nghiệp, tiếp tục ủng hộ để duy trì quan hệ hợp tác du lịch với Việt Nam.

 

Một trong số giải pháp lâu dài để thu hút khách quốc tế đến, quay lại Việt Nam, là nâng cao chất lượng sản phẩm. Trả lời bên lề họp báo, ông Tuấn nhắc đến việc xây dựng các sản phẩm đặc thù gắn với tài nguyên, tiềm năng để tạo ra sản phẩm đặc thù, có khả năng cạnh tranh. Các sản phẩm đó phải gắn với duy trì dịch vụ, cùng với chú trọng công tác quản lí. “Các hành vi như chèo kéo, chụp giật làm phương hại đến sản phẩm, chất lượng du lịch. Đây là câu chuyện lâu dài, không chỉ nói trong thời điểm trước mắt”, ông Tuấn nói. Sắp tới, Việt Nam đón nhiều đoàn Famtrip (du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) của các thị trường trọng điểm, “để tăng cường tuyên truyền hình ảnh của chúng ta, rằng bất luận thế nào Việt Nam cũng là điểm đến an toàn, hấp dẫn”.

 

Tái ông mất ngựa

 

Các giải pháp nêu trên chỉ mang tính tạm thời, cần những giải pháp dài hơi: có kế hoạch quản trị đối phó với rủi ro, các gói kích cầu du lịch nội địa đang được đề xuất với Chính phủ. Tổng cục Du lịch Việt Nam nói rằng, Trung Quốc là thị trường du lịch lớn trên thế giới, không quốc gia nào phát triển du lịch mà bỏ qua, tuy nhiên cũng có mặt hạn chế: đa số khách chi tiêu ít; khách đi đường bộ chịu sự can thiệp khá sâu của các doanh nghiệp Trung Quốc; cạnh tranh giảm giá làm giảm đi hình ảnh du lịch của Việt Nam.

 

Du khách Nga đến Khánh Hòa, Bình Thuận có thời gian lưu trú trung bình 12,5 ngày, mức chi tiêu cao, khoảng 2.200-2.500 USD/người. Họ tiêu bằng 5 khách Trung Quốc đến Hạ Long, chi phí chỉ 50 USD/ngày. “Chúng ta chuyển hướng sang các thị trường truyền thống, có quan hệ tốt về mặt chính trị, có khả năng lưu trú dài ngày, chi tiêu cao: Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc, thậm chí thị trường ASEAN cận kề-có thể chi tiêu thấp hơn một chút, nhưng đi lại thuận tiện”, ông Tuấn nói.

 

Theo Toan Toan

Tiền phong