Khách Trung Quốc chiếm gần một nửa lượng khách quốc tế đến Việt Nam

(Dân trí) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 5/2016 ước đạt 757.244 lượt, giảm 4,1% so với tháng 4/2016. Đáng chú ý là lượng khách Trung Quốc vẫn chiếm gần một nửa so với tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam.

Tổng cục Thống kê cho biết, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng 44,4%; Hồng Kông (Trung Quốc) tăng 139%; kế đến là Hàn Quốc tăng 31,4%; Đài Loan (Trung Quốc) tăng 15,2%...

Hiện tại các điểm đến ven biển miền Trung như Nha Trang, Đà Nẵng và cả Phú Quốc đang có một lượng lớn khách Trung Quốc đổ về. Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất của du lịch Việt Nam. Năm 2014, đã có lúc lượng khách này chiềm gần 1/4 tổng lượng khách sang Việt Nam cả năm.

Lý do khách Trung Quốc đến các tỉnh ven biển Việt Nam tăng vọt vài năm gần đây được các doanh nghiệp chuyên đưa khách Trung Quốc sang Việt Nam cho rằng, có rất nhiều người Trung Quốc cảm thấy ngạc nhiên về các vùng biển đảo đầy nắng của Việt Nam.


Du khách Trung Quốc đang áp đảo lượng khách quốc tế đến Việt Nam

Du khách Trung Quốc đang "áp đảo" lượng khách quốc tế đến Việt Nam

Mặc dù chiếm tỉ lệ cao, nhưng theo phản ánh của nhiều công ty lữ hành Việt Nam, khách Trung Quốc lại là đối tượng khách có mức chi tiêu thấp so với du khách các nước khác đến Việt Nam. Trong khi đó, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số khách đến từ châu Âu lại có mức chi tiêu cao hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, nếu Việt Nam không cải thiện được chỉ số về yêu cầu thị thực nhập cảnh thì năng lực cạnh tranh ngành du lịch Việt Nam khó có thể được nâng cao so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, đối với các thị trường xa như Châu Âu, Bắc Mỹ, khách du lịch thường đi du lịch kết hợp nhiều điểm đến quốc gia. Nếu không đơn giản hóa thủ tục nhập cảnh thì du lịch Việt Nam khó có thể kết nối với các điểm đến trong khu vực, hạn chế khả năng hội nhập kinh tế quốc tế.

Cơ quan này viện dẫn, Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên Hợp quốc (UNWTO) đã đánh giá không có mối liên hệ giữa sự bất ổn an ninh và khách du lịch. Thực chất, các vụ khủng bố, bạo loạn như ở Pháp và Bỉ chủ yếu do công dân của chính các quốc gia gây nên, xuất phát từ vấn đề của chính quốc gia đó. Vì vậy, khách du lịch là nạn nhân chứ không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng nêu trên.

Ngay trong khu vực Đông Nam Á, các nước như Thái Lan, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a đối mặt với nguy cơ khủng bố cao, thậm chí đã xảy ra một số vụ khủng bố ở các nước này trong thời gian gần đây vẫn duy trì chính sách thị thực nhập cảnh thông thoáng do thực sự đánh giá đúng bản chất và lợi ích do khách du lịch quốc tế đem lại.

Hữu Thắng