Khách sạn có tivi phải trả tiền tác quyền âm nhạc?

(Dân trí) - Các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vừa nhận được công văn của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc chi nhánh phía Nam yêu cầu thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả khi sử dụng âm nhạc trong kinh doanh. Trong đó, có thu cả phí tác quyền âm nhạc đối với phòng ngủ có sử dụng ti vi.


Mức nhuận bút tác phẩm âm nhạc quy định cả cho phòng nghỉ ở cơ sở lưu trú có sử dụng ti vi

Mức nhuận bút tác phẩm âm nhạc quy định cả cho phòng nghỉ ở cơ sở lưu trú có sử dụng ti vi

Cụ thể, văn bản của Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc chi nhánh phía Nam nêu Luật sở hữu trí tuệ quy định khi tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ quyền tác giả phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả. Và đề nghị các chủ doanh nghiệp/ cơ sở kinh doanh khẩn trương thực hiện nghĩa vụ trả nhuận bút khi sử dụng quyền tác giả.

Đồng thời, Sở Du lịch Đà Nẵng gửi công văn đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố đề nghị các cơ sở có sử dụng âm nhạc (thông qua các hình thức sử dụng âm nhạc bao gồm nhạc nền thông qua bản ghi âm, ghi hình và nhạc sống tại sảnh lễ tân, nhà hàng, karaoke, phòng ngủ của khách, dịch vụ hội nghị hội thảo...) liên hệ với Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại Đà Nẵng để được hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ trả tiền tác quyền.

Đính kèm công văn của Sở Du lịch Đà Nẵng là bảng mức nhuận bút sử dụng tác phẩm âm nhạc. Trong đó, có quy định mức thu cụ thể đối với nhà hàng, cà phê, quầy rượu, phòng hội nghị, sảnh lễ tân, phòng karaoke... Đáng chú ý, trong đó có cả quy định mức nhuận bút cho phòng ngủ/phòng khách ở các cơ sở lưu trú có sử dụng ti vi là 25.000 đồng/phòng/năm.

Nhận được các văn bản này, nhiều chủ cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều không đồng thuận, đặc biệt khoản thu đối với phòng nghỉ của khách sạn có sử dụng ti vi là vô lý. Trao đổi với PV Dân trí, anh Phạm Việt Cương - đại diện một khách sạn ở Đà Nẵng chia sẻ: Cơ sở lưu trú chúng tôi đã có trình bày quan điểm không đồng ý với Sở Du lịch thành phố về yêu cầu trả tiền tác quyền âm nhạc. Việc trả tiền tác quyền âm nhạc là giao dịch dân sự theo thỏa thuận giữa tác giả và người sử dụng, có thể ủy quyền cho đơn vị đại diện như Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Nhưng ở đây lại hành chính hóa thành một loại lệ phí, với mức thu kiểu như “khoán” và “tận thu” vậy là không hợp lý. Ví dụ phòng lễ tân, phòng karaoke mở nhạc phục vụ khách thì phải dựa trên tần suất sử dụng, không thể đánh đồng và quy định chung một mức như thế. Còn khoản thu đối với phòng nghỉ có sử dụng ti vi là vô lý. Các cơ sở lưu trú đã trả phí sử dụng dịch vụ truyền hình. Các nhà đài mới biết có sử dụng tác phẩm âm nhạc nào, tác phẩm đó có được tác giả ủy quyền cho Trung tâm bảo vệ quyền tác giải âm nhạc thu phí hay không. Khách ở các cơ sở lưu trú bật ti vi lên, có chương trình thì họ xem, chứ họ đâu có chủ động chọn tác phẩm nào. Cơ sở lưu trú đã trả phí sử dụng dịch vụ truyền hình rồi tại sao lại phải trả tiền tác quyền âm nhạc nữa? “Chúng tôi không đồng ý với việc yêu cầu trả tiền tác quyền âm nhạc như thế” - anh Cương nói.

Tâm An