Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh:

“Khách quốc tế tăng trên 30 lần trong 20 năm”

(Dân trí) - Trả lời phỏng vấn bên lề kỳ họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh, hoạt động quảng bá xúc tiến hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam ngày càng tập trung, huy động nguồn lực của Bộ đa ngành, thu hút lượng khách quốc tế tăng trên 30 lần trong 20 năm (từ 1995 đến nay) và tăng hơn 2 lần sau phục hồi khủng hoảng từ cuối năm 2009 đến nay.

Duy trì tốc độ tăng trưởng

Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, du lịch là ngành phục hồi nhanh sau suy thoái kinh tế 2009, giai đoạn 2011-2015 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong quan điểm chiến lược phát triển du lịch, chuyển từ phát triển trên diện rộng sang chiều sâu, phát triển bền vững gắn với chất lượng, hiệu quả, có trọng tâm trọng điểm, có thương hiệu và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, đất nước và con người Việt Nam, du lịch Việt Nam luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, trở thành một trong những điểm sáng của nền kinh tế.

 


Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh (thứ 2, bên phải) cùng các đại biểu quốc hội bên lề kỳ họp thứ 10 quốc hội khoá 13.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh (thứ 2, bên phải) cùng các đại biểu quốc hội bên lề kỳ họp thứ 10 quốc hội khoá 13.

 

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, đến nay đã xây dựng được Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Quy hoạch 5/7 vùng du lịch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trọng tâm phát triển tập trung vào các vùng du lịch trọng điểm, 46 khu du lịch quốc gia, 41 điểm du lịch quốc gia và 12 đô thị du lịch. Thu hút ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế và nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng liên tục trên 12%/năm: Năm 2011, thu hút 6 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 30 triệu khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 130 ngàn tỷ đồng; năm 2013 với 7,57 triệu lượt khách quốc tế, 32,5 triệu lượt khách nội địa; về trước thời hạn 2 năm so với mục tiêu đề ra cho năm 2015 tại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Năm 2014, đón 7.874.312 lượt khách du lịch quốc tế, khách du lịch nội địa đạt 38,5 triệu lượt. Dự kiến, năm 2015: đón 7-7,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 36-37 triệu lượt khách du lịch nội địa.

Bộ trưởng nhấn mạnh, diện mạo ngành du lịch, đặc biệt tại các đô thị và trung tâm du lịch lớn thay đổi căn bản với hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư phát triển với tốc độ nhanh, nhất là cơ sở dịch vụ chất lượng cao. Năm 2010, cả nước có 888 doanh nghiệp được cấp phép lữ hành quốc tế, 12.352 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 237.111 buồng; Năm 2015, cả nước đã có 1.550 doanh nghiệp được cấp phép lữ hành quốc tế và hàng chục nghìn doanh nghiệp lữ hành nội địa; 18.700 cơ sở lưu trú du lịch với 358.000 buồng (trong đó có 85 khách sạn 5 sao với 20.937 buồng, 209 khách sạn 4 sao với 26.498 buồng; 428 khách sạn 3 sao với 29.901 buồng). Hệ thống sản phẩm du lịch phát triển đa dạng, phát huy thế mạnh về tài nguyên sinh thái và văn hóa các vùng miền; từng bước hình thành các vùng du lịch động lực như Hà Nội-Quảng Ninh-Hải Phòng-Ninh Bình; Thừa Thiên Huế-Đà Nẵng-Quảng Nam; Khánh Hòa-Bình Thuận; Thành phố Hồ Chí Minh-Bà Rịa Vũng Tàu; Cần Thơ-Kiên Giang; Lâm Đồng.

Còn nhiều rào cản đối với doanh nghiệp du lịch

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh cho rằng, ngành du lịch cũng vẫn còn một số tồn tại đáng lưu ý, đó là: Chưa có các chính sách thực sự thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế. Những rào cản đối với doanh nghiệp du lịch chậm được tháo gỡ. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển. Công tác liên kết phát triển chưa đồng bộ, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp. Hiệu quả phát triển du lịch chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc của đất nước và con người Việt Nam. Công tác kiểm soát chất lượng dịch vụ, quản lý môi trường du lịch tại một số địa phương chưa được đảm bảo. Công tác quản lý hoạt động lữ hành còn bất cập. Công tác quảng bá xúc tiến du lịch chưa được đầu tư tương xứng, hiệu quả chưa cao. Hoạt động du lịch còn mang tính mùa vụ, chất lượng dịch vụ chưa được đảm bảo, chính sách phát triển còn chưa hợp lý.

Tới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật trong đó có Luật Du lịch, các văn bản dưới luật, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các lĩnh vực hoạt động của Ngành. Kiến nghị cấp có thẩm quyền tăng mức đầu tư từ ngân sách Trung ương và địa phương cho Ngành phù hợp với tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế đất nước; bảo đảm kinh phí thực hiện cho các chương trình mục tiêu, đề án, quy hoạch, chiến lược phát triển Ngành đã được phê duyệt; ban hành cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển Ngành. Thúc đẩy hội nhập, hợp tác quốc tế, thực hiện hiệu quả các hiệp định, điều ước quốc tế đã ký kết, các điều ước quốc tế đa phương mà Việt Nam là thành viên. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá hình ảnh quốc gia theo hướng chuyên nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

 

Theo báo cáo, hệ thống doanh nghiệp du lịch, hiệp hội nghề nghiệp du lịch ngày càng lớn mạnh với 1.393 doanh nghiệp lữ hành quốc tế. Hiệu quả du lịch tác động tích cực lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực, tạo việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Dự kiến năm 2015: Tổng thu trực tiếp từ khách du lịch đạt 10-11 tỷ USD, đóng góp 5,5-6% vào GDP cả nước; tạo ra 2,2 triệu việc làm trong đó có 700.000 lao động trực tiếp du lịch.

Thanh Liêm