Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục sụt giảm mạnh

(Dân trí) - Đó là con số thống kê của Tổng cục Thống kê trong tháng tư năm nay. Theo đó chỉ có một số thị trường khách tăng so với cùng kỳ năm trước là: Hàn Quốc và Phần Lan…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4/2015 ước đạt 690.440 lượt khách, tăng 11,7% so với tháng 3/2015 và giảm 7,4% so với tháng 4/2014.
Ảnh minh hoạ: Internet.
Ảnh minh hoạ: Internet.

Trong đó, lượng khách đến bằng đường không đạt 534.507 lượt khách, chiếm 77,41%; khách đến bằng đường biển đạt 6.142 lượt khách, chiếm 0,89%; khách đến bằng đường bộ đạt 149.791 lượt khách, chiếm 21,7%.

Kết quả đó đã đưa tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 4 tháng 2015 ước đạt 2.698.324 lượt, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm 2014.

Tính chung bốn tháng đầu năm, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2,7 triệu lượt, giảm 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch đến bằng đường hàng không đạt hơn 2,2 triệu lượt người, giảm 9%; khách đến bằng đường bộ đạt hơn 439.000 lượt người, giảm 24,9%; khách đến bằng đường biển đạt 24.200 lượt người, giảm 29,8%.

Những rào cản với khách du lịch đến Việt Nam có thể kể đến còn bao gồm cách quảng bá chưa chuyên nghiệp, điều kiện đi lại, thủ tục nhập cảnh chưa thông thoáng và giá dịch vụ du lịch vẫn cao... chất lượng dịch vụ du lịch Việt Nam chưa tốt nhưng tính bình quân giá tour lại cao hơn các nước khác trong khu vực tới 30%

Ngoài ra, theo các chuyên gia về du lịch, đó là do thiếu sản phẩm mang tầm vóc thương hiệu du lịch quốc gia vì cách làm còn thiếu chuyên nghiệp; hạ tầng giao thông, phương tiện vận chuyển còn yếu kém, lạc hậu.

Đây là hồi chuông cảnh báo đối với ngành du lịch trong nước. Ngoài tổn hại trực tiếp đến hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành và các dịch vụ ăn theo du lịch, đóng góp vào tốc độ phát triển chung của cả nước giảm, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh thương hiệu du lịch quốc gia trong tương lai.

Một lý do nữa, rất cơ bản, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam khiến lượng du khách quốc tế vào nước ta sụt giảm là nạn “chặt chém”.

Theo Tổng cục Thống kê, lương khách du lịch nội địa trong 4 tháng đầu năm ước đạt 25 triệu lượt. Trong đó, khách lưu trú ước đạt 10,9 triệu lượt; Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 125.757 tỷ đồng.

Trước thự trạng này, nhiều người đặt câu hỏi tăng chất lượng phục vụ nhưng giá phải rẻ, đó là bài toán khó song các nước bạn làm được, sao ta thì lại không.

Cái thiếu lớn nhất của du lịch nước ta hiện nay là thiếu kết nối giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp du lịch trong nước và ngoài nước. Thay vì các doanh nghiệp du lịch cùng làm cùng chia thì họ lại nặng về giành giật giá cả dịch vụ lẫn nhau. Các doanh nghiệp trong nước cần hạn chế cạnh tranh với nhau để tăng cường hợp tác.

Các tuyến biển nên mạnh dạn chọn hướng đi riêng và tạo sự khác biệt. Chẳng hạn như Vũng Tàu chọn mô hình du lịch biển kết hợp sự kiện sinh động như thể thao, giải trí, văn hóa... Nên xây dựng Côn Đảo, Phú Quốc trở thành tuyến biển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp; Nha Trang, Phan Thiết chọn du lịch kết hợp mua sắm, hội nghị, hội thảo. Biển Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Ngãi, Quy Nhơn thích hợp du lịch biển kết hợp tìm hiểu lịch sử, văn hóa truyền thống...

Hữu Thắng