Khách quốc tế đến Việt Nam cao kỷ lục nhưng ít người quay trở lại

(Dân trí) - Thời gian qua, du lịch Việt Nam có bước tăng trưởng ấn tượng. Tuy nhiên, số lượng khách quay trở lại từ lần thứ 2 trở đi còn thấp.

Du lịch Việt Nam đã có những bước tiến ấn tượng

Phát biểu khai mạc phiên toàn thể diễn đàn cấp cao Du lịch 2019 vào chiều 9/12, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết thời gian qua du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và đạt những con số ấn tượng.

Tháng 11/2019, Việt Nam đón 1,8 triệu lượt khách quốc tế, tăng 39% so với cùng kỳ 2018, tăng gấp hai lần so với năm 2016. Dự kiến hết năm 2019, du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế.

Khách quốc tế đến Việt Nam cao kỷ lục nhưng ít người quay trở lại - 1

ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết thời gian qua du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc

Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng được cải thiện đáng kể, tăng hơn 10 bậc từ 75/141 quốc gia năm 2016 lên 63/140 quốc gia năm 2019.

Việt Nam cũng được chọn là điểm đến du lịch, văn hoá, ẩm thực hàng đầu châu Á cùng nhiều giải thưởng danh giá khác.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam vẫn còn nhiều chỉ số ở mức thấp. Nhân lực và thị trường giảm 10 bậc; bền vững về môi trường và hạ tầng du lịch xếp vào nhóm thấp nhất thế giới.

Nhiều hạn chế và điểm nghẽn chưa được giải quyết như: công tác xúc tiến quảng bá chưa tốt, quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa đưa vào vận hành, hạ tầng sân bay quá tải chưa đáp ứng.

“Để thực hiện mục tiêu phát triển ngành du lịch Việt Nam đến năm 2025 với tổng thu dự kiến 45 tỷ USD, chúng ta cần gia tăng mạnh về chất lượng. Ngoài ra, cần phải có phát triển bứt phá bền vững để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành du lịch trong thời gian tới”, ông Tùng nói.

Khách quốc tế đến Việt Nam cao kỷ lục nhưng ít người quay trở lại

Đánh giá về du lịch Việt Nam, ông Kenneth Atkinson - Phó chủ tịch TAB cũng thẳng thắn cho rằng, dù lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nhưng số lượng khách quay trở lại Việt Nam trong những năm qua còn tương đối thấp.

Một trong những nguyên nhân chưa hấp dẫn du khách chính là vấn đề visa. Theo ông, muốn thúc đẩy du lịch phát triển, Việt Nam cần phải sớm cải thiện điều này.

“Khi miễn visa cho Anh và các nước châu Âu vào năm 2016, lượng du khách đã tăng thêm 19%, với số lượng khách này nhân với số tiền họ tiêu thì lên tới là 150 triệu USD. Đây là một lợi ích thấy rõ của việc chúng ta cải thiện chính sách thị thực”,  ông Kenneth Atkinson dẫn chứng.

Khách quốc tế đến Việt Nam cao kỷ lục nhưng ít người quay trở lại - 2

Ông Kenneth Atkinson - Phó chủ tịch TAB thẳng thắn cho rằng dù lượng khách đến Việt Nam tăng trưởng ấn tượng nhưng tỷ lệ khách quay trở lại còn thấp

Ngoài ra, đại diện của TAB cũng cho rằng, để cải thiện tỷ lệ quay trở lại của du khách, Việt Nam cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ, thay đổi tích cực hơn nữa trong các vấn đề như: hợp tác với các hãng hàng không, mở đường bay thẳng đến châu Âu, nâng cao khả năng quá cảnh...

Ông Gareth Ward - Đại sứ Anh cũng đề xuất, Việt Nam cần phải hướng đến tính bền vững của du lịch. Ông đưa ví dụ về việc chọn những vấn đề mang tính biểu tượng như: quản lý nhựa, chất thải, rác thải.

"Chính phủ Anh đã xây dựng các kế hoạch về nhựa toàn cầu. Ở Việt Nam, ngành du lịch cần đóng vai trò chủ đạo trong vấn đề này. Tôi đã thấy nhiều sáng kiến ở Hạ Long về việc giảm rác thải nhựa. Đó là việc làm cần thúc đẩy từ Trung ương", ông nói.

Ngoài ra, theo vị Đại sứ này, Việt Nam cần xây dựng du lịch dựa trên những trải nghiệm cho du khách. Đơn cử như sự kiện đua xe công thức một sắp tới, chúng ta cần phải tận dụng để thu hút du khách quốc tế đến du lịch và ở lại dài ngày.

Khách quốc tế đến Việt Nam cao kỷ lục nhưng ít người quay trở lại - 3

Các đại biểu lắng nghe và cùng thảo luận các vấn đề nóng của du lịch Việt Nam tại Diễn đàn Cấp cao Du lịch.

Liên quan đến vấn để cải thiện hàng không để thúc đẩy du lịch phát triển, đại diện Vietjet Air ông Chu Việt Cường cho biết, hiện nay Việt Nam có 22 sân bay thương mại, 4 sân bay lớn nhưng hiện tại đều quá tải. Ông Cường đề xuất nên nghiên cứu việc xã hội hóa nguồn vốn để cải thiện tình trạng này. 

“Tại Thái Lan, một số hãng hàng không đã sở hữu sân bay riêng, hay tại Anh, những năm 80, các công ty tư nhân đã được quản lý các sân bay. Từ kinh nghiệm của các nước, đóng góp của khối tư nhân trong xây dựng hạ tầng cơ sở của hàng không là rất quan trọng”, ông nhấn mạnh.

Theo ông Cường chúng ta cũng cần bổ sung nguồn nhân lực cho ngành hàng không từ phi công, nhân viên dịch vụ mặt đất, kỹ sư sửa chữa máy bay. 

Nói về ngân sách du lịch, nhiều chuyên gia tại diễn đàn nhận định 2 triệu USD mà Nhà nước chi cho quảng bá du lịch là ít so với các nước khác trong khu vực. Tuy nhiên không phải cứ nhiều tiền mới hiệu quả, vấn đề là đã tìm ra ý tưởng quảng bá hay chưa hay chỉ nói là cần có nhiều tiền.

Từ phía nguồn lực xã hội, các hãng truyền thông quốc tế cũng đưa ra nhiều nhận xét tích cực về du lịch Việt Nam, đồng thời cho biết sẽ chủ động giúp Việt Nam trong việc thực hiện các chiến dịch truyền thông và sản xuất ấn phẩm quảng bá cho du lịch Việt Nam.

Tổng kết lại các ý kiến tại diễn đàn, ông Lê Quang Tùng - Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng, xây dựng chính sách hay cơ chế thí điểm, đặc thù không thể làm trong ngày một ngày hai.

Điều quan trọng là từng bước làm thế nào để chính sách phù hợp. "Ví dụ cơ chế thí điểm về visa xuất phát từ khu vực tư nhân hay nói về cơ chế liên quan đến phát triển các hãng hàng không từ khu vực tư nhân đòi hỏi thì chúng tôi sẽ tiếp thu", ông cho biết.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cũng nhấn mạnh: "Tôn chỉ của Nhà nước là phục vụ người dân và doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ thực hiện theo tôn chỉ đó. Ngoài ra, chúng tôi sẽ rà soát lại nội dung trước khi trình lên Chính phủ, từ đó tháo gỡ những nút thắt để diễn đàn của chúng ta thực sự có ý nghĩa".

Trước đó, phiên toàn thể của Diễn đàn Cấp cao Du lịch diễn ra vào chiều 9/12 với chủ đề "Để du lịch Việt Nam thực sự cất cánh".

Phiên toàn thể thảo luận, đưa ra các đề xuất, kiến nghị về bốn vấn đề: Tổ chức lại hoạt động quảng bá, cải thiện quá trình lập kế hoạch - đặt dịch vụ của du khách, nâng cao chất lượng điểm đến và phát triển hàng không. Trong đó, bài toán hành động để tháo gỡ các nút thắt về hạ tầng hàng không, chắp cánh cho du lịch là một trong những vấn đề trọng tâm được trao đổi.

Hà Trang