Khách du lịch Trung Quốc có thể tạo ra cơ hội “vàng” nếu biết khai thác!

(Dân trí) - TS.Võ Quế, trưởng phòng Nghiên cứu Chính sách Du lịch, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, nếu chúng ta có những giải pháp thu hút cũng như phương pháp tổ chức, quản lý hợp lý và kịp thời thì khách Trung Quốc sẽ mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho nghành du lịch.

Thời gian gần đây lượng khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) tăng đột biến, lên tới 10.000 – 15.000 lượt khách/ ngày. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

Việc tăng trưởng đó là tin mừng chứ không phải là lo lắng. Thực tế, khách du lịch Trung Quốc tăng thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên do yếu tố vị trí địa lý, Việt Nam có 7 tỉnh giáp Trung Quốc, với biên giới chung hơn 1.350 km, trong đó cửa khẩu quốc tế Móng Cái (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) là một trong những nơi có số lượng người Trung Quốc làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam đông nhất. Trung bình mỗi ngày có khoảng 2.000-3.000 lượt người Trung Quốc sang Việt Nam du lịch, chuyên gia, lao động, người đi buôn bán... vào những dịp lễ, Tết con số này tăng gấp 3 – 4 lần.

Thứ 2, gần đây có thông tin Trung Quốc hạn chế công dân nước mình sang du lịch Hàn Quốc. Để giữ uy tín, các công ty lữ hành buộc phải tìm cách chữa cháy cho khách bằng việc chuyển sang các địa điểm du lịch khác. Việt Nam là một điểm đến được lựa chọn. Thực tế, trong 3 tháng đầu năm nay, lượng khách Trung Quốc không chỉ tăng mạnh ở Việt Nam mà còn tăng ở các nước lân cận khác như: Singapore, Malaysia, Thái Lan… Trong đó, theo thống kê Việt Nam và Thái Lan là hai nước có lượng tăng nhiều nhất.

Sự “bùng nổ” của lượng khách Trung Quốc vào Việt Nam trong thời gian qua ngoài những nguyên nhân trên thì theo nhiều chuyên gia du lịch còn do sức hấp dẫn của các “tour 0 đồng”. Theo ông, việc tồn tại của các tour giá rẻ này sẽ gây ra hệ lụy gì?

Thực tế trong kinh doanh nói chung và du lịch nói riêng thì điều quan trọng được đặt lên hàng đầu là doanh thu. Các “tour giá 0 đồng” không ai khuyến khích và chào đón cả, điều này thể hiện sự hạ thấp giá trị du lịch. Thực tế chiêu “0 đồng” chỉ là mồi nhử ban đầu, sau đó các công ty sẽ thu tiền của khách thông qua việc “chặt chém” các dịch vụ du lịch khác. Đa số những công ty khai thác loại tour này là công ty không có thương hiệu, hoặc núp bóng trá hình.

Các tour 0 đồng không chỉ là vấn nạn của du lịch Việt Nam mà ở nhiều nước khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Mới đây, Thái Lan đã phải tiến hành kiểm tra tổng lực, kiểm soát rất chặt chẽ và đưa ra nhiều biện pháp để xóa bỏ loại hình này.

Việc tồn tại của các “tour 0 đồng” ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh, chất lượng du lịch Việt, để lại ấn tượng xấu cho du khách vì thế tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta cần phải có những biện pháp mạnh tay để chấn chỉnh tình trạng này.

Khách du lịch Trung Quốc xếp hàng dài làm thủ tục tại cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh). (Ảnh: An Nhiên).
Khách du lịch Trung Quốc xếp hàng dài làm thủ tục tại cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh). (Ảnh: An Nhiên).

Lượng khách Trung Quốc tăng được xem là cơ hội rất lớn cho nghành du lịch Quảng Ninh nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung tuy nhiên, nhiều người cũng bày tỏ lo ngại việc có quá nhiều khách quốc tế đổ đến địa phương này cũng gây ra nhiều hệ lụy, nhất là khi công tác quản lý du lịch, kiểm soát tour tuyến còn nhiều bất cập, hạn chế. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Lượng khách Trung Quốc tăng thời gian qua tôi nghĩ cũng chưa đến nỗi gây ra sự quá tải. Trong giai đoạn hiện nay, cơ sở vật chất của chúng ta hoàn toàn có khả năng đáp ứng được. Tuy nhiên, nếu lượng khách tăng nhưng lượng chi tiêu lại thấp thì cũng đặt ra nhiều áp lực, thách thức.

Những nhóm khách này thường có xu hướng lựa chọn những nơi lưu trú là khách sạn 1 -2 sao thậm chí là ở nhà khách có chất lượng không đảm bảo. Đương nhiên, điều này sẽ gây thất thu lớn cho các cơ sở kinh doanh. Mặt khác, việc tăng lượng khách đến từ các tour giá rẻ làm nảy sinh nhiều biến tướng. Các đơn vị lữ hành trong nước bắt tay với các doanh nghiệp Trung Quốc thao túng thị trường, phá giá du lịch ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng du lịch, để lại ấn tượng xấu đối với du khách.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê trong hơn 2,2 triệu khách quốc tế đến Việt Nam 2 tháng đầu năm 2017, lượng khách Trung Quốc đứng đầu bảng với hơn 650.000 lượt, tương ứng 10 khách quốc tế, có 3 khách là người Trung Quốc. Thế nhưng, dường như chúng ta vẫn còn lung túng, thiếu sự chuẩn bị, đón đầu đặc biệt chưa khai thác hết tiềm năng của thị trường du lịch đông dân nhất thế giới này, thưa ông?

Chúng ta còn thiếu sự chuyên nghiệp, thiếu bền vững trong cách làm du lịch nên mới xảy ra tình trạng lung túng, bối rối ở một số địa phương thời gian qua. Ở nhiều nước trên thế giới họ luôn có sự dự báo, đưa ra các phương án để chủ động đón khách. Trong khi Việt Nam thì chưa làm được điều này.

Thực tế, Trung Quốc là thị trường khách rất tiềm năng khi có lượng gửi khách lớn nhất của du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Với số lượng khách đi du lịch nước ngoài năm 2016 đạt khoảng 130 triệu lượt người và dự kiến đến năm 2020 đạt khoảng 200 triệu lượt; Trung Quốc đang trở thành thị trường trọng điểm đầu tư đối với các quốc gia muốn phát triển kinh tế du lịch.

So với các quốc gia khác, Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển và khai thác thị trường này. Chúng ta có các thắng cảnh, bờ biển dài và đẹp, khí hậu nóng ẩm gió mùa, vị trí địa lý, những nét văn hóa đặc sắc thuận lợi… Nếu chúng ta có những giải pháp thu hút cũng như phương pháp tổ chức, quản lý hợp lý và kịp thời thì lượng khách đến từ quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho nghành du lịch.

Vậy theo ông, thời gian tới du lịch Việt Nam cần phải làm gì để khai thác hiệu quả tiềm năng từ thị trường khách Trung Quốc?

Chúng ta phải xem xét lại năng lực, điều hành quản lý làm sao để phát huy được thế mạnh của du lịch Việt Nam. Trong đó phải tạo ra sự đồng bộ, phải có những chương trình, phối hợp của các ban nghành để tạo sự bứt phá cho du lịch.

Đầu tiên, phải chuẩn bị sẵn sàng chiến lược, kế hoạch hành động để đón thị trường Trung Quốc. Chúng ta phải tìm hiểu xem họ muốn gì, có nhu cầu như thế nào. Làm sao để mỗi khách du lịch Trung Quốc có thể chi trả thật nhiều tiền khi đi du lịch Việt Nam chứ không phải chỉ là tham gia những tour giá rẻ như vừa qua. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy, loại bỏ tư tưởng làm du lịch theo kiểu manh mún, thiếu chuyên nghiệp. Ở nhiều nơi đang xảy ra tình trạng làm ra sản phẩm du lịch không phù hợp để phục vụ các khách hàng mục tiêu tại địa phương đó.

Tại sao khi đến các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước Châu Âu, khách Trung Quốc vẫn “móc” hầu bao chi tiêu rất lớn ở các trung tâm thương mại? Tôi cho rằng, các địa phương cần chọn thế mạnh phù hợp để sản xuất ra những sản phẩm khách du lịch cần. Tức là phải có những đơn vị nghiên cứu nhu cầu của khách Trung Quốc để đưa ra sản phẩm cụ thể. Ở Thái Lan họ làm rất tốt điều này. Họ có các chương trình riêng cho từng đối tượng khách. Ví dụ gần đây họ có chương trình “Du lịch cho người Hồi giáo” rất thành công và ấn tượng. Tôi nghĩ Việt Nam có thể tham khảo cách làm này.

Ngoài ra, một điều quan trọng nữa là việc quản lý, chẩn chỉnh các hoạt động của các công ty lữ hành “bát nháo”, phá giá…. phải được chú trọng, nâng cao. Nếu còn sự tồn tại của những “tour 0 đồng” giá rẻ thì chắc chắn sẽ còn nhiều biến tướng, hệ lụy đi kèm và chất lượng du lịch cũng sẽ giảm sút.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hết 2 tháng đầu năm 2017 cả nước có khoảng 2,2 triệu du khách quốc tế. Trong nhóm khách du lịch phân theo quốc gia, khách đến từ Trung Quốc vẫn chiếm áp đảo với khoảng 651.300 người, chiếm gần 30% tổng lượng khách quốc tế và gần 42% lượng khách đến từ châu Á. Tức trung bình cứ 10 người khách quốc tế, có 3 người là khách Trung quốc và trong 10 người khách châu Á đến Việt Nam, có hơn 4 người là khách Trung Quốc.

Số khách Trung Quốc gấp 1,2 lần so với số khách Hàn Quốc sang Việt Nam (thị trường có khách du lịch đông đảo thứ 2 vào Việt Nam) và gấp đôi so với tổng lượng khách từ khu vực châu Âu vào Việt Nam, gấp 3 lần so với lượng khách khu vực châu Mỹ và gấp gần 4 lần so với tổng lượng khách từ thị trường châu Úc sang Việt Nam.

Trong khi đó, theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, từ năm 2010 đến 2016, khách du lịch nước này sang Việt Nam tăng gấp 3 lần, đặc biệt trong năm 2016 lượng khách Trung Quốc sang Việt Nam tăng đột biến lên 2,7 triệu lượt khách, gấp 1,6 lần so với năm liền kề 2015 và gấp 1,4 lần so với năm có lượng khách Trung Quốc cao nhất trước đó (1,9 triệu lượt khách - năm 2014).

Hà Trang