Hội An: Chấn chỉnh tình trạng bát nháo ở Khu du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu

(Dân trí) - Khu du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu là địa chỉ quen thuộc của nhiều du khách trong và ngoài nước mỗi khi đến với Hội An. Thời gian gần đây, khu du lịch này trở nên bát nháo, bị ô nhiễm bởi tiếng ồn của loa, nhạc… gây nhiều bức xúc cho người dân và du khách.

Thời gian đầu, chỉ có vài hộ làm du lịch ở Khu du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu mở nhạc theo yêu cầu của khách; nhưng sau đó, do các hộ này nhận được nhiều tiền “bo” của khách nên các hộ khác cũng làm theo, thậm chí tranh giành khách nhau thông qua việc mở loa to hơn, nhạc ồn ào hơn… Nhiều thời điểm, cả rừng dừa như bị xáo động, đinh tai nhức óc bởi tiếng loa, tiếng nhạc, phá vỡ sự tự nhiên, yên bình của khu vực rừng dừa vốn thanh bình xưa nay.

Du khách đến Khu du lịch rừng dừa Bảy Mẫu rất đông, nhất là vào dịp lễ, tết, ngày cuối tuần
Du khách đến Khu du lịch rừng dừa Bảy Mẫu rất đông, nhất là vào dịp lễ, tết, ngày cuối tuần

Trước sự bát nháo, ô nhiễm tiếng ồn, nhiều du khách, nhất là du khách Tây hết sức bất bình, bỏ đi. Thậm chí có một số đơn vị dẫn khách (theo các tour đặt trước) bị khách từ chối, gây mất khách và thiệt hại về kinh tế nên đã phản ánh đến chính quyền địa phương, yêu cầu có biện pháp lập lại trật tự tại đây.

Ngoài ra, một số người còn phản ánh, chụp hình cảnh bát nháo này để đưa lên mạng xã hội, yêu cầu chính quyền địa phương can thiệp, ngăn chặn không để tình trạng bát nháo trong cách làm du lịch tại Rừng dừa Bảy Mẫu tiếp tục “nóng” theo kiểu tự phát này.

Du khách đông kéo theo tình trạng lộn xộn, mở nhạc loa “kẹo kéo” quá to, ồn ào, ô nhiễm môi trường…
Du khách đông kéo theo tình trạng lộn xộn, mở nhạc loa “kẹo kéo” quá to, ồn ào, ô nhiễm môi trường…

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hùng Linh - Phó Chủ tịch xã Cẩm Thanh – cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là thời gian qua, tại khu du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu, du khách nước ngoài tìm đến khá đông, trong đó chủ yếu là khách đến từ Châu Âu, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Tuy nhiên, thị hiếu và cách thưởng thức du lịch mỗi nước không giống nhau. Nếu khách Châu Âu thích sự tự nhiên, yên lặng để trải lòng với thiên nhiên thì khách Châu Á, nhất là khách Hàn Quốc, Trung Quốc lại thích náo nhiệt, ồn ào.

Những người chèo thúng biểu diễn rồi xin tiền du khách ở rừng dừa Bảy Mẫu
Những người chèo thúng biểu diễn rồi xin tiền du khách ở rừng dừa Bảy Mẫu

Đặc biệt, khách Hàn Quốc rất thích ca nhạc, nhảy múa ngay trên thuyền gắn với biểu diễn lắc thuyền thúng. Do đó, các khách Hàn Quốc sẵn sàng “bo” thêm tiền cho các thuyền nhằm mở nhạc theo yêu cầu của họ. Điều này vô hình chung đã khiến cho những người làm du lịch tại đây bất chấp các quy định, mở loa, mở nhạc lớn theo nhu cầu của khách, gây ôn ào, bát nháo… khiến những đoàn khách khác và cả người dân trong khu vực khó chịu, bức xúc.

Theo UBND xã Cẩm Thanh, tại khu vực rừng dừa Bảy Mẫu có 918 chiếc thúng chai (của khoảng 400 hộ dân thuộc 2 thôn Thanh Tam Đông và Vạn Lăng, xã Cẩm Thanh) và 200 chiếc loa di động phục vụ việc đưa du khách vào tham quan rừng dừa. Trung bình mỗi ngày tại đây đón từ 1.000 -1.500 khách gồm nhiều đoàn đến tham quan.

Thuyền lớn chở du khách vào rừng dừa, kéo theo là một loạt thuyền thúng vào chở khách tham quan, mở nhạc lớn ảnh hưởng đến những người dân xung quanh; đặc biệt là những người thích không gian yên tĩnh
Thuyền lớn chở du khách vào rừng dừa, kéo theo là một loạt thuyền thúng vào chở khách tham quan, mở nhạc lớn ảnh hưởng đến những người dân xung quanh; đặc biệt là những người thích không gian yên tĩnh

Để phục vụ khách, theo quy định của xã Cẩm Thanh và BQL Khu du lịch này, mỗi đoàn khách được phục vụ khoảng 5 thúng và 1 loa di động. Thời gian hoạt động từ 13h30 -17h mỗi ngày.

Tuy nhiên, mùa cao điểm, lượng khách đổ về Khu du lịch sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu gia tăng, có ngày tăng đến 2.000 người, thậm chí cao hơn, nhất là dịp cuối tuần hay ngày lễ, tết…

Tham gia đưa đón khách, phục vụ khách, mỗi ngày 1 lao động làm nghề chèo thuyền thúng có thu nhập từ 300-400 nghìn đồng/ngày. Nếu thuyền thúng nào có mở nhạc phục vụ theo yêu cầu của khách thì mức thu nhập tăng thêm từ 120.000- 150.000 đồng/lần.

Trước tình trạng lộn xộn này, xã Cẩm Thanh cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp để lập lại trật tự ở rừng dừa Bảy Mẫu. Ông Nguyễn Hùng Linh cam kết đến ngày 6/9 sẽ loại bỏ tiếng ồn trong khu vực cấm. Trước mắt, tuyên truyền cho người dân, trưởng đoàn khách và tổ chức cho các cơ sở kinh doanh, 918 chủ thuyền thúng ký cam kết không sử dụng loa di động trong khu vực rừng dừa.

Ông Nguyễn Sự chia sẻ để phát triển du lịch ở rừng dừa Bảy Mẫu bên vững
Ông Nguyễn Sự chia sẻ để phát triển du lịch ở rừng dừa Bảy Mẫu bên vững

Đồng thời chọn một khu vực trên sông, cách xa khu dân cư và hệ sinh thái rừng dừa để quy hoạch lại làm nơi biểu diễn lắc thuyền thúng, mở nhạc cho khách có nhu cầu. Tại khu vực tập trung này chỉ cho phép dưới 5 loa mở nhạc, khi biểu diễn quay thúng chai ra phía mái sóng. Nếu thuyền thúng nào vi phạm, không đưa khách vào khu vực tập trung khi biểu diễn thuyền thúng, mở nhạc, tự ý tăng công suất loa thì sẽ bị phạt nặng.

Trao đổi với các PV nhân buổi gặp gỡ mới đây về việc này, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An cho rằng, việc du lịch Cẩm Thanh trở thành một trong những điểm đến có sức thu hút khách là cơ hội để phát triển.

Tuy nhiên, ông Sự cho rằng việc mang loa ra sông mở nhạc to gây ồn ào như vậy là rất bất ổn. Chưa kể hành động múa, lắc thúng thường xuyên ở khu vực rừng dừa sẽ làm mất ổn định môi trường sống của sinh vật dưới nước, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hệ sinh thái và cảnh quan nơi đây trong tương lai.

Ông Sự cho rằng, hiện nay tình trạng bát nháo trong khu vực rừng dừa đã làm nhiều sinh vật, động vật bị ảnh hưởng, cụ thể rõ nhất là chim cò đã bay hết vì người đông gây ồn ào. Tất nhiên không phải dòng khách nào cũng thích sự ồn ào.

“Phải tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng để phục vụ cho tất cả các dòng khách. Sở dĩ du khách các nơi tìm đến Cẩm Thanh là muốn trải nghiệm những điều mà ở đất nước họ không có. Cho nên Cẩm Thanh cần quy hoạch lại, có giải pháp phát triển du lịch cụ thể”, ông Nguyễn Sự chia sẻ.

Nguyên Bí thư Hội An cũng cho hay, giải pháp đang lấn cấn trong dân vì đụng chạm đến những lợi ích trước mặt của họ, nhưng phải quyết tâm một lần và làm lâu dài. Cụ thể, thay vì để tiếng loa ồn ào có thể thay thế bằng hoạt động hát bả trạo, vì đây cũng là một phần văn hóa của người dân vùng biển nói chung và dân Cẩm Thanh nói riêng.

Cách này có thể giải quyết được lao động cho địa phương. Hoặc xây dựng một số bè tre rồi dựng chòi, tổ chức cho khách chơi bài chòi khi tham quan rừng dừa. Đồng thời phải nghiêm cấm mở 200 loa kẹo kéo như hiện nay; thay vào đó dồn thành một điểm ngoài cửa sông và làm bè cho khách muốn chơi loa, phải quy định thời gian cụ thể…

Công Bính