“Hoa Ban khoe sắc” ở Mường Trời

(Dân trí) - Sự kiện trọng đại kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên tới đây sẽ được mở màn bằng lễ hội Hoa Ban lần đầu tiên được tổ chức tại lòng chảo Mường Thanh tối 13/3/2014 (ngày mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ).

Đây là một lễ hội rất lớn, đã được chuẩn bị công phu từ nhiều năm qua. Xứ “Mường Trời”(Mường Thanh) đang hoàn tất những khâu chuẩn bị cuối cùng cho ngày mở hội.
 
Với miền đất Tây Bắc nói chung và Điện Biên nói riêng, hoa Ban thực sự gần gũi và gắn bó với con người cả trong cuộc sống thường nhật lẫn đời sống tinh thần. Truyền thuyết của người Thái kể rằng, ngày xưa, vùng Tây Bắc có một cô gái tên Ban xinh đẹp, nết na và có giọng hát mê đắm lòng người. Nhiều trai Mường ngấp nghé nhưng trái tim nàng đã trao gửi cho chàng Khum, một người giỏi săn bắn và làm nương. Nhưng cha Ban chê Khum nghèo nên đã gả cô cho con trai tạo mường - vừa gù vừa lười.

 

Hoa ban được coi là biểu tượng văn hóa của vùng Tây Bắc

Hoa ban được coi là biểu tượng văn hóa của vùng Tây Bắc



Thấy cha cùng nhà tạo mường bàn chuyện cưới hỏi, nàng Ban chạy tìm người yêu cầu cứu, đúng lúc Khum đi xa. Tuyệt vọng, nàng Ban bèn buộc chiếc khăn piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi vượt núi, vượt đèo tìm chàng. Đến khi kiệt sức, nàng gục xuống núi, nơi đó sau này mọc lên một loài cây ra hoa trắng muốt vào mùa xuân. Dân bản mường gọi là hoa Ban và coi đó là loài hoa tượng trưng cho tình yêu chung thuỷ. Còn chàng Khum trở về thấy nàng đã bỏ đi, bèn theo tìm. Cuối cùng, chàng cũng kiệt sức mà chết, hoá thành con chim sống lẻ loi. Cứ đến mùa xuân, khi hoa ban nở, chim lại cất tiếng gọi bạn tình da diết…
 
Đi ra từ truyền thuyết, hoa Ban từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa của cả một vùng Tây Bắc hùng vĩ và rộng lớn.
 
Mùa xuân này, lần đầu tiên ở Mường Thanh, Lễ hội hoa Ban khoe sắc sẽ khai mạc tối 13/3/2014. Ngày 14, 15/3 sẽ là liên tục các hoạt động trong khuôn khổ Tuần Văn hóa du lịch Điện Biên 2014. Đêm Hội hoa ban sẽ có màn diễu hành đường phố đặc sắc, giới thiệu văn hóa, tiềm năng du lịch của các tỉnh Tây Bắc. Ngoài đoàn chính của tỉnh Điện Biên sẽ có khối diễu hành của các tỉnh Tây Bắc với chủ đề: Tiếng cồng gọi bạn Hòa  Bình; Viên ngọc nguyên sơ, miền du lịch sinh thái Sơn La…

 

Hoa ban được coi là biểu tượng văn hóa của vùng Tây Bắc


Vẫn hút du khách bằng những địa danh lịch sử gắn với chiến thắng thần kỳ của dân tộc, nhưng người Điện Biên còn mong muốn xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa - sinh thái - lịch sử gắn với hoa ban và chương trình nghệ thuật  “Hoa ban khoe sắc” là bước đi đầu tiên. Chương trình này do Công ty Cổ phần quảng cáo - Thương mại và xây dựng Anh Sơn, đơn vị có năng lực và kinh nghiệm tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn cấp quốc gia ở các tỉnh bạn (đã xác lập 4 kỷ lục văn hóa Việt Nam: Mâm xôi ngũ sắc lớn nhất, chảo thắng cố lớn nhất, vòng xòe lớn nhất, bức tranh hoa quả lớn nhất) cùng nhóm tác gia có uy tín trong nước về viết kịch bản và đạo diễn chương trình nghệ thuật tổng hợp thực hiện.
 
Lễ hội Hoa ban khoe sắc giới thiệu, tôn vinh những nét tinh hoa văn hóa, nghệ thuật độc đáo, đặc sắc nhất của văn hóa quê hương Điện Biên nói riêng, vùng đất Tây Bắc nói chung. Ai đến Điện Biên dự lễ hội rồi, khi về lòng hẳn lại bồi hồi, thương nhớ như câu thơ của Trần Mạnh Hảo năm xưa: “Em đứng đó mỉm cười khi anh hỏi/ Như hoa Ban chỉ nở lúc sang mùa…”.

 

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục, người xây dựng đề cương kịch bản văn học lễ hội Hoa ban khoe sắc nhận định: “Nói đến Điện Biên - Tây Bắc người ta nghĩ ngay đến HOA BAN, loài hoa có vẻ đẹp tráng lệ, thanh khiết, vừa quyến rũ, đắm say, vừa mộc mạc, hoang sơ hồn nhiên, cực kỳ khêu gợi cảm hứng nhân văn, cảm hứng nghệ thuật.
 
Hoa Ban không chỉ  là biểu tượng văn hóa của quê hương Điện Biên mà còn vì lý do sinh thái cực kì hệ trọng: Chỉ có cây Ban sống được nơi đất cằn, Ban cắm sâu trên Đất Mẹ từ ngàn xưa đến nay, âm thầm giữ cho mùn từ trên cao tràn xuống, vừa làm cho đất cằn cũng trở nên phì nhiêu mà bùn rác không lấp ruộng, tắc nghẽn nguồn nước, góp phần ngăn chặn những cơn lũ ống nảy sinh...
 
Gia đình các dân tộc  Điện Biên trân trọng, yêu thương, chăm sóc, bảo vệ và tự hào vì Ban - Hoa Ban không chỉ vì yêu vẻ đẹp, mà còn phản ánh một tư duy khoa học sinh thái từ rất lâu đời, rất đáng khâm phục...
 
Vì lẽ đó, làm lễ hội Hoa Ban trên đất Điện Biên không chỉ để tôn vinh CÁI ĐẸP VĂN HÓA đặc  trưng, mà còn là dịp nhắc nhở, động viên, khuyến khích mọi người, đặc biệt là giới trẻ, quan tâm sâu sắc đến việc bảo vệ môi trường, góp phần giảm nhẹ thiên tai trước  nguy cơ biến đổi khí hậu và hiệu ứng nhà kính. Đấy cũng là một thái độ ứng xử văn hóa có ý nghĩa thời đại sống còn với  nhân loại, với Việt Nam nói chung và quê hương Điện Biên nói riêng...”

 
Trường Giang