Hiện vật di tích lầu Bảo Đại Nha Trang đang lưu giữ ở đâu?

(Dân trí) - Giám đốc Sở VH - TT tỉnh Khánh Hòa cho biết, nhóm 42 hiện vật tại di tích lầu Bảo Đại (TP Nha Trang) hiện đang lưu giữ tại biệt thự Xương Rồng và biệt thự Cây Sứ, trong đó chỉ có 10 hiện vật có giá trị về mặt thời gian, lịch sử và văn hóa.

Không gian cảnh quan di tích lầu Bảo Đại Nha Trang đang bị dự án nghỉ dưỡng làm biến dạng
Không gian cảnh quan di tích lầu Bảo Đại Nha Trang đang bị dự án nghỉ dưỡng làm biến dạng

Chiều 26/9, trả lời chất vấn của đại biểu tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa về việc hiện nay số hiện vật trong 5 khu biệt thự Bảo Đại được kiểm kê, bảo quản như thế nào, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Khắc Hà cho biết: Di tích biệt thự Cầu Đá (còn gọi lầu Bảo Đại, TP Nha Trang) được UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định công nhận là di tích danh lam thắng cảnh năm 1995.

Từ năm 1975 đến năm 2010, di tích này đã được một số cơ quan, đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng và trong quá trình đó đã có sự cơi nới, sửa chữa, xây dựng thêm một số công trình trên khu vực này.

Năm 2013, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại. Sau đó, Sở VH-TT phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành lập hồ sơ di tích theo đúng quy định hiện hành của Bộ VH-TT&DL.

"Trong đó, hiện nay sở cũng đã kiểm kê, lập danh mục các hiện vật, viết hồ sơ lý lịch, lập bản thiết kế di tích... Sau khi chuẩn bị xong các hồ sơ này thì sở sẽ báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh về việc xếp hạng hồ sơ", ông Nguyễn Khắc Hà cho biết.

Lầu Bảo Đại có bao nhiêu hiện vật?

Năm 2015, Sở VH-TT&DL (nay là Sở VH-TT) đã tham mưu UBND tỉnh Khánh Hòa về việc thành lập Hội đồng thẩm định hiện vật tại khu di tích Bảo Đại, có mời các chuyên gia khảo cổ học.

Kết quả thẩm định chia làm 4 nhóm, gồm nhóm 1: có 3 di ảnh có niên đại đầu thế kỷ XXI; nhóm 2: 10 hiện vật, xác định niên đại nửa đầu thế kỷ XX; nhóm 3: 16 hiện vật, có niên đại nửa cuối thế kỷ XX và nhóm 4: có 13 hiện vật, có niên đại cuối thế kỷ XX.

“Có thể khẳng định rằng, trong 42 hiện vật mà Sở VH-TT đang lưu giữ tại biệt thự Xương Rồng và biệt thự Cây Sứ, chỉ có 10 hiện vật có giá trị về mặt thời gian, lịch sử và văn hóa và có thể gia đình vua Bảo Đại sử dụng. Còn các di vật còn lại, nửa cuối thế kỷ XX trở lại đây, có thể khẳng định không phải là đồ dùng của gia đình vua Bảo Đại”, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa nói.

Sau khi kiểm kê, sở đã tiến hành niêm phong 42 hiện vật kể trên và định kỳ kiểm tra, xử lý mối mọt, hiện vẫn còn nguyên trạng. Trong thời gian tới, sẽ lập hồ sơ khoa học 10 hiện vật có giá trị (thuộc nhóm 2) để phục vụ việc lưu giữ, quản lý và phát huy giá trị.

Theo ngành chức năng, hiện nhóm 42 hiện vật di tích lầu Bảo Đại vẫn đang nguyên trạng, niêm phong bảo quản
Theo ngành chức năng, hiện nhóm 42 hiện vật di tích lầu Bảo Đại vẫn đang nguyên trạng, niêm phong bảo quản

"Việc đào bới ít nhiều có ảnh hưởng tới khu di tích"

Trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu về việc thực hiện các công trình, dự án có ảnh hưởng đến cảnh quan, di tích Bảo Đại hay không, Giám đốc Sở VH-TT tỉnh Khánh Hòa cho hay, đối với 5 căn biệt thự sẽ bảo tồn, tôn tạo theo hướng không phá vỡ cảnh quan, kiến trúc ở bên trong cũng như bên ngoài và tôn tạo cảnh quan thiên nhiên ở xung quanh các căn biệt thự. Đồng thời, sẽ giữ gìn và trưng bày các hiện vật có liên quan.

“Trong quá trình triển khai dự án tại khu biệt thư này, Sở VH-TT sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở Xây dựng theo dõi, giám sát và đề nghị chủ đầu tư có giải pháp thi công phù hợp để đảm bảo dự án được triển khai đúng như tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, cũng như hạn chế tối đa ảnh hưởng đến cảnh quan khi đứng ngoài nhìn vào”, Giám đốc Sở VH-TT nói.

Tuy nhiên, một đại biểu khác có ý kiến cho rằng, việc phát triển dự án nghỉ dưỡng ở khu vực di tích lầu Bảo Đại đã khiến cảnh quan bị “cạo trọc” thì liệu có khôi phục lại được không?

“Thời gian qua, sau kiểm tra thì thấy doanh nghiệp đang đào, triển khai xây dựng một hoặc hai resort ngay tại triền đá. Qua kiểm tra, thì việc đào bới này ít nhiều có ảnh hưởng tới khu di tích”, ông Nguyễn Khắc Hà thừa nhận.

Được biết, lầu Bảo Đại nằm ở vị trí trên đồi Cảnh Long nhìn ra vịnh Nha Trang với kiến trúc đặc trưng Pháp. Trong những năm 1940-1945, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương thường xuyên tới đây dừng chân nghỉ ngơi, ngắm cảnh. Hiện nay, đường vào khu di tích này bị đóng cửa nhiều tháng nay, du khách không được vào bên trong.

Trước đó năm 2011, Tổng công ty Khánh Việt liên kết với Công ty CP Tập đoàn Hà Đô thành lập Công ty CP Đầu tư Khánh Hà triển khai thực hiện dự án khu biệt thự cao cấp Bảo Đại.

Viết Hảo