Về vấn nạn bắt chẹt, lừa đảo khách du lịch

“Hãy đi du lịch một cách thông minh”

(Dân trí) - Năm du lịch 2016 đang chuẩn bị vào mùa cũng là lúc, nạn bắt chẹt, chèo kéo, lừa đảo khách du lịch lại có nguy cơ bùng phát. Vấn nạn này đang làm hoen ố hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế khiến không ít người lo lắng.

“Hãy đi du lịch một cách thông minh”

Với các công ty du lịch, mùa hè chính là dịp cao điểm trong năm. Chính vì thế, ngay sau dịp tết, tất cả các công ty đều khẩn trương bước vào xây dựng sản phẩm cho mình.

Tuy nhiên, từ vài năm trở lại đây, nạn bắt chẹt khách, thậm chí là lừa đảo khách du lịch đang nổi lên là một vấn đề nhức nhối mỗi mùa du lịch. Thậm chí, đây được coi như chuyện thường ngày, xảy ra như “cơm bữa” ở nhiều điểm du lịch, đặc biệt vào mùa cao điểm như dịp nghỉ lễ 30/4 và các ngày nghỉ cuối tuần trong mùa hè.

Các đối tượng chèo kéo, bắt chẹt khách du lịch với những màn “quát giá” không chừa một ai, bất kể người nước ngoài, hay người trong nước, hễ “thấy lạ” là sẵn sàng ra tay. Những câu chuyện như khách phải trả cả trăm ngàn tiền cho một chậu nước rửa chân, mua con cua trói dây cói to xù với giá cả triệu đồng là chuyện không hiếm. Những cái “bẫy” này luôn rình rập du khách bất cứ lúc nào.

Nhiều khách du lịch đã chọn hình thức mua tour để tránh nạn chặt chém khi đi du lịch đơn lẻ.
Nhiều khách du lịch đã chọn hình thức mua tour để tránh nạn chặt chém khi đi du lịch đơn lẻ.

Có thể nói, tất cả các điểm đến hiện nay ở Việt Nam dù nổi tiếng hay không, chỗ nào vấn nạn này cũng xảy ra, hễ có khách du lịch là xảy ra lừa đảo, bắt chẹt. Tệ nạn này đã khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch không ít lần phải khốn đốn vì khách "một đi không trở lại". Có muôn kiểu, muôn thủ đoạn nhưng chủ yếu du khách gặp trong các chợ và nhà hàng, đây là hệ lụy của việc buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng địa phương.

Để ngăn chặn tình trạng chặt chém, làm phiền du khách trong mùa du lịch, hiện nay, nhiều nơi đã công khai số điện thoại đường dây nóng cho du khách. Tuy nhiên, trước mắt đây chỉ được xem là giải pháp trấn an du khách. Thực tế, đường dây nóng có phát huy hết được chức năng của nó không lại tùy thuộc vào năng lực của từng địa phương.

Những hình ảnh xấu xí này đang khiến du khách đến Việt Nam không khỏi lo lắng cũng dễ hiểu.
Những hình ảnh xấu xí này đang khiến du khách đến Việt Nam không khỏi lo lắng cũng dễ hiểu.

Trong khi chúng ta chưa có lực lượng cảnh sát du lịch như một số nước thì đường dây nóng là "cứu tinh" cho du khách, dù khi vào mùa cao điểm, quá tải khách thì chưa khẳng định được hiệu quả đến đâu.

Doanh thu ngoại tệ từ du lịch chỉ đứng sau 4 ngành xuất khẩu hàng hóa là dầu thô, dệt may, giày dép, thủy sản. Tuy nhiên, gần đây các vụ cướp giật tài sản, lừa đảo, thậm chí là các vụ ngộ độc thực phẩm trong các mùa du lịch trước vẫn xảy ra khiến nhiều người đi du lịch cảm thấy bất an.

Có thể nói, những tệ nạn ấy đang trở thành “quốc nạn” chưa được giải quyết dứt điểm của ngành du lịch. Cùng với đó, những hình ảnh mất mỹ quan như ăn xin, đánh giày, đeo bám du khách, cò mồi… đang khiến hình ảnh du lịch Việt càng trở nên hoen ố.

Từ lâu nay, Việt Nam luôn tự hào với bạn bè quốc tế, bởi chúng ta có cảnh quan thiên nhiên đẹp và vô cùng phong phú cùng với nhiều di sản thiên nhiên được thế giới công nhận. Ẩm thực Việt Nam cũng là nét văn hóa hấp dẫn lôi kéo nhiều du khách đến Việt Nam và ngay cả người trong nước.


Chèo kéo, chặt chém đang khiến du lịch Việt mất điểm nếu không được xử lý triệt để.

Chèo kéo, chặt chém đang khiến du lịch Việt mất điểm nếu không được xử lý triệt để.

Hình ảnh Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện và mến khách được du khách biết đến từ lâu, song dường như sự “ngủ quên trong chiến thắng”, cùng với cách quản lý lỏng lẻo của một số cấp chính quyền khiến nạn chặt chém, lừa đảo du khách đang có "đất sống", gây ra tâm lý bất an cho du khách.

Nhiều chuyên gia trong ngành du lịch cho rằng, việc bảo vệ du khách phải bắt đầu từ cơ quan chính quyền địa phương bởi bảo vệ du khách là bảo vệ bộ mặt của thành phố, là bảo vệ bộ mặt, hình ảnh của đất nước.

Hữu Thắng – Xuân Ngọc