Góc nhìn chuyên gia về triển vọng phục hồi du lịch Đông Nam Á

(Dân trí) - Với cái nhìn lạc quan, một số chuyên gia dự đoán lĩnh vực du lịch khu vực Đông Nam Á có thể “bật dậy” vào cuối năm nay, nhưng vai trò của du khách nội địa là chưa đủ.

Góc nhìn chuyên gia về triển vọng phục hồi du lịch Đông Nam Á - 1
Các điểm đến nổi tiếng của Việt Nam mở cửa trở lại đón du khách. (Ảnh: vietnamtourism.gov.vn)

Nhìn chung, hiện tại ở nhiều quốc gia khách nội địa đang được khuyến khích đi du lịch thông qua các sáng kiến và biện pháp “giải cứu du lịch hậu Covid-19”. Đó là những yếu tố Cần nhưng vẫn chưa Đủ, theo các nhà phân tích, bởi dòng du khách quốc tế có vai trò rất quan trọng. 

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh: Để tránh đà suy thoái kinh tế do đại dịch kéo dài, nhiều nước cần mở cửa biên giới trở lại và chào đón du khách nước ngoài dù trước đại dịch sự quá tải của họ có thể đã gây ra không ít hệ luỵ. Với khu vực Đông Nam Á, chiếm tỷ lệ cao là du khách Trung Quốc. 

Để phục hồi các nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, trước hết các quốc gia này cần khởi động lại chiến lược tiếp cận thị trường khác so với trước để phù hợp hơn với tình hình mới.

Góc nhìn chuyên gia về triển vọng phục hồi du lịch Đông Nam Á - 2
Các vũ công Thái Lan đeo mặt nạ bảo hộ trình diễn tại đền Erawan nổi tiếng linh thiêng ở Bangkok hôm 4/5. Đền vừa mở cửa trở lại sau khi Chính phủ Thái Lan nới lỏng các biện pháp phòng chống Covid-19. (Ảnh: AFP) 

Theo dự đoán của Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (UNWTO),  số lượng du khách toàn cầu có thể giảm tới 80% năm nay, dẫn tới giảm doanh thu tới 1,2 ngàn tỷ USD. Lĩnh vực du lịch của Đông Nam Á được cho là bị ảnh hưởng nặng nề thứ nhì trên thế giới, chỉ sau khu vực Bắc Á. 

Năm 2018 lĩnh vực du lịch chiếm 32% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và 6,7% việc làm  tại Campuchia; 20% GDP và khoảng 9% việc làm ở Thái Lan;  9% GDP và cũng khoảng 9% việc làm ở Việt Nam.

Trong đó lĩnh vực du lịch vốn đem lại khoảng 4,3 tỷ USD năm 2018 cho Campuchia, sẽ mất tới 3 tỷ USD năm nay, theo Bộ Du lịch Campuchia.  Số lượng khách du lịch của Việt Nam giảm khoảng 98% tính tới tháng 5/2020 so với cùng kỳ năm ngoái. Thái Lan cũng ước tính suy giảm kinh tế ít nhất 5,3% năm 2020, trong đó thiệt hại liên quan tới du lịch có thể tới hơn 40 tỷ USD. 

Góc nhìn chuyên gia về triển vọng phục hồi du lịch Đông Nam Á - 3
Cổng quốc tế sân bay Suvarnabhumi tại Bangkok, Thái Lan vẫn gần như trống rỗng hôm 3/6. (Ảnh: AFP) 

Nhưng Đông Nam Á có một lợi thế là do phòng chống tốt nên ít bị thiệt hại về người do dịch Covid-19 hơn. Trong 3 nước Việt Nam, Thái Lan và Campuchia, tới nay Thái Lan có 58 ca tử vong, Việt Nam và Campuchia không có ca tử vong nào. Khi du lịch quốc tế được nối lại, nhiều du khách chắc chắn sẽ ưu tiên tới những “điểm đến khác lạ” tại khu vực này bởi cảm giác an toàn hơn. 

Việt Nam đang dần mở cửa trở lại các điểm du lịch trước hết là thu hút khách nội địa. Reuters đưa tin, cuối tuần trước, cơ quan Du lịch Thái Lan cũng đã thiết lập chiến dịch đổi mới thương hiệu thành “Điểm đến tin cậy" trong nỗ lực thu hút những du khách trẻ có tầm ảnh hưởng rộng. 

Nhưng nhìn chung, giới chuyên môn dự đoán rằng cả 3 quốc gia Đông Nam Á này đều chưa thể hy vọng các dịch vụ du lịch trở lại bình thường ít nhất là cho tới cuối năm nay. Dẫu vậy vẫn có thể hy vọng nhiều hơn vào đợt cao điểm du lịch cuối Thu đầu Đông từ tháng 11/2020 tới tháng 1/2021.  

Theo một khảo sát mới đây của UNWTO, đa số chuyên gia dự đoán du lịch quốc tế có thể phục hồi vào năm sau, trong khi số ít lạc quan hơn rút ngắn khoảng cách đó lại vào cuối năm nay. Các dự đoán lạc quan đều dựa trên khả năng sẽ không có “làn sóng thứ 2” bùng phát Covid-19 và du khách sẽ không còn tâm lý e ngại các chuyến đi xa ra nước ngoài.

Góc nhìn chuyên gia về triển vọng phục hồi du lịch Đông Nam Á - 4
Người dân đeo khẩu trang đi qua một cửa hàng bán đồ lưu niệm tại Hà Nội, sau khi quy định giãn cách xã hội được nới lỏng. (Ảnh: AFP)

Việt Nam, Thái Lan và Campuchia đều đã đề ra các gói kích cầu giúp phục hồi du lịch, từ miễn giảm thuế tới “giải cứu" tài chính. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại chiến lược “giải cứu" có thể tạo ra các “công ty Zombie" - vẫn có thể hoạt động dù có nguy cơ vỡ nợ hoặc phá sản - có nguy cơ đối mặt với thất bại khi bị cắt nguồn trợ cấp nếu tới cuối năm nay lĩnh vực du lịch vẫn chưa thể phục hồi.

Thêm một câu hỏi nữa là làm thế nào các nhà đầu tư tạo dựng lại được những doanh nghiệp mới, thay thế cho các hãng đã “biến mất” vì đại dịch vì chắc họ sẽ phải đối mặt với thách thức chi phí gia tăng?

“Những tiêu chuẩn về vệ sinh và bảo vệ sức khoẻ sẽ được chú trọng hơn, buộc các khách sạn phải cung cấp phòng, giường, thực phẩm bảo đảm sạch hơn. Các nhà hàng cũng phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn và tránh tình trạng quá tải. Tất cả các biện pháp đó dẫn tới chi phí lớn hơn mà các doanh nghiệp phải gánh chịu” - báo cáo mới của các chuyên gia về những thị trường mới nổi ở Đông Nam Á nêu rõ.

Góc nhìn chuyên gia về triển vọng phục hồi du lịch Đông Nam Á - 5
Lượng du khách tới Angkor Wat tại Siem Reap, Campuchia ngày 16/3/2019 (ảnh trên) và vào ngày 5/5/2020 khác xa nhau. (Ảnh: AFP)

Gia tăng chi phí dù sao cũng dễ chấp nhận với các hãng lớn hơn là các công ty nhỏ. Bởi vậy các chuyên gia dự báo: Chuẩn mực thị trường mới có thể dẫn tới sự hợp nhất mạnh mẽ trong lĩnh vực này để thúc đẩy các hãng điều hành du lịch quy mô nhỏ tiếp tục hoạt động.

Về du khách Trung Quốc, con số được Hội đồng Lữ hành và Du lịch Thế giới (WTTC) đưa ra cho thấy: Tại Thái Lan, số du khách Trung Quốc đã tăng từ 800 ngàn năm 2008 lên hơn 10 triệu sau 10 năm, chiếm 27% lượng du khách nước ngoài. 

Tại Việt Nam và Campuchia, khách Trung Quốc cũng tạo nên các nhóm đi du lịch lớn nhất. Năm 2018 có khoảng 2 triệu du khách Trung Quốc tới Campuchia, tăng 67 % so với năm trước và chiếm hơn 1/3 tổng số du khách…

Linh Lê

Theo Asia Times