“Giếng tiên” và chuyện rắn thần

Không biết từ bao giờ, người dân xứ Mường ở Thanh Hóa vẫn gọi đôi giếng làng là “giếng tiên” và truyền miệng qua bao đời một câu chuyện kỳ bí về sự hình thành của đôi giếng thần bí này.

Tại làng Chiềng, xã Cẩm Quý, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, từ bao đời nay, người dân vẫn truyền tai nhau về chuyện một con rắn báo ơn người nuôi mình bằng việc tạo một đôi giếng với nguồn nước trong xanh, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè và không bao giờ cạn, giúp dân làng thoát khỏi cảnh khô hạn, mất mùa. Từ đó, đôi giếng này được gọi là “giếng thần”, “giếng tiên”.
“Giếng tiên” lúc nào cũng trong xanh, ấm vào mùa đông, mát
vào mùa hè và không bao giờ cạn nước

“Giếng tiên” lúc nào cũng trong xanh, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè và không bao giờ cạn nước
Báu vật của làng

Vượt quãng đường gần 100 km từ TP Thanh Hóa về xã Cẩm Quý trong những ngày mưa phùn rét tê tái đầu năm mới, chúng tôi đã được người dân làng Chiềng kể cho nghe câu chuyện này. Tại đây, chúng tôi cũng được chứng kiến đôi giếng nước trong xanh nằm giữa khu dân cư dưới chân núi Ái Nàng, xung quanh có 4 cây sanh cổ thụ buông những chùm rễ cắm sâu xuống lòng đất, tựa như những con mãng xà khổng lồ che chở, bảo vệ cho đôi giếng.

Cụ Cao Văn Chầy (85 tuổi, làng Chiềng 1) không nhớ đôi giếng này có từ bao giờ, chỉ biết ngày xưa, mỗi lần mẹ ru cụ ngủ cũng đều thủ thỉ bên tai câu chuyện về rắn thần báo ơn dân làng, báo ơn người đã nuôi mình khôn lớn. “Vì thế, người dân ai cũng quý trọng đôi giếng này và xem nó như là báu vật của làng” - cụ Chầy nói.

Tương truyền, thuở ấy ở làng Chiềng có một người đàn ông tên Cao Thuật, sống bằng nghề chài lưới. Một ngày nọ, ông ra cánh đồng Rộc Sú xúc tôm, xúc tép thì được một quả trứng to bằng trứng ngan nhưng nghĩ nó không còn ăn được nữa vứt đi. Lạ thay, khi đã vứt ra xa nhưng tiếp tục xúc thì lại được quả trứng ấy. Thấy vậy, ông Thuật đem trứng về nhà cho gà ấp. Khoảng hơn 1 tháng sau, trứng nở thành con rắn trắng tinh, ông ném con rắn đi xa nhưng sau đó lại thấy nó trở về. Bao lần vứt bỏ rắn không thành, biết có điềm lạ, ông Thuật để lại nuôi. Khi rắn đã quá to khiến nhiều người trong làng sợ hãi, ông Thuật phải mang nó vượt rừng lội suối đến một nơi cách làng 7 km là vực Ngang (sông Bưởi ngày nay) để thả.

Năm nọ, Chiềng Voong (làng Chiềng ngày nay) bị một trận hạn hán kéo dài, nhiều người trong làng chết đói, chết khát vì không có nước uống và canh tác. Thấy dân làng nơi người nuôi dưỡng mình gặp nạn, để trả ơn, rắn đã đào một đường dẫn nước dưới lòng đất từ vực Ngang về làng nhưng 2 lần đều đào sai hướng. Cuối cùng, rắn liền leo lên đỉnh ngọn núi Ái Nàng ngắm nhìn rồi đào một đường ngầm về đúng giữa làng và dùng đầu tạo 2 giếng nước. Vì vậy, dân làng Chiềng thoát khỏi cảnh mất mùa vì hạn hán, cuộc sống trở nên hạnh phúc, ấm no. Nhưng từ đó, chẳng còn ai thấy rắn đâu, còn 2 giếng nước thì không bao giờ cạn... Ông Quách Văn Đức (80 tuổi) cho biết trước đây, 2 giếng nước này được đắp bằng đất, đến năm 2011 thì người dân trong làng đã góp tiền xây lại.

Chưa từng bị lợi dụng

Có một điều kỳ lạ là các tình tiết của câu chuyện huyễn hoặc này khi ứng với thực tế lại khớp nhau đến ngỡ ngàng, như chuyện 2 lần rắn thần đào đường dẫn nước vào làng Chiềng không đúng thì hiện nay quanh làng vẫn có 2 mó nước (nguồn nước, tiếng gọi của người Mường) rất sâu và trong xanh. Rồi chuyện khi rắn lên trên đỉnh núi Ái Nàng để đào đường dẫn nước về làng thì hiện nay trên núi đang có một mó nước trong xanh và cũng không bao giờ cạn. “Dù mó nước ấy chỉ to bằng cái mũ cối, nằm trên tảng đá nhưng múc bao nhiêu vẫn không cạn vì cứ vơi thì nước trong đá rỉ ra một lúc lại đầy” - người dân ở đây cho hay.

Đối với “giếng tiên”, theo người dân trong làng, dù trời có mưa gió triền miên thì 2 giếng này vẫn trong và mực nước hầu như không thay đổi. Chỉ duy nhất khi nào nước sông Bưởi đục thì giếng nước đục, nước cạn thì “giếng tiên” chỉ vơi đi một ít.

Hằng năm, cứ vào đêm giao thừa, cả làng Chiềng lại tụ tập quanh giếng đốt lửa, ca hát. Đúng thời khắc giao thừa, người cao niên nhất làng sẽ dâng mâm xôi, con gà để cúng “giếng tiên”. Lễ cúng kết thúc, lộc được chia đều cho những người có mặt. Sau đó, mỗi người lấy một ít nước từ đôi “giếng tiên” mang về nhà cúng để cầu sức khỏe, làm ăn thuận buồm xuôi gió…

Trao đổi với phóng viên về câu chuyện huyền bí này, bà Cao Thị Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Quý, cho biết truyền thuyết về chuyện rắn thần trả ơn cho dân làng Chiềng 2 “giếng tiên” ai cũng được nghe. Chính bà cũng thuộc vanh vách từ ngày còn bé qua lời ru của bà và mẹ. “Tuy nhiên, trong lịch sử phát triển của xã, chúng tôi không thấy có tài liệu hay sổ sách nào ghi chép lại câu chuyện này. Tất cả chỉ là chuyện truyền miệng. Dù người dân rất coi trọng 2 giếng nước nhưng không một ai lợi dụng chuyện này để hoạt động mê tín di đoan, gây ảnh hưởng đến bà con làng Chiềng và địa phương” - bà Ngọc khẳng định.

Theo ông Bùi Minh Thông, Chủ tịch UBND xã Cẩm Tú, không biết câu chuyện trên có thật hay không nhưng việc 2 “giếng tiên” không bao giờ cạn là đúng và nay vẫn là nơi để bà con tắm rửa, sinh hoạt.

Theo Tuấn Minh

NLĐ