Giải oan lễ hội theo kịch bản “chặt chém” ở Chùa Hương

Ngày 12/3, Bộ VHTT& DL đã công bố kết quả công tác tổ chức và quản lý lễ hội đầu năm 2014.

Lễ hội vui tươi

 

Tờ Vietnamnet dẫn lời, theo đánh giá của ông Vương Duy Bảo, Phó Cục trưởng Cục văn hóa thì: "Đến giờ phút này, chúng ta có thể khẳng định một điều rằng: lễ hội 2014 đã diễn ra vui tươi, tiết kiệm và lành mạnh".

 

Tuy nhiên, vẫn còn đó những hiện tượng mà theo ông "nói mãi từ năm này qua năm khác" cũng chưa thể hết được. Cụ thể, an ninh trật tự ở một số lễ hội vẫn chưa được đảm bảo, dẫn đến xảy ra tắc nghẽn giao thông, chen lấn, xô đẩy, mất vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

Tình trạng treo thịt gia súc, gia cầm sống rất phản cảm còn xảy ra ở các lễ hội như chùa Hương, Đền Đức Thánh Cả (Hà Nội), Phủ Dày, Đền Trần (Nam Định)...

 

Bộ kết luận năm nay lễ hội vui tươi

Bộ kết luận năm nay lễ hội vui tươi



Trong khi đó, tại chùa Keo (Thái Bình), Đền bà Chúa Kho (Bắc Ninh), Phủ Dày... còn diễn ra cảnh ăn xin, dùng người khuyết tật đi bán hàng lưu niệm, tăm từ thiện, hoặc chèo kéo khách viết sớ, dâng sớ, khấn thuê, xem chỉ tay, xem tướng.

 

Về dịch vụ đổi và sử dụng tiền lẻ tại lễ hội, Bộ nhận định đã có chuyển biến tích cực, song vẫn còn diễn ra ở một số lễ hội. Tiền lễ, hoa dâng lễ, gạo muối ở một số nơi chưa được thu gom kịp thời làm ảnh hưởng tính tôn nghiêm nơi thờ tự.

 

Chặt chém, xin tiền vẫn đang là cơn sốt

 

Trong khi Bộ kết luận mọi thứ diễn ra tốt đẹp, thế nhưng du khách vẫn phải ấm ức vì bị chặt chém, lừa đảo.

 

Như tại Chùa Hương, một nhóm khách bức xúc phản ánh bị “chém” đẹp tại lễ hội. Cụ thể, nhóm du khách này sau khi đến động Hương Tích đã ghé vào quán uống nước. Khi thanh toán, chủ quán đòi 320 nghìn đồng cho ấm trà vừa uống.

 

Điều đáng nói, nhóm du khách sau đó đã gọi đến đường dây nóng của BTC lễ hội tuy nhiên không ai nghe máy.

 

Thế nhưng, chia sẻ với Đất Việt, ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC lễ hội chùa Hương giải thích: “Chúng tôi có đi kiểm tra, tôi nghe chủ quán nói lại vào hôm đó có hai phóng viên ngồi tại vị trí Hán Sơn Lầu, thuộc cầu Quan Âm Kiều. Vị trí quan trọng nhất, tuyệt vời nhất, trang trọng nhất của cầu Quan Âm Kiều. Hai phóng viên này có uống nước chè, ăn trứng.

 

Ở vị trí này nếu khách chỉ thuê chiếu cũng có giá là 75 ngàn/1giờ. Khi thanh toán, chủ quán cộng cả tiền nước chè, tiền trứng, tiền chỗ ngồi là 320 ngàn. Đó là thuận mua vừa bán, không nên dùng từ “chặt chém”.

 

Về môi trường, ông cho biết có phóng viên đi trên đường không quay cảnh quan, không quay trên suối nhưng lại cố lia máy vào gầm ban thờ, nơi các cụ đưa hương xuống, đưa hoa xuống để phản ánh một thực tế không đúng.

 

Chặt chém, xin tiền diễn ra công khai

Chặt chém, xin tiền diễn ra công khai



“Nếu là ngày thường sẽ không bao giờ thấy cảnh đó, nhưng ngày hội đông quá, họ phải để xuống đó chờ đến chiều mới chuyển ra ngoài được. Tại sao, họ đã giấu xuống đó rồi mà vẫn cố moi ra làm gì”, ông Hậu bức xúc.

 

Cho đến dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra ngang nhiên, treo động vật để bán tại các hàng ăn gây phản cảm, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, lực lượng công an bảo vệ không có mặt tại ví trí thường trực, còn xảy ra tình trạng trèo kéo khách, ép giá, cờ bạc.

 

Không kém chùa Hương, tại Hội Lim - Bắc Ninh, cũng có nhiều hình ảnh phản cảm khi du khách chen nhau tìm cách nhét tiền vào tay tượng Phật. Còn dưới hồ, các liền anh liền chị vẫn hát quan họ xin tiền. Có ý kiến cho rằng nó chẳng khác gì một gánh hát xẩm, làm mất đi bản sắc văn hóa lâu năm của vùng Kinh Bắc.

 

Tại Lễ hội trọi trâu ở xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, nhiều du khách phải giật mình bởi giá nhà nghỉ 1 đêm ở đây, 600 nghìn/1 phòng.

 

Bình thường, phở trâu ở đây chỉ có giá 25-30 nghìn đồng/ bát nhưng vào mùa lễ hội giá cả đã tăng lên gấp đôi. Nếu thịt trâu chọi thua được mổ và bán ở trong UBND xã Hải Lựu có giá 450.000 đồng/kg thì cách đó không xa, người dân cũng mổ trâu thường rồi thét với giá “trên trời” 350.000 đồng/kg trong khi bình thường thịt trâu chỉ bán với giá 200.000 đồng/kg.

 

Theo Thái Linh

Đất Việt