“Gap Year” đáng nhớ của hai chàng trai Pháp

(Dân trí) - Đã có rất nhiều người đi bộ, xe máy hoặc xe đạp vòng quanh thế giới ghé qua Việt Nam. Nhưng đây là lần đầu tiên Việt Nam đón hai chàng trai trẻ người Pháp trên chặng đường quanh thế giới bằng chiếc xe hơi Renault 4L đời cũ rích, từ tận năm 1986.

Giao thông Việt Nam tốt hơn nhiều

Matthieu Tordeur và Nicolas Auber cùng sinh ngày 4/12/1991. Đó chưa phải là lý do để hai người cùng lên chiếc Renault cũ kỹ của Nicola cách đây gần bốn tháng vào ngày 1/9/2013. Tham vọng lớn nhất của đôi bạn này chính là hoàn thành chặng đường qua 40 nước ở 5 lục địa trong vòng một năm! Đây có lẽ là “khoảng lặng” Gap Year (thời gian bảo lưu việc học để thực hiện các hoạt động xã hội, tình nguyện, trải nghiệm,…) sôi động nhất của đôi bạn thân này. Matthieu hiện là sinh viên ngành nghiên cứu châu Âu ở một đại học tại London (Anh), còn Nicolas ở Paris theo học ngành nông nghiệp. Một năm này chính là thời gian hai người tạm tách ra khỏi việc học thực hiện kế hoạch đầy tham vọng ấy.

Trong khi đó, lý do đôi bạn chọn chiếc xe cũ kỹ Renault chính là để tiết kiệm. “Xe rất dễ sửa, dễ thay thế phụ tùng.  Chúng tôi không phải kỹ sư lành nghề nên thế này rất tiện. Hơn nữa, chiếc xe này vốn đã nổi tiếng và rất thân thiện. Nếu chúng tôi ngồi trong một chiếc xe hiện đại gắn máy lạnh thì có lẽ người dân sẽ thấy khó tiếp cận hơn.” – Matthieu giải thích.

Tính đến nay, gần 1/3 hành trình, Matthieu và Nicolas đã đi được gần 20 nước, trong đó có những điểm để lại nhiều ấn tượng như Ấn Độ hay Nepal. Hai người kể lại rằng tại Iran, họ được chào đón nồng hậu, nhiệt tình và đã phải chia tay người dân địa phương trong bịn rịn. Đó là một trong những điều ngạc nhiên nhất với hai người, khi hình ảnh Iran ở nước Pháp thường gắn với những điều tiêu cực. 

Còn kỷ niệm đối với họ khi lưu dấu tại Việt Nam lại vô cùng bất ngờ. “Giao thông tại Nepal, Ấn Độ rất bừa bãi. Ở Việt Nam tốt hơn nhiều”, Matthieu cho biết. Điều đáng tiếc là người bạn đồng hành chung thủy Renault cũ kỹ không thể theo chân Nicolas và Matthieu vào Việt Nam trong thời gian lưu lại đây (từ 19 đến 26/12) vì không vượt qua được những yêu cầu về giấy tờ hải quan khi vào Myanmar. Hiện chiếc xe đã được gửi bằng đường biển sang San Francisco (Mỹ) và nằm tại đó cho đến khi hai người chủ hoàn thành nhiệm vụ tại Việt Nam.

Chiếc Renault cũ kỹ
Chiếc Renault cũ kỹ

Chẳng có gì để khai báo tại hải quan Châu Âu

Vượt qua mấy chục nước bằng cửa khẩu đường bộ, Matthieu và Nicolas gặp không biết bao nhiêu nhân viên hải quan. Tại biên giới một nước châu Âu, sau khi kiểm tra hộ chiếu, các nhân viên tuần tra hỏi xem họ có mang theo thuốc lá hay rượu (những mặt hàng thường phải khai báo số lượng khi nhập cảnh/xuất cảnh), câu trả lời của hai người là: “Không, thưa ông, không có gì cần khai báo cả”. Hai người được yêu cầu mở xe để các nhân viên  kiểm tra và khi thấy trên xe là một đống lộn xộn giầy đi bộ, nước lọc, dụng cụ cắm trại, ghế gập,... và nhân viên tuần tra “như thường lệ, thở dài và đành nói ‘okay!’”

Không những ít khi bị làm phiền, Matthieu và Nicolas còn có trải nghiệm tuyệt vời với cảnh sát biên giới. Từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Iran,  hai người chọn hướng Anatolia, gần Georgia và Armenia. “Chúng tôi đi qua những chiếc xe cảnh sát trông rất lạ. Đến chiếc thứ hai thì chúng tôi nhận ra chúng là xe cảnh sát giả, nhằm mục đích giúp các tài xế giảm tốc độ. 10 phút sau, cảnh sát chặn chúng tôi lại, lần này là thật. Đó là chốt kiểm tra lạ lùng nhất trong lịch sử các chốt kiểm tra. Chúng tôi được yêu cầu dừng lại và thư giãn! Một vị cảnh sát còn chia mấy quả quýt cho chúng tôi. Trong không khí hơi trẻ con ấy, chúng tôi đã thư giãn bằng cách kiểm soát giao thông cùng họ và khuyên họ nên chặn xe nào lại!” 

Tài chính vi mô cho người nghèo

Tài chính vi mô cho người nghèo
Trước khi lên đường, Nicolas và Matthieu đã lên kế hoạch kỹ lưỡng cho hành trình và xin tài trợ. Trong một năm nay, hai chàng trai sẽ tới thăm khoảng 100 người trên toàn cầu là những người đã được các quỹ tín dụng vi mô của Pháp cho vay những khoản tiền nhỏ nhưng vô cùng quan trọng đối với sự sinh tồn của gia đình mình. Chẳng hạn, tại Lima (Peru), hai người đã thăm ông Gerardo – tài xế taxi xe máy (tương tự như một dạng xe lam của VN). Năm nay 53 tuổi, nhờ có khoản vay nhỏ mà ông Gerardo đã có thể mua dụng cụ để bảo dưỡng chiếc xe kiếm cơm của mình.

Trong những ngày ở VN, Matthieu và Nicolas sẽ thăm những người đã được nhận các khoản vay nhỏ từ chương trình tài chính vi mô Anh Chị Em (do Cơ quan Phát triển Pháp hỗ trợ) tại Điện Biên. “Tài chính vi mô là công cụ tốt để giúp người dân bình thường có được những khoản tiền nhỏ cần thiết, đồng thời giúp họ về mặt kỹ thuật, xã hội để sử dụng khoản vay đó hiệu quả. Nếu không thì việc vay mượn càng tăng gánh nặng nợ nần của họ mà thôi”, Matthieu chia sẻ.

Hà Anh