Đường hầm xuyên vách núi dựng đứng cao 1.700m, được đào bằng tay suốt 5 năm

(Dân trí) - Một đường hầm xuyên qua vách núi dựng đứng, dài 1,2 km được đào hoàn toàn bằng tay, là lối đi duy nhất dẫn vào ngôi làng cổ hơn 600 năm tuổi.

Đường hầm xuyên vách núi dựng đứng cao 200m, được đào bằng tay suốt 5 năm

Nằm chênh vênh trên núi, được mệnh danh là “nơi hẻo lánh và nguy hiểm nhất” Trung Quốc, làng Quách Lượng ở một nơi xa xôi như vậy. Lối đi duy nhất vào làng đến nay vẫn chỉ có con đường hầm xuyên qua vách núi cao 1.700 m.

Đường hầm xuyên vách núi dựng đứng cao 1.700m, được đào bằng tay suốt 5 năm - 1
Làng Quách Lượng gần như nằm tách biệt với thế giới do địa thế hiểm trở

Đó là một đường hầm dài khoảng 1,2 km, được đào thủ công bằng tay trong suốt 5 năm ròng rã, cũng là thứ kết nối ngôi làng cổ hơn 600 năm tuổi với thế giới bên ngoài.

Đường hầm xuyên vách núi dựng đứng cao 1.700m, được đào bằng tay suốt 5 năm - 2
Đi xuyên qua đường hầm

Nằm sâu trong dãy núi Thái Hành Sơn, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, làng Quách Lượng gần như bị cô lập bởi địa thế hiểm trở.

Trước khi đường hầm Quách Lượng ra đời, cách duy nhất để ra ngoài là leo qua thung lũng với những vách đá dựng đứng, trơn trượt rồi bằng qua đường mòn gồm 720 bậc đá. Lối đi hiểm trở tới mức ngay cả với người dân bản địa nhiều kinh nghiệm cũng thấy rợn người.

Đường hầm xuyên vách núi dựng đứng cao 1.700m, được đào bằng tay suốt 5 năm - 3
Một đường hầm xuyên vách núi được đào thủ công, kết nối làng với thế giới bên ngoài

Suốt thời gian dài sống trong cô lập, tới năm 1972, dân làng cử ra 13 thanh niên khỏe mạnh, bắt tay vào việc xây đường hầm xuyên vách núi. Không có sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, nhóm thanh niên dùng búa để đập hàng chục tấn đá.

Đường hầm xuyên vách núi dựng đứng cao 1.700m, được đào bằng tay suốt 5 năm - 4
Đường hầm hiểm trở khi nhìn từ trên cao

5 năm làm việc liên tục, một đường hầm cùng tên với ngôi làng xuất hiện. Con đường hoàn thành vào tháng 5/1977, nhưng chỉ đủ rộng để 2 ô tô di chuyển thật chậm tránh nhau. Tuy nhiên, ở những đoạn đường hầm xoắn, nếu tài xế không nhớ đường và đủ kinh nghiệm rất dễ lao xuống vực bởi xung quanh là điểm mù của khúc cua.

Kể từ ngày có đường hầm, dù ban đầu mọi thứ còn thô sơ nhưng cũng đủ thông thương. Ngôi làng cổ bắt đầu có tiếng tăm và thu hút khách du lịch. Hiện ở làng vẫn lưu giữ 13 bức tượng tạc mô phỏng hình ảnh của 13 thanh niên có công đào núi làm hầm.

Đường hầm xuyên vách núi dựng đứng cao 1.700m, được đào bằng tay suốt 5 năm - 5
Dọc theo đường hầm có khoét những ô cửa sổ để thông gió, khí

Dọc theo đường hầm có 35 ô cửa sổ để đổ đất đá, cho phép ánh sáng chiếu vào và không khí lưu thông bên trong. Cũng nhờ công trình nhân tạo này, việc đi lại đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều so với trước.

Làng Quách Lượng nằm cách thành phố Trịnh Châu chừng 120 km về phía bắc, thuộc khu thắng cảnh Wanxianshan. Du khách có thể tới đây bằng tàu hỏa, bắt chuyến tàu tại nhà ga xe Tân Hương là gần nhất. Khi dừng ở thị trấn Huixian, du khách tiếp tục đi xe bus tới khu thắng cảnh Wanxianshan.

Đường hầm xuyên vách núi dựng đứng cao 1.700m, được đào bằng tay suốt 5 năm - 6
Ngôi làng hơn 600 năm tuổi đang đẩy mạnh du lịch đón khách

Hiện đường hầm và làng Quách Lượng đã trở thành điểm nhấn du lịch ở tỉnh Hà Nam. Gói tour đưa khách tới thăm làng có giá khoảng 80 Nhân dân tệ/người. Nắm bắt xu hướng, người dân địa phương cũng đang nỗ lực thúc đẩy du lịch tại ngôi làng cổ.

Hoàng Hà

Theo Atlasobscura/ DM