Du Xuân vi vu lên rừng, xuống biển

(Dân trí) - Giữa lúc thông tin nóng dồn dập về virus Corona, chúng tôi chọn cách nửa gia đình lên một chiếc xe thẳng tiến miền Trung đón Xuân Canh Tí 2020 để được hưởng trọn vẹn bầu không khí trong lành, ít đám đông, ít sự ồn ào và náo nhiệt nhất có thể. Nửa còn lại đi máy bay rồi sẽ tập trung lại tại điểm đến đầu tiên - cố đô Huế để cùng đi tiếp.

Du Xuân vi vu lên rừng, xuống biển - 1

Làng chài Hải Ninh- Quảng Bình, 1 điểm đến đầy hứa hẹn vào mùa hè.

 Những cung đường Xuân

Khẩu trang đã chuẩn bị sẵn sàng nhưng thật ra nhóm đi ô tô chưa phải sử dụng vì trên xe có khá đầy đủ đồ dã ngoại và thực phẩm bao gồm cả bánh chưng, mứt kẹo, trà, cà phê …

Đã quen phượt xuyên Việt nên “xế nhà” cứ tà tà chạy xe trên những tuyến đường trở nên thênh thang và xanh - sạch - đẹp hơn hẳn dịp đầu Xuân mới, các thành viên còn lại thảnh thơi vừa nghe nhạc vừa ngắm những bức tranh phong cảnh đa sắc màu sống động lướt qua hai bên đường.

Tầm trưa tới địa điểm thích hợp đã trong tầm ngắm từ trước, cả nhà xuống xe. Trẻ con chạy nhảy chơi đùa trên cỏ xanh hoặc bên bờ biển, người lớn nổi lửa xào nấu bữa trưa nóng sốt, hợp khẩu vị. Bữa tối đàng hoàng hơn, nhiều rau xanh hơn tại địa điểm homestay tại Quảng Bình cũng đã trở nên thân quen như người thân trong cùng gia đình.

Còn nhóm đi máy bay dù có quên thì tới sân bay lập tức được nhắc nhở ngay bởi “thời trang” khẩu trang được khá đông du khách Việt có, nước ngoài có lựa chọn cho an toàn.

Du Xuân vi vu lên rừng, xuống biển - 2

Bữa trưa nóng sốt tự nấu trên đường…

Xem ra kinh nghiệm từ thời dịch SARS vẫn tiếp tục phát huy tác dụng, điều đó thật đáng quý đặc biệt là vào thời điểm người người, nhà nhà đổ ra đường đón Tết, du Xuân. Máy bay cả chuyến đi và chuyến về đều không còn một ghế nào trống và khách Việt còn đông hơn khách nước ngoài. Có vẻ như ngày càng nhiều gia đình Việt thời 4.0 chọn cách “chơi” Tết và du Xuân thay vì “ăn” Tết nhiều quá sau khó giảm cân.

“Săn” mây “đón” gió

Giờ chúng tôi mới thấm thế nào là Huế ít mưa nhưng mỗi lần mưa có thể kéo dài cả tuần, cả tháng. Dù trời mưa nhưng Huế vẫn đông du khách, khu phố Tây tất nhiên là nhộn nhịp nhất khiến số nhân viên phục vụ các nhà hàng vốn đã giảm thiểu càng bội phần vất vả, nhất là tại mấy quán bia mở nhạc vang lừng như sàn nhảy khuấy động không khí Tết đến Xuân về.

Du Xuân vi vu lên rừng, xuống biển - 3

Du khách dạo chơi đón bình minh trên bãi biển Lăng Cô.

Nhìn chung tôi nhận thấy cách phục vụ của người Huế vẫn giữ được phong cách nhẹ nhàng, chu đáo “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” (dù khách có phải đợi hơi lâu một chút nhưng rõ ràng là món ăn, đồ uống được làm cẩn thận). Không thấy có cảnh “chặt chém” du khách, giá cả đồ ăn hoặc vẫn như ngày thường hoặc chỉ tăng 5-10 ngàn đồng không đáng kể.

May thời tiết Huế cũng có đôi lúc hửng nắng nên dòng người đa số là khách Tây, Nhật, Hàn Quốc xếp hàng vào tham quan Lăng Vua Khải Định, chùa Thiên Mụ… đông hơn nhưng vẫn trật tự, không ồn ào và cũng không có cảnh mịt mờ hương khói.

Trời lại đổ mưa khá nặng hạt khi chúng tôi tới Đại Nội. Còn sớm nhưng dòng ô tô, xích lô chở du khách tới đây đã đỗ mấy dãy dài bên ngoài các cổng vào. Cầu Trường Tiền duyên dáng vắt qua hai bờ sông Hương với những công viên sạch sẽ, rực rỡ sắc hoa trải dài hai bên bờ dù trong tiết trời mưa lạnh vẫn đẹp dịu dàng, lãng mạn như “bài thơ viết trên chiếc nón”…

Rời Huế, xe chúng tôi lại bon bon trên những con đường Xuân rợp bóng cờ đỏ, cờ phướn. Hai bên là những ruộng lúa xanh mướt đó đây điểm xuyết vài cánh cò trắng uyển chuyển bay lên, lượn xuống… Bức tranh đồng quê khúc ruột miền Trung thật thanh bình.

Điểm dừng chân tại Lăng Cô trong mưa tưởng đâu vắng lặng màu này, nhưng bước chân ra khỏi phòng là tới biển chúng tôi lại thấy cảnh những đoàn khách phương Tây, Nhật, Hàn Quốc, Việt Nam dạo chơi trên bãi cát vàng mịn màng, chụp hình những con sóng bọt tung trắng xoá. Đông như thế nhưng ai cũng đi nhẹ nói khẽ, thật tuyệt.

Hôm sau lịch trình của cả nhà là “săn” mây trên đỉnh núi Bạch Mã cao hơn 1.400m. Sau chặng chạy xe ngoằn ngoèo xuyên rừng, xuyên qua những thảm thực vật xanh và các hàng cây cao vút như.. chọc trời, nhóm chúng tôi vừa xuống xe leo bộ thì gặp hai đoàn khách phương Tây vừa chinh phục đỉnh cao Vọng Hải Đài đi xuống, họ vui vẻ chuyện trò về những điều thú vị vừa chứng kiến.

Du Xuân vi vu lên rừng, xuống biển - 4

Các bé cũng hăng hái tự leo bộ lên núi.

Đường leo bộ dù dưới mưa vẫn không quá khó đi, kể cả với 4 bé trong nhóm gia đình tôi từ 5 đến 10 tuổi. Tiếc rằng do mưa nên từ Vọng Hải Đài chỉ có thể ngắm mây mù như giăng màn giữa các ngọn cây cao vút, chứ không nhìn bao quát được Vịnh Lăng Cô, hồ Truồi… ở tít xa phía dưới.

Du Xuân vi vu lên rừng, xuống biển - 5

Cô bé Su đã hoàn thành mục tiêu chinh phục đỉnh Bạch Mã kỷ niệm tuổi thứ 10.

 Bù lại trên đường về các bé được thoả sức nô đùa cùng sóng nước trên bãi cát vàng tại khu cắm trại ven bờ biển Cảnh Dương nghe nói đẹp nhất Lăng Cô, trong tiếng đàn hát của những nhóm thanh niên cắm trại hoặc chạy xe máy chở nhau ra biển dạo chơi.

Xuân mới được rời chốn đô thành đông đúc, thoả sức ngao du lên rừng xuống biển, tận hưởng không khí trong lành và những làn gió biển ấm áp… giúp ta phần nào quên đi nỗi ám ảnh mang tên “virus Corona” để thư thái tận hưởng một mùa Xuân mới…

Bài và ảnh Linh Lê