Kon Tum:

Du ngoạn trên làng chài Sê San

(Dân trí) - Nhiều năm nay, trên dòng Sê San có một làng chài, hay còn gọi là “xóm miền Tây”. Bà con tứ xứ lên đây mưu sinh bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng các loại thủy sản trên lòng hồ thủy điện.

Khoảng 10 năm trước, những người dân làm nghề chài lưới ở các tỉnh thành trên cả nước như Cà Mau, An Giang, Long An, Thừa Thiên - Huế… di cư về khu vực thuộc thủy điện Sê San 4, lập nên một làng chài (thuộc xã Ia Tơi, huyện Ia H’drai, Kon Tum). Họ lên vùng lòng hồ Sê San chủ yếu mưu sinh bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt các loại thủy sản.

Du ngoạn trên làng chài Sê San - 1
Làng chài trên dòng sông Sê San

Những ngày đầu lên đây lập nghiệp, mỗi người một chiếc bè 3m2, trên phủ chiếc bạt cũ, ngày đi đánh cá, thả câu, đêm về bè ngủ trong tiếng sóng rì rào của sông hồ. Cuộc sống lang bạt trên những chiếc bè tạm bợ, không giấy tờ tạm trú, không nhà cửa… chứa đựng rất nhiều khó khăn bất trắc. Đến đầu năm 2018, hàng chục hộ dân làng chài đã chính quyền cấp sổ hộ khẩu, 400m2 đất ở và 50 triệu đồng để dựng nhà trên bờ, có điện lưới quốc gia kéo về từng nhà.

Độc đáo làng chài trên lòng hồ Sê San

Có chỗ ở ổn định, ngư dân mạnh dạn đầu tư nuôi trồng thủy sản phát triển kinh tế. Ngoài việc đánh bắt cá tự nhiên, bà con còn đầu tư lồng bè để nuôi các loại cá trắm, diêu hồng, cá thác lác và cá lăng… Đặc biệt, người dân đã sáng tạo ra đặc sản “bánh tráng cá cơm Sê San” nổi tiếng của dân làng chài. Giờ đây, làng chài là một địa danh du lịch nổi tiếng của người dân quanh vùng mỗi dịp nghỉ lễ.

Phạm Hoàng