Du ngoạn “miền đất Thánh”

(Dân trí) - Tháng 10 tiết trời đang dệt bức tranh “Mùa Thu Vàng” trên những nẻo đường xứ Bạch Dương hay sắc hạnh nhân, lá phong đan xen dải thảm khổng lồ với những đỏ, vàng, cam lên đất nước Hàn Quốc.

Đều là những địa danh tôi đã từng chạm gót đặt chân đến. Và tháng 10 này – 2016, tôi lên đường chinh phục những cung đường mới. Một nơi theo đánh giá của nhiều người cho rằng điểm đến vừa xa xôi về địa lý, vừa nguy hiểm đến tính mạng, đi lại khó khăn trên những con đường vắt vẻo ngang dọc qua những sa mạc mênh mông cằn cỗi. Sau tất cả, tôi vẫn đặt hết niềm tin vào lý trí, trái tim thôi thúc và giục đôi chân dẫn lối đến “Miền Đất Thánh – Israel”.

Du ngoạn “miền đất Thánh” - 1

Sự quan sát đầu tiên của tôi khi làm thủ tục quá cảnh tại sân bay quốc tế Bangkok là những nhân viên làm việc cực kỳ nghiêm ngặt, cuộc phỏng vấn kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Và khi đoàn đáp xuống sân bay Tel Aviv mức độ kiểm tra lại càng được đẩy mạnh hơn. Từng đi qua 25 quốc gia tôi xin được kết luận luôn rằng đây là đất nước có nền an ninh tốt nhất trên tất cả các cung đường mà tôi đã đến.

Dẫu bầu không khí nghiêm ngặt vậy song tôi thấy hết sức thoải mái và cảm giác nhẹ nhàng dễ chịu, không có dấu hiệu gì gọi là “sự nguy hiểm rình rập” bủa vây cả. Tel Aviv cho tôi sự chiêm nghiệm đầu tiên trong chuyến hành trình, nhưng cũng không nguôi đăm chiêu về đất nước nằm bên bờ Địa Trung Hải, gắn liền với lịch sử thăng trầm của người dân Do Thái.

Trong chuyến hành trình, đoàn tôi đến với thành phố cổ Nazareth, nơi thời niên thiếu của Đức Chúa Jesus đã từng lớn lên tại đây, cũng là nơi tuổi trẻ Chúa cùng “đàm đạo” về lễ luật Do Thái với các vị bô lão Nazareth. Tự hào với công việc phụng sự Chúa Trời mà Jesus có nhắc đến là “Con phải làm việc cho Cha con”.

Du ngoạn “miền đất Thánh” - 2

Đi qua biển Hồ Galilee nơi Đức Chúa Jesus truyền giảng đạo và cho tôi những thắc mắc tiếp theo, rằng tại sao cùng bắt nguồn từ con sông Jordan một bên với biển Hồ Galilee là nước ngọt thậm chí là hồ nước ngọt lớn nhất Israel còn một bên lại là Biển Chết với dòng nước mặn nhất thế giới?

Xe tiếp tục lăn bánh chạy dọc con đường đến Biển Chết mà hai bên đường chỉ toàn sa mạc, đất đai khô hạn. Cỏ cũng lì lợm không chịu nhô mầm mọc lên, chỉ toàn một màu đất trắng sữa, suốt dọc đường chỉ trực chờ cơn gió to mà cuốn bụi cát lên lữ khách. Đường đi nhỏ hẹp, hơn thế các khúc cua tay áo cho tôi cảm giác của những trận đổ đèo tại Sapa, khác cái là không dốc và nguy hiểm bằng.

Trên đường đến Biển Chết chúng tôi thấy một nhà máy sản xuất muối, hỏi ra mới rõ đó là nhà máy sản xuất muối do Israel độc quyền khai thác. Đoàn đi trong thời tiết khô hanh, nắng suốt cuộc hành trình nhưng không oi bức, gió thổi khá dễ chịu. Vậy mà sức nắng ở đây đã làm vơi dần đi diện tích nước tại Biển Chết chỉ còn một phần ba so với ban đầu.

Du ngoạn “miền đất Thánh” - 3

Đoàn tranh thủ thời gian để tắm tại Biển Chết, trải nghiệm cảm giác cơ thể được thả bồng bềnh. Chẳng cần qua một trường lớp ngụp lặn để khởi động cho một buổi đi bơi, tại đây tôi có thể” tự bơi” rồi “tự nổi” nhờ lớp muối dày phía dưới, độ mặn lên đến hơn 33% nước biển bình thường. Tay không ngừng ma sát lớp muối, rồi cố nắm lấy một vốc muối biển thật to giơ lên trước ống kính của bạn đồng hành hệt như cảm giác vốc những nắm tuyết nặn thành khối tròn vân vê như cái hồi mùa đông đi Tây Âu. Lớp muối cùng độ mịn của bùn đen dưới lòng biển rất tốt cho sức khỏe, giảm thiểu các bệnh về da, chống các bệnh về xương khớp, tuy nhiên đoàn cũng chỉ tắm khoảng chừng 15 phút để hạn chế bụi bẩn lên da.

Xuôi theo phía Tây Nam của Biển Chết chúng tôi đến với Pháo đài Masada nằm trong danh sách Di sản Văn hóa Thế Giới năm 2001của Israel. Phần lớn Pháo đài được xây dựng vào thời Vua Herod Đại Đế khoảng từ năm 40 trước Công nguyên đến năm 30 trước Công nguyên, xây trên vách đá thẳng đứng có phần treo leo dẫn lên theo ba lối đi. Đoàn bước theo lối mòn có các bậc thang nhẵn dấu chân người, bao nhiêu bậc đá đó liệu có bước chân nào tôi vô tình dẫm đúng bước chân Herod Đại Đế chăng?

Du ngoạn “miền đất Thánh” - 4

Qua bao biến cố có cả sự xâm lấm của thời gian, pháo đài hiện lên bây giờ chỉ còn là những nền móng, tường thành ngồn ngang, đứng từ trên pháo đài phóng tầm mắt xuống phải công nhận một điều rằng con mắt chọn địa thế tinh tường của vị Herod Đại Đế có tầm nhìn xa bao quát toàn cảnh, bố trí vị trí phòng ngăn rất hợp lý. Chỉ tiếc rằng sự phá hủy từ đội quân La Mã đến sớm quá mà nay ta chỉ có thể mường tượng lại qua dấu tích cổ. Bằng chứng về dân tộc Do Thái khao khát tự do kiên cường qua năm tháng chống lại sự hà khắc , xâm chiếm từ phía La Mã cổ đại.

Đất nước nhỏ bé vô tình nằm giữa cửa ngõ quan trọng trên tuyến Phi Châu, Ả rập để không ngừng qua năm tháng lịch sử phải đối đầu với những trận chiến tang thương. Dường như trong chính những chảo lửa và gươm đao đã tôi luyện nên ý chí của người dân Do Thái.

Trên đường tiến gần đến thành phố cổ Jericho, hình ảnh về Pháo đài Masada vẫn nguyên trong suy nghĩ của tôi.Vào thành Jericho vẫn cái cảm giác man mác đó, lại một dấu tích cổ xưa hiện hữu với bao câu chuyện được mắt thấy tai nghe từ chính những người dân Do Thái chính gốc. Đây là thành phố nằm “ ép mình xuống “ thấp hơn mặt nước biển chừng 200m. Được biết đến là thành phố thấp nhất trên thế giới, một thung lũng phì nhiêu. Và cũng được biết đến với cái tên là Thành phố của hàng ngàn ao hồ hay Thành phố cổ nhất thế giới với tuổi đời lên đến khoảng 9000 năm tuổi. Tôi cố vốc lấy nắm đất nhỏ rồi cho chảy nhẹ qua kẽ tay về những điều đã xảy đến với mảnh đất đầy ngưỡng vọng này. Vẫn chung một cảm giác xuyên suốt cuộc hành trình , khó mà diễn tả thành lời trong cảm xúc đầy hỗn độn trước những địa danh mà tôi cùng đoàn đồng hành đi qua.

Xe lại lăn bánh hướng về Jerusalem.

Là những nốt trầm về ngày thứ 6 Đức Chúa Jesus bị quân La Mã đóng đinh trên cây thánh giá, mà nay vẫn còn một lối nhỏ đề tích đường thánh giá – Vi A Dolorosa như làm sống lại những biến cố trong nhà thờ mộ thánh về cuộc đời của Chúa.
Là những nốt trầm về ngày thứ 6 Đức Chúa Jesus bị quân La Mã đóng đinh trên cây thánh giá, mà nay vẫn còn một lối nhỏ đề tích đường thánh giá – Vi A Dolorosa như làm sống lại những biến cố trong nhà thờ mộ thánh về cuộc đời của Chúa.

Đoàn chúng tôi đi bộ qua biên giới răng lược vào Bethlehem – Bethlehem ngày nay thuộc phần đất của Palestine.

Bên ngoài là bức tường Than Khóc giờ chỉ còn kéo dài 150m.Mỗi ngày đều có những dòng người sùng đạo đổ về từ khắp nơi trên thế giới đến để cầu nguyện. Với hai lối phân rõ nam – nữ và một không gian chung cho cả hai. Cứ ba lần một ngày người Do Thái lại đến làm lễ. Tay lần giở cuốn kinh , đầu gật gù miệng lẩm bẩm Kinh thánh liên tục trong suốt chiều dài 2000 năm qua đi. Tôi đứng trực diện bên bức tường nhẵn bóng những vết tựa đầu của người Do Thái để ý kỹ thấy có những tấm giấy viết được nhét vào khe tường . Thời gian qua đi nhưng niềm tin của họ vẫn mãi mãnh liệt nguyên vẹn với Chúa.Đây cũng là nơi Chúa được sinh ra, mà ngày còn bé vẫn hay được nghe qua những bài thánh ca tại lễ đường trong nhà thờ vào mùa Giáng Sinh. Được nghe kể về Đức Mẹ Maria đồng trinh được hồng phúc của Chúa Trời hạ sinh Chúa Jesus trong mùa đông giá rét tại “ máng hang lừa”, một trong những hang đá tại đồi mục tử.

Du ngoạn “miền đất Thánh” - 6

Đi theo lối nhỏ vào sâu trong Bethlehem tôi tự hỏi liệu hành trình đến Israel chỉ là để thỏa niềm đặt chân qua các miền thánh tích, chiêm nghiệm về cuộc đời Chúa, khám phá những vượt bậc về khoa học của Israel???Không hẳn vậy cho tới khi tôi cúi đầu vào hang nhỏ nơi ngôi sao 14 cánh, bí truyền rằng Chúa đã ra đời, tôi thấy mục đích chính của chuyến đi đã truyền cho tôi một niềm tin bền bỉ và hơn thế còn là một sự “ bình an” . Đúng như câu nói mà tôi đã bất chợt nghe thoáng qua đâu đó về ngày Chúa ra đời “ Vinh danh Chúa bình an dưới thế”. Và lại thêm một câu hỏi mà tôi cứ thắc mắc mãi, rằng nếu đứng trước Angkor Vat, Angkor Thom của Campodia đạt cực thịnh vào thế kỷ 12 cho đến nay “gen’’ di truyền văn hóa dường như bị đứt đoạn, tuyệt nhiên không thấy có sự chuyển biết mãnh liệt nào trong thời đương đại. Thì đứng trước Bethlehem tôi cũng ngỡ ngàng về sóng gió dân tộc, xung đột tôn giáo như vậy mà Israel lại phát triển như vũ bão kể từ 1948 sau khi lập quốc đến nay. Tự hỏi không biết có phải chính đức tin về bình an để qua bao biến cố đã làm cho đất nước Israel mạnh mẽ hơn?

Trên đường trở về Jaffa, là minh chứng về sự trỗi dậy mạnh mẽ của dân tộc nơi đây. Không khỏi ngạc nhiên khi phát hiện ra những tấm vải trắng căng kín nửa vòng tròn ụp dưới nền đất chiều dài 11 đến 12m vậy mà bên trong những luống vải là sự phát triển của các giống cây cho nhiều vụ trên một năm. Kỹ thuật gì cho phép người Israel lai tạo được các giống cây trồng để thích hợp với thứ đất bạc màu, sỏi đá chốn sa mạc chiếm hai phần ba này? Có quá nhiều trải nhiệm cùng một lúc trong cùng một hành trình mà tôi đi qua. Dạo bộ quanh Jaffa chúng tôi vui mừng có mặt trong bức hình của đôi vợ chồng trẻ người Do Thái.

Trở lại Tel Aviv, cũng là lúc lịch trình của chúng tôi gần đến ngày kết. Nhưng tôi biết mình đã được trải nghiệm những gì, khám phá những gì và chưa dừng lại ở đây hẹn Israel vào một ngày không xa - một lần là biết song hai lần mới là hiểu, tôi sẽ quay lại mảnh đất Israel để thêm ngấm hơn những trải nghiệm nơi đây và khám phá ra những điều mới mẻ kế tiếp. Ngày tiễn đoàn ra sân bay bên đường sắc hoa tươi giăng lối làm người đi muốn níu lại lâu hơn …
Trở lại Tel Aviv, cũng là lúc lịch trình của chúng tôi gần đến ngày kết. Nhưng tôi biết mình đã được trải nghiệm những gì, khám phá những gì và chưa dừng lại ở đây hẹn Israel vào một ngày không xa - một lần là biết song hai lần mới là hiểu, tôi sẽ quay lại mảnh đất Israel để thêm ngấm hơn những trải nghiệm nơi đây và khám phá ra những điều mới mẻ kế tiếp. Ngày tiễn đoàn ra sân bay bên đường sắc hoa tươi giăng lối làm người đi muốn níu lại lâu hơn …

Hoàng Phụng Hiếu

Phó Giám Đốc Vietglobal Travel