APEC 2017:

Du lịch vừa là tác nhân vừa là nạn nhân của biến đối khí hậu

(Dân trí) - “Tổ chức Du lịch Thế giới nhận định du lịch vừa là tác nhân lại vừa là nạn nhân của biến đối khí hậu. Sự phát triển du lịch gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường và biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, du lịch lại là ngành dễ bị tổn thương, nhạy cảm với sự thay đổi của thiên nhiên, khí hậu”.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đã chia sẻ như trên tại Hội thảo “Phát triển du lịch bền vững APEC trong bối cảnh biến đổi khí hậu” của Nhóm công tác về du lịch của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương 2017 (APEC 2017) vừa khai mạc sáng nay 23/2. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất quan chức cao cấp APEC và các cuộc họp liên quan đang diễn ra tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Hội thảo định hướng phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu của Nhóm công tác về du lịch của APEC vừa khai mạc sáng 23/2
Hội thảo định hướng phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu của Nhóm công tác về du lịch của APEC vừa khai mạc sáng 23/2

Trước phiên khai mạch Hội thảo, đại diện nền kinh tế chủ nhà Việt Nam, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu chia sẻ: “Trong tiến trình phát triển, ngành du lịch APEC gặp phải không ít thách thức. Đặc biệt là thách thức do biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) nhận định: Du lịch vừa là tác nhân lại vừa là nạn nhân của biến đối khí hậu. Sự phát triển du lịch gây ra nhiều tác động tiêu cực tới môi trường và biến đổi khí hậu.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu: Tổ chức Du lịch Thế giới nhận định: Du lịch vừa là nạn nhân vừa là tác nhân của biến đổi khí hậu
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu: Tổ chức Du lịch Thế giới nhận định: Du lịch vừa là nạn nhân vừa là tác nhân của biến đổi khí hậu

Lượng khí thải nhà kính từ hoạt động của các phương tiện vận chuyển du lịch và lưu trú, các chất thải rắn và lỏng từ hoạt động du lịch cũng gây ra ô nhiễm môi trường đất và nước. Một số hoạt động du lịch không được quy hoạch tốt ảnh hưởng xấu đến sự đa dạng sinh học và môi trường thiên nhiên hoang dã.

Bên cạnh đó, du lịch lại là ngành dễ bị tổn thương, nhạy cảm với sự thay đổi của thiên nhiên, khí hậu. Khí hậu biến đổi ảnh hưởng tới điểm đến, mùa du lịch và chi phí vận hành (điều hòa không khí, thực phẩm, nước, bảo hiểm…); một số hiện tượng thời tiết cực đoan, khó dự báo khiến các chương trình du lịch bị hủy bỏ, tạo tâm lý e ngại cho khách du lịch; nước biển dâng, sạt lở đất ảnh hưởng lớn tới các khu du lịch ven biển. Vì vậy, phát triển du lịch bền vững được xác định là mục tiêu quan trọng của toàn cầu và của các nền kinh tế thành viên trong APEC”.

Du lịch lại là ngành dễ bị tổn thương, nhạy cảm với sự thay đổi của thiên nhiên, khí hậu (ảnh minh họa: hiện tượng sạt lở nghiêm trọng ở bờ biển Cửa Đại ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động du lịch ở Hội An, Quảng Nam)
Du lịch lại là ngành dễ bị tổn thương, nhạy cảm với sự thay đổi của thiên nhiên, khí hậu (ảnh minh họa: hiện tượng sạt lở nghiêm trọng ở bờ biển Cửa Đại ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động du lịch ở Hội An, Quảng Nam)

Theo chương trình Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề: Tính dễ tổn thương của du lịch và biến đổi khí hậu; Ảnh hưởng của du lịch đến biến đổi khí hậu và ngược lại; Định hướng chính sách về phát triển du lịch APEC bền vững gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu; Hướng dẫn sự tham gia và đối thoại giữa các bên liên quan trong phát triển du lịch biển APEC.

Đại diện các nền kinh tế thành viên trong Nhóm công tác về Du lịch của APEC trao đổi bên lề Hội thảo
Đại diện các nền kinh tế thành viên trong Nhóm công tác về Du lịch của APEC trao đổi bên lề Hội thảo

Trên cơ sở đó, Nhóm công tác về du lịch của APEC sẽ xem xét đề xuất mục tiêu và nội dung cơ bản của Tuyên bố Hạ Long và Khung hướng dẫn về phát triển bền vững du lịch APEC trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Được biết, có 2 văn kiện quan trọng sẽ được các Bộ trưởng du lịch APEC xem xét và thông qua tại Hội nghị bàn chính sách cao cấp về du lịch bền vững sẽ diễn ra tại Hạ Long, Việt Nam vào tháng 6/2017 tới. Các văn kiện này sẽ tiếp tục được trình lên Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế APEC vào tháng 11/2017 tại Đà Nẵng, Việt Nam.

Thông tin từ Ban Tổ chức Hội thảo Nhóm công tác về du lịch APEC cho biết: Trong hợp tác APEC đa ngành, đa lĩnh vực, những năm gần đây hợp tác du lịch luôn được quan tâm đặc biệt. Nhờ thế, du lịch APEC tăng trưởng bền vững, bao trùm, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, sự thịnh vượng chung và kết nối trong khu vực. Hình ảnh du lịch APEC không ngừng được củng cố. APEC trở thành điểm đến hấp dẫn và thân thiện đối với du khách trong và ngoài khu vực. Số liệu thống kê từ năm 2015, ngành du lịch của các nền kinh tế thành viên APEC đã đón gần 400 triệu lượt khách, chiếm 33% tổng lượng khách du lịch thế giới; tạo thu nhập trên 598 tỷ USD, chiếm 44,5% thu nhập du lịch toàn cầu, tạo ra 47,9 triệu việc làm trực tiếp. Các Bộ trưởng du lịch APEC đã đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có 800 triệu lượt khách quốc tế đến du lịch trong khu vực APEC.

Khánh Hiền