“Du lịch Việt Nam đang ở trong giai đoạn có nhiều cảm xúc và dấu ấn”

(Dân trí) - 5 năm vừa qua (2011-2016), ngành du lịch Việt Nam đã trải qua nhiều biến động kịch tính, đánh dấu những bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển. Đến đầu năm 2017, liên tục có những tín hiệu đáng mừng cho thấy du lịch đang trên đà trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Sáng ngày 28/02, tại Hội nghị toàn quốc Triển khai kế hoạch công tác năm 2017 của Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, hội nghị đã tổng kết những thành tựu, bước ngoặt của ngành du lịch trong năm 2016, đồng thời đưa ra phương hướng và mục tiêu phát triển cho năm 2017.

Hội nghị diễn ra tại Hà Nội vào sáng 28/02.
Hội nghị diễn ra tại Hà Nội vào sáng 28/02.

Năm 2016 đánh dấu bước ngoặt cho ngành Du lịch

Đã từng có thời điểm du lịch Việt Nam rơi vào thời kỳ khủng hoảng khi khách du lịch sụt giảm trong 13 tháng liên tục. Sau một thời gian dài phát triển không ổn định, gần đây, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm và quyết tâm thúc đẩy ngành Du lịch phát triển.

Phát biểu tại hội nghị, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: “Ngành du lịch đã chứng kiến sự bùng nổ dữ dội trong năm 2016 khi hàng loạt các chính sách ra đời. Phải nói rằng, giai đoạn 5 năm vừa qua (2011-2016) là giai đoạn đầy kịch tính”.

Nổi bật nhất trong năm 2016 là sự kiện 10 triệu khách du lịch quốc tế (tăng 26% so với 2015), phục vụ hơn 62 triệu khách du lịch nội địa (tăng 10% so với năm 2015). Tổng thu từ khách du lịch đạt 400 ngàn tỷ đồng. Đây là một dấu ấn chưa từng có trong ngành du lịch Việt Nam.

Ông Vũ Thế Bình cho rằng năm 2016 là năm bận rộn và nhiều cảm xúc của du lịch Việt Nam.
Ông Vũ Thế Bình cho rằng năm 2016 là năm bận rộn và nhiều cảm xúc của du lịch Việt Nam.

Năm 2016 không chỉ là năm đánh dấu bước ngoặt của ngành Du lịch với những chính sách mới của Đảng và Nhà nước mà còn ghi đậm bước chuyển mình của Hiệp hội Du lịch khi đã đạt được độ tin cậy của chính quyền và sự tín nhiệm của các doanh nghiệp du lịch.

Tại hội nghị, ông Vũ Thế Bình cũng tổng kết những thành tựu đạt được và chỉ ra khó khăn mà Hiệp hội Du lịch Việt Nam phải đối mặt.

Thành tựu đáng nói nhất là vấn đề kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của Hiệp hội. “Hiệp hội ngày càng lớn mạnh với 45 chi hội và hội viên tăng đến 300%. Trước mắt, chúng ta đã xây dựng được các chính sách để đẩy mạnh vị thế của Hiệp hội, đồng thời tăng cường mối liên kết của Hiệp hội với các cơ quan quản lý Nhà nước và các địa phương”, ông Vũ Thế Bình tổng kết.

Bên cạnh đó, các vấn đề về công tác tài chính; công tác đào tạo, bồi dưỡng; công tác phát triển thị trường,… cũng có những bước chuyển biến tích cực. Đặc biệt, hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kích cầu du lịch, phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực: ẩm thực, lễ hội, hội chợ du lịch,….

Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Hai tháng đầu năm 2017, ngành du lịch đã có những tín hiệu đáng mừng khi đón hơn 2 triệu khách quốc tế, tăng 33% so với 2 tháng đầu 2016. Điều này cho thấy ngành du lịch đang bước vào giai đoạn mới với mức độ phát triển cao hơn.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: “Chúng tôi đang rất vững tin, năm 2017 có thể đón đến 12 triệu lượt khách quốc tế và khiến du lịch trở thành nghành kinh tế mũi nhọn vào năm 2020. Có được kết quả đó chính là nhờ vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã đi vào cuộc sống”.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, những thành tựu có được trong 2 tháng đầu năm 2017 là chưa từng có.
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, những thành tựu có được trong 2 tháng đầu năm 2017 là chưa từng có.

Đầu năm 2017, Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du đã được ban hành và đem đến cho ngành du lịch một nguồn sinh khí mới. Tuy những chính sách được ban hành chưa lâu nhưng đã phát huy tác dụng, bước đầu khắc phục những hạn chế yếu kém và nâng cao chất lượng ngành du lịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh: “Năm 2017, việc triển khai, quán triệt, phổ biến thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ chính trị là nhiệm vụ trọng tâm, chủ đạo của ngành Du lịch. Một trong những quan điểm mạnh mẽ và đột phá của Nghị quyết, đó là du lịch là ngành mang tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng, mang tính xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc. Vì vậy, phát triển du lịch là nhiêm vụ của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội, trong đó vai trò của cộng đồng doanh nghiệp và cộng đồng cư dân địa phương là rất quan trọng”.

Đầu năm 2017 cũng là thời điểm tổ chức Đại hội nhiệm kỳ IV của Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Tại hội nghị, công tác chuẩn bị cho Đại hội được đặc biệt chú trọng.

Hoàng Ngọc