Du lịch Việt Nam 2014: Khó nhưng vẫn... chơi sang

(Dân trí) - Dù kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn nhưng xu hướng hiện nay là khách du lịch nội địa ngày một quan tâm tới các tour chất lượng cao, được hưởng các dịch vụ chăm sóc chu đáo.

Càng “kích” càng “tụt”

Báo cáo của TCDL cho biết, năm 2013 cũng là năm được đánh giá rất khó khăn đối với ngành Du lịch. Ngoài việc tăng lệ phí visa ảnh hưởng nhất định đến lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thì tình hình kinh tế năm qua cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh du lịch Việt Nam.

Ảnh minh hoạ (Internet)
Ảnh minh hoạ (Internet)

Mặc dù năm 2013, là lần thứ 5 Tổng cục Du lịch phát động chương trình kích cầu du lịch. Chương trình nhấn mạnh vào việc kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành tham gia giảm giá vào mùa thấp điểm, với mức giảm từ 10 đến 40%. Tuy nhiên, kết quả của chương trình này không đạt được kết quả như mong muốn.

Có lẽ vì quá ít doanh nghiệp hưởng ứng kích cầu, là địa phương đăng cai năm du lịch quốc gia, Hải Phòng buộc phải hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn tham gia chương trình, tuyên truyền cho tuần khuyến mại, tháng khuyến mại để thu hút khách du lịch với mục đích hâm nóng chương trình này.

Thế nhưng, một số doanh nghiệp cho rằng, khi tình hình kinh tế khó khăn, khung giá thuế đất không giảm làm cho giá dịch vụ du lịch tăng cao, việc đưa ra các chương trình kích cầu giảm giá dường như là một điều không tưởng.
Đặc biệt, việc các mặt hàng thiết yếu như giá xăng, dầu, điện, nước liên tục tăng trong thời gian qua đã đẩy doanh nghiệp vào chỗ "đứng ngồi không yên".

Làn sóng tăng giá xăng, dầu, điện liên tiếp trong thời gian qua đã tác động đến giá thành tour. Chính vì thế, nếu “kích cầu” thì cũng đồng nghĩa sẽ phải điều chỉnh chính sách giá cước vận chuyển, giá phòng khách sạn. Điều này sẽ kéo theo mục tiêu lợi nhuận của ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Các doanh nghiệp cho rằng, chi phí vận chuyển (máy bay, xe khách, tàu hỏa, thuyền...) chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu giá thành của một chương trình du lịch.

Với tour có sử dụng vé máy bay và xe ôtô, chi phí này chiếm khoảng 40 - 50%, thậm chí lên tới 60% giá tour nếu có chương trình tham quan bằng tàu thuyền. Còn trường hợp chỉ sử dụng đường bộ, chi phí dao động ở mức 20 - 25%. Tuy nhiên, năm qua, giá xăng dầu tăng liên tục, gây sức ép rất lớn lên các doanh nghiệp vận tải.

Những người làm du lịch lo ngại, nếu giá xăng vẫn duy trì mức cao cùng theo giá điện tăng thì giá inbound và tour outbound nhiều khả năng sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp lữ hành phải đối mặt không chỉ là thay đổi giá tour, mà còn là khả năng giảm lượng khách.

“Tour Vip” lên ngôi

Theo dự đoán của nhiều doanh nghiệp, trong thời gian tới nếu chuẩn bị tốt du lịch Việt Nam sẽ đón được một lượng khách quốc tế không nhỏ.

Dự báo của tổ chức du lịch thế giới, trong những năm tới khu vực Đông Nam Á và Nam Á tiếp tục là các khu vực có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất. Trong khi, biến động chính trị tại một số nước trong khu vực và trên thế giới là cơ hội cho du lịch Việt Nam trong việc thu hút khách du lịch quốc tế.

Mặc dù kinh tế trong nước trong năm qua không mấy sáng sủa, tuy nhiên nhiều người dự đoán khách nội địa hiện nay nhiều người thích mua các tour du lịch chất lượng cao. Dù chi phí đắt hơn nhưng các tour này vẫn được lựa chọn bởi phương tiện phù hợp, khẩu phần ăn uống đầy đủ chất ...

Nắm được xu thế này, một số công ty vừa và nhỏ cũng đang nghiên cứu áp dụng chương trình thiết kế tour du lịch cao cấp.

5 điểm nóng được các công ty du lịch chọn cho tour cao cấp gồm Phan Thiết, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc và Đà Nẵng - Hội An, vì các điểm này có dịch vụ tương đối tốt. Thống kê từ các công ty cho thấy, tour du lịch chất lượng cao hiện nay chiếm khoảng 30%. Ba đối tượng đi tour cao cấp chủ yếu là doanh nhân, gia đình khá giả và nhóm bạn trẻ làm trong các công ty có thu nhập tương đối cao.

Ngoài ra, hầu hết khách đi tour chất lượng cao đều quan tâm đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong tour. Họ thường yêu cầu phải có massage, tắm hơi, vật lý trị liệu, tắm khoáng, Spa (dành cho nữ). Có đoàn còn yêu cầu bác sĩ đi theo để hướng dẫn, chăm sóc sức khỏe cho đoàn.

Khi bỏ ra nhiều tiền để đi tour chất lượng cao, dĩ nhiên khách cũng yêu cầu nhiều chi tiết nhỏ, như trong tour có chương trình thể thao thì phải trang bị đầy đủ phương tiện đi kèm, khẩu phần ăn - uống phải đầy đủ chất để cung cấp đủ năng lượng.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng nếu dịch vụ vui chơi giải trí ở Việt Nam được cải thiện khả năng cạnh tranh về giá so với các nước trong khu vực tốt hơn thì mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế 37,5 triệu khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 230 ngàn tỷ đồng mà Tổng cục Du lịch đưa ra là điều trong tầm tay.

Minh Phan