Du lịch Quảng Nam tìm hướng phát triển bền vững

(Dân trí) - Dù tăng trưởng hàng năm nhưng ngành du lịch Quảng Nam đang tìm hướng đi để phát triển bền vững, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao động trong ngành…

Ngày 27/12, tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Phát triển du lịch bền vững tỉnh Quảng Nam -thời cơ và thách thức”.

Du lịch Quảng Nam tìm hướng phát triển bền vững - 1

Hội thảo “Phát triển du lịch bền vững tỉnh Quảng Nam - thời cơ và thách thức” diễn ra ngày 27/12

Thống kê của ngành du lịch Quảng Nam giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng bình quân về lượt khách du lịch đến địa phương đạt 16%/năm, thu nhập xã hội từ du lịch tăng bình quân ước đạt 21%/ năm.

Đến năm 2019, toàn tỉnh có 731 cơ sở lưu trú du lịch với gần 14.000 phòng hoạt động; toàn tỉnh có 88 đơn vị hoạt động kinh doanh lữ hành nội địa, 10 chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong nước, tốc độ tăng bình quân về cơ sở lưu trú đạt trên 24%, tăng trưởng về số phòng trên 19%…

Đến năm 2020, tỉnh Quảng Nam dự kiến sẽ hoàn thành vượt mục tiêu 8 triệu lượt khách, thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt trên 15.500 tỷ đồng.

Phát triển nhanh, song những năm gần đây, ngành du lịch Quảng Nam bắt đầu đối diện với nhiều vấn đề phát sinh. Đầu tiên là chất lượng sản phẩm dịch vụ, sự biến dạng của các sản phẩm du lịch gắn liền với văn hóa và hình ảnh điểm đến; thách thức trong công tác bảo tồn và hạn chế tác động mặt trái của tăng trưởng nóng về lượng khách, cũng như việc đưa vào khai thác điểm đến du lịch cộng đồng nhưng lại thiếu sự chuẩn bị đầu tư, huấn luyện bài bản cho người dân…

Du lịch Quảng Nam tìm hướng phát triển bền vững - 2

Phát triển nóng du lịch ở rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, Hội An), loa “kẹo kéo” phát nhạc ầm ĩ trong rừng dừa, ô nhiễm môi trường, khách quá tải…

Ông Trần Văn Khoa – Giám đốc Công ty Jack Trần tour – cho rằng, ngoài sự xuất hiện và gia tăng những tác động mặt trái của du lịch, ngành du lịch Quảng Nam vẫn đang đối diện với không ít thách thức khi đặt vấn đề phát triển bền vững.

Bài học từ điểm đến rừng dừa Bảy Mẫu xã Cẩm Thanh cũng đặt ra cho Quảng Nam nhiều vấn đề khi xây dựng và phát triển các sản phẩm, điểm đến mới, đặc biệt là những sản phẩm, điểm đến sinh thái. Ông Trần Văn Khoa cho hay, hiện vườn dừa Cẩm Thanh trở nên “náo loạn” vì phát triển nóng, loa “kẹo kéo” phát nhạc ầm ĩ trong rừng dừa, ô nhiễm môi trường, khách quá tải…

PGS. TS. Phạm Trung Lương - Viện du lịch Bền vững Việt Nam - cho rằng, phát triển du lịch tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn 2021-2030 sẽ phải đối mặt với những cơ hội và thách thức như Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng quan trọng để phát triển đất nước.

“Phát triển du lịch bền vững Quảng Nam trong giai đoạn phát triển 2020-2021 và tầm nhìn đến năm 2030 sẽ phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Vấn đề quan trọng là nhận diện được đầy đủ những cơ hội và thách thức đó để có được những giải pháp phù hợp nhằm phát huy được những cơ hội và hạn chế tác động của những thách thức để du lịch Quảng Nam phát triển một cách bền vững…”, PGS. TS. Phạm Trung Lương nói.

Định hướng phát triển du lịch đến năm 2030, ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Nam - cho hay, tỉnh Quảng Nam phải tập trung chỉ đạo sâu sắc, toàn diện hơn nữa để du lịch phát triển và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như chủ trương, định hướng đã đề ra.

“Tăng đầu tư hạ tầng du lịch tương xứng với tiềm năng và định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đặc biệt là hạ tầng tại các khu, tuyến, điểm du lịch; đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch phù hợp với thị trường, mục tiêu của tỉnh. Tăng cường liên kết hợp tác vùng, xã hội hóa công tác quảng bá xúc tiến du lịch; phát triển các ngành dịch vụ và công nghiệp hỗ trợ cho du lịch…”, ông Nguyễn Thanh Hồng phát biểu.

Công Bính