Du lịch mới có thể giúp Tây Bắc thoát nghèo

(Dân trí) - Cần rà soát xem Tây Bắc có gì? Đó là cảnh quan lạ, đẹp; khí hậu tốt cho sức khỏe; văn hóa đa dạng; nhiều đặc sản.. Từ đó cần có những nghiên cứu xem có những mối liên hệ nào trong toàn vùng Tây Bắc để tiến tới quy hoạch vùng, quy hoạch liên kết vùng mới phát triển bền vững được.

Đây là câu hỏi được các đại biểu tham gia buổi tọa đàm “cơ chế chính sách thúc đẩy liên kết vùng Tây Bắc” mới được tổ chức hôm 24.10 vừa qua.

Với nhiều sự tương đồng về địa hình, vị trí của khu vực biên giới, có thể nói 8 tỉnh Tây Bắc (gồm Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Bắc Kạn) có chung tiềm năng và điều kiện phát triển kinh tế-xã hội.Tuy nhiên đây vẫn là khu vực nghèo nhất cả nước; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nói chung còn yếu kém, đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn.

Du lịch mới có thể giúp Tây Bắc thoát nghèo - 1

Trong buổi tọa đàm này, vấn đề chính được thảo luận để tìm ra giải pháp, cơ chế là tìm cách đẩy mạnh kết nối phát triển mạng lưới giao thông, từ đó mở đường cho du lịch phát triển, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo cho các tỉnh trong vùng.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Chủ tịch Hội văn hóa Dân gian cho rằng, nếu 300 du khách quốc tế đến Sa Pa thì chỉ có 29 vị khách đi tiếp sang Hà Giang và 10 khách sang Lai Châu - Điện Biên, còn lại là trở về Hà Nội. Điều này cho thấy sự liên kết du lịch giữa các địa phương còn lỏng lẻo và thiếu hấp dẫn.

Tại đây  diện lãnh đạo các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng cũng đã có ý kiến đóng góp cho việc tìm ra giải pháp thúc đẩy liên kết vùng để phát triển du lịch từ đó khai thác phát huy được tiềm năng thế mạnh của Tây Bắc góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo để giữ gìn vững chắc khu vực biên cương, phên dậu của đất nước.

Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Phùng Xuân Nhạ cho hay tất cả những ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được thống nhất trong một báo cáo để trình Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, đồng thời đây cũng là cơ sở cho việc xây dựng hoạch định chính sách, xác định hướng phát triển lâu dài cho khu vực Tây Bắc giai đoạn 2016-2020 tầm nhìn 2030.

Hồng Hạnh