Du lịch ế vì vé máy bay đắt: Việt Nam làm gì để không "thua trên sân nhà"?

PV

(Dân trí) - Du lịch Việt đang đứng trước bài toán khó hậu đại dịch khi giá vé máy bay đắt đỏ khiến nhu cầu nghỉ dưỡng nội địa có dấu hiệu giảm sút.

Trong khi Hong Kong tặng 500.000 vé máy bay miễn phí cho du khách để thúc đẩy ngành du lịch, Malaysia kêu gọi các hãng hàng không giảm giá vé mùa lễ hội để phục vụ nhu cầu và phúc lợi cho người dân… thì một nghịch lý đang xảy ra tại Việt Nam, khi du khách như bị "đuổi" khỏi sân nhà với màn tăng giá vé máy bay phi mã.

Giá vé nội địa đắt phi lý, khách Việt quay lưng với du lịch trong nước

Nhân dịp gia đình tề tựu đầy đủ thành viên, chị Khánh Vân (Hà Nội) lên kế hoạch du lịch Tết từ sớm cho 10 người. Điểm đến chị Vân yêu thích là Phú Quốc, tuy nhiên, sau khi tham khảo giá vé máy bay, cả gia đình chị đã nhất trí đổi địa điểm.

"Giá vé rẻ nhất đi Phú Quốc cũng lên tới 5 triệu đồng/vé, tổng tiền vé máy bay khứ hồi cho 10 người là 100 triệu đồng. Trong khi đó, giá trọn gói 1 tour Thái Lan gồm cả di chuyển, ăn chơi, ngủ nghỉ tẹt ga cũng chỉ từ 7,9 triệu đồng/người cho tour 5 ngày, quá hời nên gia đình tôi quyết định "quay xe" đặt tour đi Thái", chị Vân chia sẻ.

Cách đây ít ngày, các hãng hàng không nội địa vừa mở bán vé máy bay Tết. Theo khảo sát, rất nhiều chặng bay tới các điểm du lịch đều có mức giá rất cao.

Du lịch ế vì vé máy bay đắt: Việt Nam làm gì để không thua trên sân nhà? - 1

Phú Quốc trải qua mùa du lịch hè đầy chật vật vì giá vé máy bay tăng cao (Ảnh: H.T).

Đơn cử, giá vé khứ hồi hạng phổ thông chặng TP.HCM - Hà Nội trong khoảng 25 Tết Giáp Thìn đến Rằm tháng Giêng có giá là 4,8-7 triệu đồng/chiều. Chặng bay tới các thành phố du lịch như Phú Quốc, Nha Trang… cũng đắt không kém, đơn cử như chặng Hà Nội - Nha Trang khoảng 4-6,8 triệu đồng/chiều.

Mức giá này tiệm cận với giá các tour du lịch trọn gói quốc tế, thậm chí còn đắt hơn một số tour đi các điểm du lịch nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á.

Dạo quanh một vòng thị trường, vé trọn gói tour đi Thái Lan 5 ngày dịp Tết dao động 7,9-9 triệu đồng/người, tour 4 ngày cũng chưa đến 5 triệu đồng/người, đã bao gồm vé máy bay, khách sạn 3-4 sao và các dịch vụ đưa đón, hướng dẫn khác…

Thực tế, vấn đề tour ngoại trọn gói rẻ hơn vé máy bay nội địa không quá xa lạ. Từ nhiều năm  trước, cứ đến các dịp nghỉ lễ, Tết, giá vé máy bay lại có xu hướng tăng cao ngất ngưởng, tác động không nhỏ đến du lịch nội địa.

Đơn cử như đợt nghỉ lễ 30/4-1/5, trong khi vé máy bay khứ hồi các chặng như Hà Nội - Phú Quốc bị đẩy lên 9-10 triệu đồng thì giá tour nước ngoài lại rất ưu đãi.

Tour đi Bali (Indonesia) 4 ngày chỉ từ 10,9 triệu đồng; Singapore, Malaysia từ 14,4 triệu đồng; Hàn Quốc 5 ngày từ 14,9 triệu đồng….  Thống kê cho thấy, có tới 70% khách du lịch Việt đặt tour đi nước ngoài trong dịp lễ này.

Học hỏi kinh nghiệm thế giới, tránh cảnh "mạnh ai nấy làm"

Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân gây "chảy máu du lịch" là do chính sách "một mình một ngựa" của ngành hàng không. Giá vé cao đang làm khó du khách và nhiều công ty lữ hành, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ngành du lịch trong nước.

Nhìn ra thế giới, những năm gần đây, ngành du lịch các nước đã và đang nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ cơ quan quản lý để liên kết với các hãng hàng không, đơn vị cung cấp dịch vụ, từ đó giúp giảm giá vé máy bay, giá tour nhằm kích cầu du lịch.

Tại Thái Lan, hàng loạt chính sách đã và đang được tiến hành giúp tăng tần suất chuyến bay, giảm giá vé. Năm 2020, Chính phủ nước này đã trợ giá 2 triệu vé máy bay với hạn mức 70 USD/người, trợ giá 5 triệu đêm lưu trú đối với khách sạn và 40% giá đối với phòng nghỉ bình thường.

Đến năm 2023, Thái Lan đang có các biện pháp khuyến khích các hãng hàng không trả lại "slot bay" (suất bay) không thể khai thác để phân bổ lại, giúp tăng tần suất, giảm giá vé.

Nước này thậm chí còn lên kế hoạch mua một số chỗ trống của lực lượng không quân tại các sân bay, giúp tăng số lượng chuyến bay thương mại lên 100-150 chuyến mỗi ngày.

"Chính phủ sẽ thúc đẩy ngành du lịch trên mọi phương diện, bao gồm các vấn đề liên quan đến hãng hàng không, sân bay, an ninh, miễn thị thực cho một số quốc gia và gia hạn thời gian lưu trú…", Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin cho biết.

Du lịch ế vì vé máy bay đắt: Việt Nam làm gì để không thua trên sân nhà? - 2

Thu nhập của người dân Việt Nam còn thấp, nên với rào cản giá vé máy bay tăng cao khiến du lịch trong nước luôn đi sau các nước (Ảnh: Thế Hưng).

Tương tự, Malaysia cũng đã đẩy mạnh các hoạt động kích cầu để tăng cạnh tranh về du lịch. Mới đây, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Anthony Loke đã kêu gọi các hãng hàng không trong nước điều chỉnh hoặc giảm giá vé máy bay cho mùa lễ hội sắp tới để phục vụ nhu cầu và phúc lợi của người dân.

Hong Kong thậm chí còn tặng vé máy bay miễn phí cho du khách để thúc đẩy ngành du lịch. Từ tháng 3/2023, Tổng cục Du lịch Hong Kong đã tặng 500.000 vé máy bay cho du khách quốc tế và nội địa, trong đó khoảng 80.000 vé dành cho người dân Hong Kong.

Ông Fred Lam, Giám đốc điều hành cơ quan quản lý sân bay Hong Kong cho biết: "Mặc dù chỉ phát 500.000 vé máy bay nhưng chúng tôi tin rằng nó sẽ thu hút hơn 1,5 triệu khách du lịch".

Tương tự, cũng nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế và thúc đẩy ngành du lịch địa phương, bang Queensland (Australia) đã kích cầu du lịch bằng cách bổ sung hơn nửa triệu ghế giá rẻ khứ hồi trên các tuyến quốc tế của Jetstar đến sân bay Brisbane.

Các nhà chức trách kỳ vọng sẽ mang lại lượng khách du lịch tăng vọt và tạo điều kiện kết nối với các điểm nóng du lịch trên toàn bang, tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế địa phương.

Đánh giá cao loạt chính sách kích cầu của các nước, các chuyên gia cho rằng, để không "thua ngay trên sân nhà", Việt Nam cần sớm học tập kinh nghiệm thế giới từ đó có các giải pháp giảm giá vé, kích cầu du lịch.

"Đây là lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc để dẫn dắt, liên kết, tránh cảnh "mạnh ai nấy làm", gây thiệt hại cho cả ngành du lịch và rộng hơn là cả nền kinh tế", một chuyên gia lâu năm trong ngành du lịch lên tiếng.