Du khách Việt bỏ trốn: Trách nhiệm thuộc về ai?

(Dân trí) - Tình trạng như ở Isarel vừa qua rõ ràng là một sự cố tình, có bàn tay, có tổ chức hẳn hoi. Đây là sự vi phạm pháp luật về xuất nhập cảnh, nó làm xấu đi hình ảnh của đất nước Việt Nam. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?

Việc du khách Việt bỏ tour và tìm cách trốn ở lại bất hợp pháp tại Israel gây nhiều khó khăn cho các cơ quan chức năng cả 2 nước trong việc tìm kiếm và trục xuất người bỏ trốn về nước…

Du khách Việt bỏ trốn: Trách nhiệm thuộc về ai?
“Tình trạng như ở Isarel vừa qua rõ ràng là một sự cố tình, làm xấu đi hình ảnh của đất nước Việt Nam"

Trên thực tế, việc khách du lịch Việt Nam trốn ra nước ngoài qua con đường du lịch là không hiếm. Vụ việc xảy ra ở Isarel chỉ là một ví dụ điển hình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi những vụ việc khách du lịch bỏ trốn qua đường du lịch tại Hồng Kông (Trung Quốc), Hàn Quốc thậm chí là Thái Lan đã xảy ra từ lâu. Tuy nhiên việc bỏ trốn cả đoàn như vụ việc mới đây là trường hợp hy hữu.

Điều này khiến không ít công ty du lịch bất ngờ. Không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, các đối tượng bỏ trốn còn làm ảnh hưởng tới mối quan hệ bang giao hai nước.

Một số doanh nghiệp cho rằng, hiện nay tình trạng người Việt Nam xuất ngoại “chui” ra nước ngoài bằng hình thức đi du lịch rất phức tạp. Ðây thực chất là một kiểu vượt biên, có tổ chức.

Trao đổi với PV Dân trí ngày 17/1, ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng: “Tình trạng như ở Isarel vừa qua rõ ràng là một sự cố tình, có bàn tay, có tổ chức hẳn hoi. Đây là sự vị phạm pháp luật về xuất nhập cảnh, nó làm xấu đi hình ảnh của đất nước Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị tinh thần và vật chất của ngành du lịch do đó cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để làm rõ vấn đề này”.

Thực tế, Việt Nam chúng ta là nước rất hay bị lên án do có nhiều người trốn ở lại theo kiểu này. Ðây là những mảng xám đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được ngành du lịch quan tâm, có biện pháp chấn chỉnh.

Cũng theo ông Bình, cần phải khởi tố những vụ tương tự như vậy. Trong đó đơn vị lữ hành đã tổ chức tour này sẽ là đối tượng liên đới. Tuy là một công ty lữ hành có giấy phép nhưng dù sao khi công ty này lên quan trực tiếp đến vụ việc thì vẫn phải chịu một phần trách nhiệm.

“Đây cũng là một kinh nghiệm xương máu để các công ty lữ hành quản lý chặt chẽ khách của mình”, ông Bình cho hay.

Trước sự việc trên, nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, trước vụ việc này trách nhiệm không chỉ của doanh nghiệp tổ chức tour mà còn là trách nhiệm của Tổng cục Du lịch trong công tác quản lý của mình.

Theo số liệu từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam ước tính, năm 2012, có khoảng 3,5 triệu lượt người Việt Nam đi du lịch nước ngoài. Việc các cá nhân lợi dụng con đường du lịch để bỏ trốn đang gây thiệt hại không nhỏ cho các lữ hành cũng như uy tín, hình ảnh quốc gia.

Song An - Minh Phan