Đông Ngạc - làng cổ yên bình giữa đất Hà Thành

(Dân trí) - Nằm sát bên bờ sông Hồng, Đồng Ngạc không chỉ nổi tiếng bởi vẻ đẹp cổ kính, đặc sắc bậc nhất Hà Nội mà còn là ngôi làng có nhiều người đỗ đạt cao nhất thời phong kiến.

Mong muốn được tìm hiểu và khám phá những điều thú vị từ các ngôi làng cổ ở Việt Nam, tôi đã tìm đến Đông Ngạc, ngôi làng nằm cách trung tâm Hà Nội hơn 10km, thuộc địa phận huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Đi dọc theo con đường lát gạch nghiêng cổ kính, nhìn ngắm những ngôi nhà cổ được bao phủ nhiều lớp rêu phong và mái ngói đã đổi màu, tôi như được đắm chìm vào dĩ vãng của thời xa xưa.

Hiện trong làng Đông Ngạc vẫn còn tồn tại rất nhiều chiếc cổng cổ kính.

Hiện trong làng Đông Ngạc vẫn còn tồn tại rất nhiều chiếc cổng cổ kính.

Được biết, thôn Đông Ngạc gồm 12 xóm, trong đó có 6 xóm được thiết kế theo kiến trúc cổ. Mỗi xóm trong làng đều có cổng trước, cổng sau, được xây dựng với nhiều đường nét, họa tiết, hoa văn cổ kính. Đây cũng chính là nơi mà người dân trong làng gửi gắm biết bao niềm vui, nỗi buồn mỗi sớm tối đi về.

Hiện nay, Đông Ngạc tồn tại hàng chục ngôi nhà cổ có thời gian xây dựng trên 100 năm, trong đó, nhiều ngôi nhà gỗ được đục chạm công phu. Vào thăm ngôi nhà của gia đình cô Lưu Thị Hà, xóm 3 Đông Ngạc, tôi được biết: Ngôi nhà của gia đình được xây dựng cách đây hơn 100 năm, dù một số bộ phận của ngôi nhà đã bị xuống cấp nhưng gia đình chỉ sửa chữa chứ không phá bỏ nhằm giữ gìn vẻ đẹp vốn có.

Ngoài nhà cổ, làng Đông Ngạc còn lưu giữ được nhiều từ đường cổ kính của các dòng họ khác nhau như họ Đỗ, họ Phạm...

Một trong những ngôi nhà cổ tại Đông Ngạc

Một trong những ngôi nhà cổ tại Đông Ngạc

Tiếp tục sải bước trên những con đường lát gạch nghiêng cổ kính, tôi đến thăm ngôi đình làng Đông Ngạc. Đây là ngôi đình nổi tiếng có quy mô lớn với nhiều hạng mục công trình và các thành phần kiến trúc cổ kính tồn tại từ thế kỷ 17.

Ban quản lý đình Đông Ngạc cho biết: Đình được xây dựng trên một thế đất cao ráo, đắc địa ở phía Bắc làng. Đình thờ ba vị thần tượng trưng cho cả “thiên, địa, nhân”; ngoài ra, đình còn thờ tiến sĩ Phạm Quang Dung là người làng có công đứng ra trùng tu đình năm 1718 và Phạm Thọ Lý, người đã cung tiến đất làm đình lần đầu năm 1635. Hiện trong đình còn lưu giữ bộ tranh sơn mài thời nhà Lê và những tấm bia đã ghi lại quá trình thủy tạo xây dựng đình và những lần trùng tu lớn.

Những tấm bia đá được lưu giữ ở đình làng Đông Ngạc.
Những tấm bia đá được lưu giữ ở đình làng Đông Ngạc.

Đông Ngạc xưa nay không chỉ được biết đến bởi vẻ đẹp cổ kính, đặc sắc vào bậc nhất của Hà Nội mà ngôi làng còn là nơi có nhiều người đỗ đạt cao nhất thời phong kiến. Ngồi trò chuyện với các cụ cao niên trong làng, tôi được biết: Xưa kia, vì cuộc sống nghèo khó nên người dân nơi đây không kể sớm hôm vất vả, miệt mài với đèn sách nhằm có cơ hội đỗ đạt cao.

Nếu như thời phong kiến làng đã có 25 tiến sĩ Hán học, 6 tiến sĩ Vọng và gần 400 cử nhân, tú tài thì tới nay số người có học vị tiến sĩ là người gốc Đông Ngạc đã lên tới gần 100 người.

Với lịch sử, văn hóa giáo dục truyền thống được cha ông để lại, ngày nay, số lượng các em học sinh trong làng đỗ đại học đều tăng liên tục qua các năm.

Kết thúc một ngày dài tìm hiểu và khám phá những điều thú vi về ngôi làng cổ Đông Ngạc, tôi ra về vào thời điểm mặt trời xuống bóng. Rời khỏi nơi đây, đằng sau sự nhộn nhịp trong các hoạt động của người dân, tôi vẫn cảm nhận được những nét văn hóa truyền thống như được ăn sâu, bám rễ vào mỗi con người nơi đây.

Nhữ Trang