Doanh nghiệp lữ hành nói gì về “Tour du lịch Formosa”?

(Dân trí) - Ý tưởng “Tour du lịch Formosa” vừa được công bố đã vấp phải rất nhiều quan điểm trái chiều, chủ nhân ý tưởng TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh và đại diện một số doanh nghiệp lữ hành trong nước đã lên tiếng xoay quanh vấn đề này.

Về ý tưởng "Tour du lịch Formosa - Huyền thoại Cá Thép hóa Rồng"

Vừa qua, Liên hiệp khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) đã tổ chức hội thảo: Đánh thức du lịch biển miền Trung bằng tư duy sáng tạo đột phá.

Hội thảo điểm lại thực trạng 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế,… đã và đang đứng trước những khó khăn thách thức do thảm hoạ môi trường từ nhà máy thép Formosa. Hiện tượng cá chết hàng loạt trong thời gian kéo dài đã dẫn đến nguy cơ sẽ chấm dứt sự tồn tại của các ngành kinh tế biển quan trọng như du lịch và hải sản,…

Doanh nghiệp lữ hành nói gì về “Tour du lịch Formosa”? - 1

Tại hội thảo, TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh (Chủ tịch Liên hiệp Khoa học Phát triển Du lịch Bền vững) đã công bố bộ sản phẩm du lịch mới của STDe, với tên gọi: Tour du lịch Formosa - Huyền thoại Cá Thép hóa Rồng với mong muốn góp phần tháo gỡ khó khăn trên của 4 tỉnh miền Trung.

TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh khẳng định, Tour du lịch Formosa - Huyền thoại Cá Thép hóa Rồng là mô hình khai thác du lịch theo tư duy đột phá, tập trung khai thác các khía cạnh văn hóa và tinh thần tiềm ẩn của Cá và Thép để sáng tạo nên những trải nghiệm du lịch độc đáo, hấp dẫn và giàu tính nhân văn.

“Khách du lịch đến miền Trung được trải nghiệm về huyền thoại Cá thép, tìm hiểu nguồn gốc và lịch sử của loài cá, niềm vui và nỗi buồn của loài cá cũng như giấc mơ hoá Rồng của chúng... Thông điệp của sản phẩm này là: “Cá có thể chết đi nhưng linh hồn của Cá thì sẽ còn tồn tại mãi mãi”, bà Hạnh nói.

"Một ý tưởng mới bao giờ chả gặp những ý kiến trái chiều…"

STDe đã đề xuất Tour du lịch Formosa kết nối các địa điểm: Làng chài “Cá Gỗ” - Nơi nàng cá sinh ra và lớn lên (địa điểm tại Bãi biển Thiên Cầm- Hà Tĩnh), Khu du lịch Cá - Thép - nơi xảy ra mối tình của nàng cá và chàng thép (Vị trí tại Đèo con - Khu Công nghiệp Vũng Áng - Hà Tĩnh), Khu du lịch Cá - Cát ( Bãi biển Nhật Lệ- Quảng Bình), Khu du lịch “Thép đã tôi thế đấy) là nơi chàng Cá - Thép tu tập để vượt Cổng Vũ Môn (địa điểm: bãi biển Triệu An- Quảng Trị), Khu du lịch Cá - Rồng: Nơi Cá - Thép tái sinh và hoá Rồng (địa điểm: bãi biển Lăng Cô- Huế).

TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh (ngoài cùng bên phải) tác giả ý tưởng “Tour du lịch Formosa”.
TS.KTS. Nguyễn Thu Hạnh (ngoài cùng bên phải) tác giả ý tưởng “Tour du lịch Formosa”.

Trả lời phỏng vấn của PV Dân trí về việc đối diện thế nào trước những quan điểm trái chiều của dư luận về ý tưởng trên, bà Hạnh cho biết: “Chúng tôi đã lường trước những khó khăn này ngay từ đầu. Nhưng là tổ chức nghiên cứu khoa học phi lợi nhuận với sứ mệnh “Thay đổi tư duy xã hội trong việc khai thác tài nguyên để tạo ra bước đột phá cho du lịch Việt Nam”, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận những khó khăn đó.

Khi một ý tưởng mới, một hướng đi mới, một cách thức làm ăn mới ra đời bao giờ chả gặp những ý kiến trái chiều… Chúng tôi luôn trân trọng những ý kiến đóng góp của dư luận nếu như nó được góp ý trên nền tảng của sự hiểu biết và đầy đủ thông tin về dự án”.

Nên đổi tên tour và trả lời triệt để câu hỏi về chất lượng du lịch

Thông tin về Ý tưởng “Tour du lịch Formosa” vừa được công bố đã gây sự tranh cãi trong dư luận với những quan điểm trái chiều, công luận có ý kiến cho rằng đây là ý tưởng “thảm họa” và “phản cảm”. Để rộng đường dư luận, PV Dân trí cũng liên hệ phỏng vấn đại diện các đơn vị lữ hành về ý tưởng nói trên.

Ông Hồng Đài - Giám đốc APT Travel.
Ông Hồng Đài - Giám đốc APT Travel.

Ông Hồng Đài - Giám đốc công ty Du lịch APT Travel bày tỏ: “Vai trò của các công ty du lịch, trong đó của APT Travel luôn ủng hộ sự phát triển các ý tưởng du lịch nhân văn. Tạo thêm công ăn, việc làm cho người dân là trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp. Tuy nhiên tên Tour du lịch nên được cân nhắc lại phù hợp hơn, không nên để là “Tour du lịch Formosa” vì như vậy đồng nghĩa với việc nhắc lại một câu chuyện buồn, có thể đặt tên là “Tour trở lại miền Trung”.

Hơn nữa, các doanh nghiệp chờ đợi những giải pháp phối hợp cụ thể từ các cơ quan chức năng với các văn bản, số liệu về thực trạng khảo sát lại tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ môi trường từ nhà máy thép Formosa.

Thực tế cho thấy, lượng khách du lịch miền Trung chủ yếu khách nội địa cao hơn lượng khách quốc tế. Đây là thời kì thấp điểm của khách nội địa, chính vì vậy cũng là lúc để doanh nghiệp khảo sát và chuẩn bị các điều kiện cụ thể cho hoạt động du lịch. Việc thu hút khách du lịch phải dựa trên cả hai tiêu chí: Chất lượng sản phẩm và truyền thông.

Doanh nghiệp du lịch có trách nhiệm kiểm tra, minh chứng để trả lời cho khách hàng chất lượng các dịch vụ từ khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng, địa điểm vui chơi,... như thế nào sau một thời gian vắng khách. Câu chuyện quan trọng hơn là chất lượng thực phẩm ra sao. Có giải đáp được triệt để những câu hỏi trên thì khách du lịch mới an tâm chọn điểm đến”.

"Cần có sự chuẩn bị kĩ lưỡng và minh bạch"

Ông Lê Công Năng - Trưởng phòng Truyền thông, Công ty Du lịch Vietrantour chia sẻ quan điểm, thời gian vừa qua, thảm hoạ môi trường từ nhà máy thép Formosa đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân ở hai lĩnh vực thế mạnh là hoạt động du lịch và đánh bắt hải sản.

Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh Quảng Bình đã có một sáng kiến chuyển các tour du lịch biển sang trọng tâm là các tour khám phá hang động. Trên thực tế, ở nhiều nước châu Á ít tài nguyên thiên nhiên, họ đã sáng tạo tour du lịch như: trở lại những vùng đất từng chịu thảm họa như Nhật Bản hay ở Hàn Quốc họ có tour thăm các công ty, doanh nghiệp điện tử hàng đầu,...

“Trở lại câu chuyện ở các tỉnh miền Trung, với tỉnh có thế mạnh hang động như Quảng Bình có thể thay đổi hướng du lịch nhưng còn các tỉnh khác thì sao? Chính vì thế, tôi nghĩ xuất phát điểm của những người đưa ra ý tưởng Tour du lịch Formosa là tích cực, muốn thông qua đó tạo việc làm cho người lao động và nâng cao nhận thức của người dân về việc khôi phục hệ thiên nhiên trong lành. Không nên chỉ vì một thảm họa mà bài trừ miền Trung khỏi điểm đến du lịch.

Tuy nhiên, để dự án đi vào thực tiễn thì cần thực hiện minh bạch để khách du lịch có thể thấy được một cách trực quan những bồi thường của đơn vị gây ra thảm họa bằng những dẫn chứng, số liệu, việc làm cụ thể”, ông Lê Công Năng nhận định.

Ông Lê Công Năng đánh giá: “Nếu đề án đi vào thực hiện ở giai đoạn này không phải là một lựa chọn khôn ngoan bởi trong một thời gian ngắn sau thảm họa chưa thể có một sự thay đổi thần kì, điểm mấu chốt nằm ở đó. Tuy nhiên không nên có cái nhìn bài trừ mà hãy cho tác giả ý tưởng có thêm thời gian chứng minh. Nếu có sự chuẩn bị kĩ lưỡng và minh bạch, trong tương lai, đây hoàn toàn có thể là một sản phẩm du lịch tạo sự chuyển biến tích cực”.

Phương Nhung