DMagazine

Doanh nghiệp lữ hành "kiệt sức" trong bão Covid-19

(Dân trí) - Mỗi ngày, Tổng cục Du lịch phải ký khoảng 9-10 quyết định chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp Lữ hành quốc tế vì lý do kinh doanh khó khăn doanh thu giảm sút phải chuyển hướng hoạt động.

Hiện nay, mỗi ngày, Tổng cục Du lịch phải ký khoảng 9-10 quyết định chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp Lữ hành quốc tế vì lý do kinh doanh khó khăn, vì dịch bệnh hoặc doanh thu giảm sút phải chuyển hướng hoạt động, thậm chí phá sản.

Chia sẻ với PV, ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, đây là giai đoạn khó khăn của toàn ngành du lịch. Tuy nhiên, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, trong bối cảnh hiện nay, ngành Du lịch tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh, vừa xây dựng các kịch bản, kế hoạch kích cầu du lịch sau khi dịch bệnh được khống chế.

Doanh nghiệp lữ hành kiệt sức trong bão Covid-19 - 1

Dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp khi các ca nhiễm mới và tốc độ lây lan liên tục tăng cao. Cùng với hàng không, du lịch là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hoạt động cầm chừng, doanh thu âm liên tục trong nhiều tháng, các đơn vị lữ hành tại Việt Nam đang “chới với” bên bờ vực phá sản. Có thể nói, chưa bao giờ du lịch phải đối mặt với tình trạng “đóng băng” khó khăn như thời điểm này, thưa ông?

Dịch Covid-19 xảy ra vào đúng mùa cao điểm đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam và mùa du lịch lễ hội, tâm linh của khách nội địa. Dịch bệnh diễn biến khó lường và tác động tiêu cực chưa từng có đến ngành Du lịch thế giới, trong đó có Việt Nam.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp lữ hành và dịch vụ du lịch (doanh nghiệp du lịch), tình trạng hủy tour, hủy đặt phòng, hủy dịch vụ của khách du lịch diễn ra ồ ạt, nên lượng khách du lịch và doanh thu du lịch rơi theo chiều thẳng đứng. Doanh nghiệp du lịch Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên rất dễ tổn thương do dịch. Các doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn rất lớn, nhiều doanh nghiệp phải chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc giảm việc làm, hoạt động cầm chừng để chờ phục hồi hậu dịch, chuyển đổi mục đích kinh doanh, thậm chí phá sản.

Doanh nghiệp lữ hành kiệt sức trong bão Covid-19 - 2

Thông tin ban đầu từ một số doanh nghiệp lữ hành quốc tế, lượng khách mua tour giảm mạnh, tình trạng hủy tour rất lớn. Công ty Lữ hành Saigontourist tháng 2 giảm 80%, tháng 3 giảm 90% tổng lượng khách, doanh thu sụt giảm 500 tỷ đồng/tháng; Công ty TNHH Tiếp thị và Giao thông vận tải (Vietravel), tháng 2 giảm 40%, tháng 3 giảm 80%, tháng 4 giảm 90% tổng lượng khách; Công ty Lữ hành Hanoitourist giảm 70-80% khách; Công ty TNHH Exotissimo khai thác thị trường khách Châu Âu, tháng 2 giảm 10%, tháng 3 giảm 50%; tháng 4 giảm 70-80…

Hiện nay, mỗi ngày, Tổng cục Du lịch phải ký khoảng 10 quyết định chấm dứt hoạt động của các doanh nghiệp Lữ hành quốc tế vì lý do kinh doanh khó khăn, vì dịch bệnh hoặc doanh thu giảm sút phải chuyển hướng hoạt động.

Có thể nói sức mạnh của ngành du lịch nằm ở các doanh nghiệp du lịch, với tình trạng các doanh nghiệp phá sản, chấm dứt hoạt động như thế này đang là điều rất đáng lo ngại cho sự phát triển trong tương lai của ngành.

Doanh nghiệp lữ hành kiệt sức trong bão Covid-19 - 3

Năm 2020 Việt Nam đặt mục tiêu đón khoảng 20,5 triệu lượt du khách quốc tế, phục vụ 90 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 830.000 tỷ đồng.Tuy nhiên trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, mục tiêu này là rất khó đạt được, thưa ông?

Năm 2019, du lịch Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế, đạt mức tăng trưởng 16,2% so với năm 2018, cao thứ hai trong khu vực (chỉ sau Myanmar 23%). Trong đó các thị trường như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan duy trì mức tăng trưởng cao 2 chữ số, thị trường Thái Lan tăng trưởng đột biến (46%).

Sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19 bước đầu đã gây ra thiệt hại rất nặng nề đối với ngành du lịch trong ngắn và trung hạn, đặc biệt là sự sụt giảm của lượng khách từ tất cả các thị trường khách.Trong tháng 2 và tháng 3, hầu hết các chỉ tiêu của ngành Du lịch đều giảm trầm trọng so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng 2 năm 2020, du lịch Việt Nam đã đón 1,2 triệu lượt khách, giảm 37,7% so với cùng kỳ năm 2019. Tính tổng trong 2 tháng đầu năm 2020, du lịch Việt Nam đã đón 3,2 triệu lượt khách, chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tháng 3/2020 Du lịch Việt Nam đón 450.000 lượt KQT, giảm 68% so với cùng kỳ 2019, giảm 63% so với tháng 2/2020; tổng 3 tháng đầu năm 2020 du lịch Việt Nam đón 3,7 triệu lượt KQT, giảm 18,1% so với cùng kỳ 2019. Một số thị trường hàng đầu giảm rất sâu như: Trung Quốc: 91,5%; Hàn Quốc 91,4%, Nhật Bản: 54,7%, Đài Loan: 65,8%, Mỹ: 71,4%, Ý: 79,1%...

Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay chắc chắn sẽ không đạt các chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020 là đón 20,5tr lượt khách quốc tế.

Doanh nghiệp lữ hành kiệt sức trong bão Covid-19 - 4

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”, trong bối cảnh hiện nay, ngành Du lịch tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh, vừa xây dựng các kịch bản, kế hoạch kích cầu du lịch, kế hoạch quảng bá xúc tiến tại các thị trường sau khi dịch bệnh được khống chế.

Hiện nay, Tổng cục Du lịch đang phối hợp với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VietnamAirlines) lấy ý kiến các địa phương, doanh nghiệp về chương trình kích cầu du lịch Việt Nam, đồng thời xây dựng Kế hoạch xúc tiến du lịch nhằm tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách du lịch quốc tế ngay sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế. Tuy nhiên nhiệm vụ quan trọng nhất, trực tiếp, trước mắt của ngành du lịch hiện nay là chống dịch, bảo vệ doanh nghiệp du lịch và bảo vệ khách du lịch trước hậu quả của dịch.

Doanh nghiệp lữ hành kiệt sức trong bão Covid-19 - 5

Theo kết quả khảo sát nhanh của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, nếu dịch bệnh Covid-19 kéo dài 6 tháng thì gần 74% số doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản do doanh thu không thể bù đắp chi phí hoạt động. Đây là thách thức lớn cho các ngành kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng, duy trì hoạt động trong giai đoạn khó khăn này, phía Tổng cục có đề xuất và hỗ trợ gì, thưa ông?

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có chính sách hỗ trợ kịp thời và đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp du lịch giảm thiểu khó khăn, thiệt hại, giúp doanh nghiệp du lịch cầm cự, chờ đợi phục hồi, góp phần đưa ngành Du lịch dần trở lại với hoạt động bình thường, cụ thể như sau:  

Doanh nghiệp lữ hành kiệt sức trong bão Covid-19 - 6

1) Miễn thuế giá trị gia tăng (VAT) cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong Quý I, Quý II và Quý III năm 2020; giảm 50% thuế VAT cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch trong Qúy IV năm 2020 và Quý I năm 2021; giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể trong năm 2020.

2) Cho phép doanh nghiệp du lịch và hướng dẫn viên du lịch chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021.

3) Giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất cho các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch, khu vui chơi giải trí năm 2020 nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi kinh doanh.

4) Áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ.

5) Triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch (nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải du lịch, khu du lịch, vui chơi giải trí): Giảm lãi suất vay từ 3%/năm đồng thời kéo dài thời gian ân hạn, chậm trả lãi vay, có các khoản vay ưu đãi mới...

6) Ngân hàng nhà nước giảm các loại phí, lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại mà không ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát; xem xét cho ngân hàng thương mại gia tăng nợ xấu quá hạn, nợ xấu của nhóm các ngành kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp để cơ cấu lại nợ tại các ngân hàng thương mại, đồng thời có những khoản vay ưu đãi không lãi suất hoặc lãi suất thấp để có chi phí trả lương cho đội ngũ cán bộ công nhân viên.

7) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đào tạo, tập huấn kiến thức và kỹ năng cho nguồn nhân lực phục vụ trong ngành du lịch, Bộ Tài chính bố trí nguồn kinh phí tổ chức đào tạo, tập huấn. Ngoài ra chúng tôi còn đề nghị có các chính sách cởi mở thị thực nhập cảnh, chính sách về truyền thông, xúc tiến, quảng bá mở rộng thị trường du lịch, nhưng tình hình dịch chuyển biến quá nhanh, chỉ trong 10 ngày qua các đề xuất đó đã trở nên lạc hậu.  

Doanh nghiệp lữ hành kiệt sức trong bão Covid-19 - 7
Doanh nghiệp lữ hành kiệt sức trong bão Covid-19 - 8

Năm 2003, ngành Du lịch Việt Nam cũng từng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch SARS. Khi đó, chúng ta cũng đã phải mất 9 tháng mới có thể phục hồi, đạt tốc độ tăng trưởng. Đại dịch Covid-19 lần này về mức độ và quy mô ảnh hưởng được cho là lớn hơn rất nhiều, ngành du lịch liệu sẽ phải mất bao lâu để phục hồi lại thưa ông?

Trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch bệnh Covid-19, chưa xác định thời điểm kết thúc dịch, quy mô và phạm vi tác động của dịch bệnh đến nhiều quốc gia trên thế giới, ngành Du lịch đã xây dựng nhiều kịch bản tăng trưởng trong ngắn hạn.

Trong đó, nếu dịch bệnh được khống chế vào tháng 4 năm 2020, ngành Du lịch sẽ phục hồi vào tháng 11/2020, khách quốc tế sẽ giảm thêm khoảng 1,5 triệu lượt nên cả năm 2020 sẽ đạt từ 10 – 11 triệu. Tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt khoảng 270 nghìn tỷ đồng, tương đương 11,7 tỷ đô-la Mỹ.

Doanh nghiệp lữ hành kiệt sức trong bão Covid-19 - 9

Khách nội địa dự kiến giảm tối thiểu 60% so với kế hoạch của năm 2020, chỉ đạt 36 triệu lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch nội địa đạt khoảng 140 nghìn tỷ đồng, tương đương 6 tỷ đô-la Mỹ.

Tổng thu từ khách du lịch năm 2020 đạt khoảng 410 nghìn tỷ đồng, thiệt hại 420 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên quan điểm cá nhân tôi cho rằng, để hết dịch thì lạc quan nhất cũng phải hết tháng 6/2020 và ngành du lịch chỉ có thể phục hồi lại các hoạt động như trước khi có dịch là vào đầu năm 2021.

Đối mặt với khó khăn, thách thức, các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cần bình tĩnh ứng phó, nhìn lại định hướng chiến lược phát triển, hướng tới việc cải thiện chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch; tăng cường công tác liên kết giữa các đơn vị; đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực; khi hết dịch sẽ tập trung tổ chức quảng bá du lịch Việt Nam một cách bài bản, trong đó nhấn mạnh Việt Nam - điểm đến an toàn, thân thiện với du khách trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp lữ hành kiệt sức trong bão Covid-19 - 10
Doanh nghiệp lữ hành kiệt sức trong bão Covid-19 - 11

Bài: Hà Trang

Thiết kế: Ngọc Diệp