Đỉnh đèo Hoàng Liên được công nhận danh thắng cấp Quốc gia

(Dân trí) - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa chính thức trao Bằng công nhận di tích danh thắng cấp Quốc gia thác Cầu mây và Cổng trời thuộc khu vực đèo Hoàng Liên, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường cho UBND huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Trước đó, ngày 29/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định xếp hạng di tích Quốc gia danh lam thắng cảnh thác Cầu Mây và Cổng trời thuộc khu vực Đèo Hoàng Liên, xã Sơn Bình, Tam Đường.

Thác Cầu Mây và Cổng trời nằm trên đèo Hoàng Liên Sơn (hay còn gọi là đèo Ô Quy Hồ) nối giữa huyện Tam Đường (Lai Châu) và Sa Pa (Lào Cai). Với tổng chiều dài gần 50km, thuộc quốc lộ 4D, đèo Hoàng Liên Sơn được coi là một trong “Tứ đại đỉnh đèo” với những cung đường đèo dài, hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất.

11951944-1119160398098557-3671012357176728521-n-1441344991681
11866318-1107057565975507-9061243455179088874-n-1441344991629
Cổng trời và thác Cầu Mây luôn cuốn hút đối với du khách mỗi khi đặt chân tới đây (Ảnh: Hải Hà).

Đỉnh Ô Quy Hồ hay còn gọi là “Cổng trời” có độ cao gần 2.200 mét, cắt ngang dãy Hoàng Liên Sơn, đây là một trong những cung đường đèo dài, hiểm trở nhưng vô cùng hùng vĩ và là thắng cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp ở Việt Nam, quanh năm có mây phủ. Danh thắng thác Cầu Mây nằm chân dãy núi Ngũ Chỉ Sơn, thuộc dãy Hoàng Liên với dòng nước trong, mát lạnh. Đây là hai trong số những địa điểm thu hút rất đông khách du lịch đến với Lai Châu nói chung và huyện Tam Đường nói riêng với hệ sinh thái còn nguyên sơ của nó.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Từ Hữu Hà, Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, Lai Châu cho biết: Đèo Hoàng Liên Sơn với 2/3 đèo nằm trên địa phận tỉnh Lai Châu, đây không chỉ là con đèo dài, hùng vĩ mà trên đèo còn có những cảnh quan rất đẹp. Tại khu vực thác Cầu Mây hiện đang được đầu tư thành Khu Lâm viên, Lâm nghiệp, Công nghệ cao và du lịch sinh thái.

11921698-1119158214765442-7222575608351413713-n-1441344991648
Cảnh đêm trên đèo Hoàng Liên Sơn (Ảnh: Hải Hà).

“Việc công nhận danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia trên đèo Hoàng Liên Sơn có ý nghĩa rất lớn về việc tạo điều kiện quảng bá du lịch đối với huyện Tam Đường nói riêng và Lai Châu nói chung. Đây là cơ hội để thu hút nhiều du khách hơn nữa đến với vùng đất còn nhiều hoang sơ, tăng mối quan hệ đoàn kết giữa huyện Sa Pa (Lào Cai) và Tam Đường (Lai Châu) để cùng giao lưu và phát triển về du lịch.”

Theo ông Hà, cũng nằm trong quần thể định hướng phát triển du lịch trên dãy Hoàng Liên, đỉnh Pu Ta Leng thuộc địa phận huyện Tam Đường có độ cao 3.049m cũng là một nơi rất thích hợp cho việc phát triển du lịch mạo hiểm, khám phá. Nơi đây có những khu rừng cổ già, rừng trúc còn nguyên sơ, nhiều suối và thác nước trong vắt, hoa đỗ quyên đặc trưng của vùng đất này… Đặc biệt, những cây chè shan tuyết cổ thụ với đường kính khoảng 3 – 4 người ôm sẽ thực sự ấn tượng và thu hút đối với du khách.

Hiện đã có 6 di tích, danh thắng được công nhận cấp quốc gia trên địa bàn tỉnh Lai Châu gồm: Di tích lịch sử Động Tiên Sơn, Văn bia Lê Lợi, Quần thể hang động Pu Sam Cáp, Di chỉ khảo cổ học Nậm Tun, Thác Cầu Mây - Cổng trời và đèo Hoàng Liên Sơn.

X. Thái