Khánh Hòa:

Điều tra khách du lịch nước ngoài bị khách sạn từ chối cho thuê phòng

(Dân trí) - Từ năm 2013, hàng nghìn du khách nước ngoài khi đến Khánh Hòa đều bị chủ các khách sạn từ chối cho thuê phòng. Trước sự việc này, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) chính thức mở cuộc điều tra …

Nhiều khách nước ngoài bị các khách sạn từ chối cho thuê phòng. (Ảnh minh họa)

Nhiều khách nước ngoài bị các khách sạn từ chối cho thuê phòng. (Ảnh minh họa)

Theo đó, kể từ năm 2013, có đến 43 doanh nghiệp khách sạn tại Tp. Nha Trang (Khánh Hòa) đã ký hợp đồng cung cấp phòng với Công ty Ánh Dương. Đặc biệt, trong các hợp đồng ký kết này, có những điều khoản ràng buộc kéo dài có thể gây hậu quả cho ngành du lịch Khánh Hòa, làm méo mó hình ảnh thân thiện của ngành công nghiệp không khói tại địa bàn trọng điểm du lịch của Việt Nam.

Đơn cử, theo hợp đồng số 22, ký năm 2013 giữa đại diện Công ty Ánh Dương với khách sạn Đ.D cho thấy, sau khi ký hợp đồng, chủ khách sạn này sẽ không được phép tùy tiện nhận khách nếu những “thượng đế” này không phải do Công ty Ánh Dương đưa đến. Theo điều 5 của hợp đồng quy định, phía khách sạn “chỉ được quyền xác nhận các bookinh cho du khách Nga, Ukraine và các nước trong khối CIS (Liên Xô cũ)…” do phía Công ty Ánh Dương đưa đến.

Trong khi đó, theo một hợp đồng cung cấp phòng khác giữa khách sạn H.G, để có được chữ ký của Công ty Ánh Dương, phía khách sạn này cũng phải tuân thủ điều kiện “không giới thiệu, không bán, không cho phép những người khác và đại lý du lịch vào giới thiệu và bán “Optional tour”, việc bán các tour này phải do các hướng dẫn viên của Ánh Dương đảm nhiệm.

Thông tin có được cho thấy, kể từ năm 2013, chính thức có 43 khách sạn tại Nha Trang ký hợp đồng cung cấp phòng với Công ty Ánh Dương với các điều kiện ràng buộc nói trên. Hiệu lực của nhiều hợp đồng phải đến năm 2015 mới kết thúc. Với các điều khoản này, suốt thời gian qua, hàng nghìn du khách đến từ Nga, Ukraine, CIS đều gặp trở ngại khi tìm phòng nghỉ tại Nha Trang, thậm chí là họ phải bỏ địa điểm lý tưởng này để chuyển đến vị trí du lịch khác vì không thuộc đoàn khách do Công ty Ánh Dương đưa đến.

Đại diện một chủ khách sạn ở đây cho hay, tình trạng công suất phòng nghỉ bị trống trong thời gian qua rất nhiều, gây lãng phí lớn, thậm chí dẫn đến hoạt động kinh doanh thua lỗ, thế nhưng, vì vướng vào ký kết hợp đồng nên không thể “tuyển” khách vào nghỉ. Trong khi đó, theo thống kê, thị trường khách du lịch Nga đến Nha trang đang có tốc độ tăng trưởng rất lớn. Nếu năm 2011 chỉ có 68 chuyến bay từ Nga đưa khách du lịch đến Nha Trang, thì năm 2012, đã có đến 468 chuyến bay. Thị trường này đang tăng trưởng mỗi năm thêm 350-450 chuyến bay. Trong năm nay, dự kiến có khoảng 1.100 chuyến bay với hơn 300.000 khách đến Nha Trang nghỉ dưỡng.

Với lượng khách đáng kỳ vọng như thế, chủ một số khách sạn ở Khánh Hòa xác nhận, bình quân mỗi khách thường lưu trú ở Việt Nam hơn 10 đêm/kỳ nghỉ. Tuy nhiên, các thỏa thuận giữa những cơ sở lưu trú với Công ty Ánh Dương đã thật sự gây khó khăn lượng du khách nước ngoài.

Nhiều khách nước ngoài bị các khách sạn từ chối cho thuê phòng. (Ảnh minh họa)

Nha Trang - Khánh Hòa, một trong những điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam và được nhiều du khách nước ngoài biết đến.

Được biết, để có đủ “sức mạnh” nhằm “gom” các khách sạn tại Nha Trang ký hợp đồng với mình, thì trước đó Công ty Ánh Dương đã phối hợp với Công ty PGS Internationa (Pegas) của Vương quốc Anh - đang có vị trí thống lĩnh thị trường - để duy trì lợi ích độc tôn của Công ty Ánh Dương và Pegas.

Luật sư Nguyễn Thành Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty luật SMIC, cho biết, việc Công ty Ánh Dương lợi dụng vị thế thống lĩnh thị trường ký hợp đồng cung cấp phòng với 43 khách sạn ở Nha Trang đã có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Theo Điều 13 Luật Cạnh tranh, thì các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm bao gồm “hạn chế sản xuất, phân phối hàng hoá, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây thiệt hại cho khách hàng” (khoản 3). Trong khi đó, khoản 5 của Điều 13 cũng quy định rõ là cấm “áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ hoặc buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng”.

Trong một diễn biến khác, không thể làm ngơ với các điều khoản “trói buộc” nói trên để từ chối du khách nước ngoài được nghỉ dưỡng ở Nha Trang, ngày 5/5//2014, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) Bạch Văn Mừng đã ký Quyết định số 23/QĐ-QLCT, tiến hành điều tra việc cạnh tranh liên quan đến hành vi thống lĩnh thị trường mà Công ty Ánh Dương thực hiện.

Hồng Ngân