Thanh Hóa:

Di tích lịch sử Lam Kinh - dấu tích còn lại và giá trị vĩnh hằng

(Dân trí) - Không chỉ nổi danh là vùng đất địa linh, cái nôi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hay thánh địa tôn nghiêm và uy linh của vương triều Hậu Lê, khu di tích Lam Kinh còn là một vùng thắng tích chứa đựng biết bao giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Vùng đất địa linh nhân kiệt

Vùng đất Lam Sơn hay còn gọi là Lam Kinh là vùng đất thiêng, địa linh nhân kiệt. Là ngôi làng, là quê hương của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi. Đây đồng thời cũng là nơi phát tích ra cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đánh đuổi giặc Minh trong 10 năm đầy gian khổ, từ năm 1418 - 1427 và sau này là nơi an nghỉ vĩnh hằng của 6 vị Vua: Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông và Lê Túc Tông, 2 bà Hoàng Thái Hậu: Ngô Thị Ngọc Giao, Nguyễn Thị Ngọc Huyên và công chúa Thuỵ Hoa.

Di tích lịch sử Lam Kinh - dấu tích còn lại và giá trị vĩnh hằng - 1

Lam Kinh- vùng đất địa linh nhân kiệt đã đi vào lịch sử

Cuộc khởi nghĩa do người anh hùng dân tộc Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo vào mùa xuân năm 1418 tại núi rừng Lam Sơn. Trải qua nhiều gian nan, thử thách nhưng với sự đồng lòng trên dưới và tính chất chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cuối cùng cuộc khởi nghĩa đã giành toàn thắng, đất nước sạch bóng quân thù.

Ngày 15/4/1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng Đế ở Đông Đô hay còn gọi là Thăng Long, Hà Nội ngày nay. Ông lấy niên hiêu là Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt, mở ra một vương triều vô cùng hưng thịnh, rực rỡ trong lịch sử phong kiến Việt Nam, kéo dài trong suốt 360 năm.

Đến năm 1430, Vua Lê Lợi cho đổi Lam Sơn thành Tây Kinh để phân biệt với Đông Kinh Hà Nội hay còn một gọi như tên gọi như bây giờ nữa là Lam Kinh.

Gần 6 thế kỷ trôi qua, những gì mà Lam Kinh để lại vẫn giữ nguyên giá trị
Gần 6 thế kỷ trôi qua, những gì mà Lam Kinh để lại vẫn giữ nguyên giá trị

Đến năm 1433, Vua Lê Thái Tổ, chính là Lê Lợi băng hà và được đưa về quê hương Lam Sơn để an táng tại Vĩnh Lăng. Từ đó, Lam Sơn trở thành khu sơn lăng, là nơi an táng, thờ cúng các Thái Hoàng, Thái Hậu thời Lê Sơ.

Lam Kinh là một trung tâm hành lễ thờ tự các vua Lê và Hoàng Thái hậu thời Lê Sơ vào loại lớn nhất, tiêu biểu nhất trong một ngàn năm phong kiến tự chủ ở Việt Nam, và có thể là cả khu vực Đông Nam Á. Trung tâm hành lễ thờ tự này bao gồm một quần thể kiến trúc Điện - Miếu - Lăng mộ - sân Rồng, Nhà Tả Vu, Hữu Vu, Nghi môn, Thành lũy, sông Ngọc, và các công trình kiến trúc khác được phân bố vừa tập trung vừa trải rộng, trên một diện tích trên 200 ha, ở khu vực giáp ranh giữa đồng bằng và trung du đồi núi phía tây Thanh Hóa.

Trải gần 6 thế kỷ với bao biến đổi thăng trầm của lịch sử và sự khắc nghiệt của thiên nhiên, Lam Kinh không còn nguyên vẹn như xưa, nhưng với những dấu tích còn lại vẫn là những bằng chứng sinh động cho một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Dấu tích và giá trị vĩnh hằng

Sau nhiều cuộc khảo sát công phu, các nhà khoa học đã xác định: Lam Kinh hiện vẫn còn lưu giữ khá nguyên vẹn, đầy đủ kiến trúc của Chính điện, 9 toà Thái Miếu, khẳng định nơi đây từng tồn tại một công trình kiến trúc độc nhất vô nhị trong lịch sử.

Bước qua Ngọ Môn là một khung cảnh tráng lệ, những thành điện bề thế, hoà quyện hài hoà với khung cảnh thơ mộng của núi, sông và hệ thống cây cổ hàng trăm năm tuổi.

Bia Vĩnh Lăng gần 600 năm tuổi
Bia Vĩnh Lăng gần 600 năm tuổi

Nối giữa sân rồng và chính điện là thềm rồng gồm 9 bậc với hai đôi rồng đá được khắc tinh xảo, đặc trưng của rồng thời Lê. Phía sau điện Lam Kinh là Thái Miếu, chạy theo hình vòng cung ôm lấy khu chính điện. Khu Sơn Lăng của triều Lê Sơ còn có 8 lăng của các Vua và Hoàng Hậu, trong đó lăng của Lê Thái Tổ mai táng ở điểm huyệt quan trọng và thần diệu nhất.

Lăng của các vua kế nghiệp và Hoàng Hậu mai táng ở hai phía Đông và Tây, mỗi lăng mang một nét kiến trúc riêng độc đáo. Khu Di tích Lam Kinh còn lưu giữ nét đẹp của không gian Việt “Cây đa, giếng nước, sân đình” hiếm nơi nào có được. Bên hữu sân rồng là cây đa thị hàng trăm năm tuổi, có kích thước chục người ôm mới xuể, luôn xanh ngắt, vươn mình toả bóng mát như chứng nhân còn mãi với thời gian. Bên tả là Giếng cổ - được xem là giếng cổ lớn nhất Việt Nam hiện nay, quanh năm đầy nước và trong mát.

Ở đây còn có tới 8 khu lăng mộ và 8 bia. Tuy nhiên chỉ có 6 lăng mộ và 6 bia còn lưu giữ được cho đến ngày nay, hai khu lăng mộ và hai bia chỉ còn lại dấu tích là của Vua Lê Nhân Tông và Hoàng Thái Hậu Nguyễn Thị Ngọc Huyên. Trong tương lai gần, hai vị trí này sẽ được các nhà khảo cổ khai quật để phục dựng lại.

Giếng cổ lớn nhất Việt Nam
Giếng cổ lớn nhất Việt Nam

Trong số 6 bia cổ được lưu giữ cho đến nay. Đã có 3 bia được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Vĩnh Lăng là tấm bia tiêu biểu nhất, điển hình cho kỹ thuật chế tác, điêu khắc, chạm trổ công phu và tỉ mỉ đến từng chi tiết, có độ tuổi gần 600 năm.

Nằm ở phía tây nam khu chính điện Lam Kinh, cách mộ vua Lê Thái Tổ khoảng 300 m. Sử cũ chép, tháng 8 nhuận năm Quý Sửu (1433), vua Lê Thái Tổ băng hà ở Đông Kinh - Thăng Long, liền được đưa về quê hương an táng, xây lăng, dựng bia tại Vĩnh Lăng. Cũng từ đây các vua kế nghiệp cho xây dựng Lam Kinh trở thành khu sơn lăng, nơi an táng nhiều vị vua và Thái Hoàng Thái Hậu triều đại Lê Sơ.

Bia Vĩnh Lăng được các nhà nghiên cứu văn hoá đánh giá là một trong những tấm bia thời Lê Sơ cổ, to và đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Văn bia gồm hai phần, bia phía trên và rùa phía dưới được làm bằng đá trầm tích màu xám. Lam Sơn Vĩnh Lăng Bi có chiều rộng 1,94 m, cao 2,79 m, dày 0,27 m; rùa có chiều dài 3,46 m, rộng 1,94 m, dày 0,9 m. Tổng trọng lượng khoảng 18 tấn.

Một trong 18 cụ cây di sản có tuổi đời hàng trăm năm tại Lam Kinh
Một trong 18 cụ cây di sản có tuổi đời hàng trăm năm tại Lam Kinh

Dưới trán bia khắc 5 chữ triện lớn “Lam Sơn Vĩnh Lăng bia”. Văn bia Vĩnh Lăng ngắn gọn súc tích, tóm tắt sự nghiệp và ca ngợi công đức của vua Lê Thái Tổ, do khai quốc công thần nhà Lê, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi phụng mệnh biên soạn. Nhà bia hiện nay được xây dựng lại năm 1961, theo lối kiến trúc thời Lê, có mặt bằng hình vuông, 4 mái cong lợp ngói mũi hài. Ngày nay, bia Vĩnh Lăng được xem là biểu tượng của Lam Kinh.

Tồn tại gần 600 năm nhưng bia Vĩnh Lăng còn khá nguyên vẹn, chỉ sứt vài chỗ phía đầu rùa và cạnh bia. Du khách đến thăm quan Khu di tích Lam Kinh đều rất thích thú khi được tận tay sờ vào đầu rùa lấy may.

Trải qua bao thăng trầm biến cố của lịch sử, Lam Kinh - biểu tượng của lòng tự hào dân tộc, về một giai đoạn lịch sử oai hùng, chống quân xâm lược và công cuộc xây dựng quốc gia Đại Việt, vẫn còn giữ nguyên giá trị lịch, kiến trúc nghệ thuật, văn hoá cần được bảo tồn, tôn vinh và gìn giữ.

Nguyễn Thùy