Đề xuất công nhận di tích lịch sử Garage Biệt động Sài Gòn

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu và cơ quan chức năng đề xuất công nhận Nhà số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám, nơi từng là cơ sở sửa chữa xe ô tô cho lực lượng Biệt động Sài Gòn là di tích lịch sử.

Ngày 20/12, Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tổ chức tọa đàm khoa học di tích lịch sử Nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám.

Đề xuất công nhận di tích lịch sử Garage Biệt động Sài Gòn - 1

Sở Văn hóa và Thể thao TPHCM tổ chức tọa đàm khoa học di tích lịch sử Nhà số 499/20 đường Cách Mạng Tháng Tám (Ảnh: Tùng Nguyên).

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hường - Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích TPHCM, căn nhà này trước đây là tiệm sửa chữa ô tô của ông Dương Văn Đức, hình thành từ những năm 1950, địa chỉ cũ là 499/20 Lê Văn Duyệt, nay đổi tên thành Cách Mạng Tháng Tám.

Năm 1963, ông Đức bắt liên lạc với lực lượng Biệt động Sài Gòn thông qua ông Trần Văn Lai (còn gọi là Năm Lai). Từ đó, ông Đức nhận bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô, đổi màu sơn xe, đổi biển số xe và thiết kế thành xe có hai đáy nhằm ngụy trang chứa vũ khí, thư từ, tài liệu, thuốc… phục vụ cho lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Trong số xe ông Đức ngụy trang có 2 xe ô tô mang số hiệu NCE-345 và EC-6045 được thiết kế để đưa đón lãnh đạo Quân khu Sài Gòn - Gia Định ra vào nội đô Sài Gòn và được Đội 5 Biệt động Sài Gòn dùng để tấn công vào Dinh Độc Lập trong Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Sau ngày thống nhất, 2 chiếc xe trên đã được tìm lại và hiện được trưng bày tại Bảo tàng Biệt động Sài Gòn (TPHCM) và Bảo tàng Binh chủng Đặc Công (Hà Nội).

Còn căn nhà số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám đã được phục dựng lại với tên Garage Citroen Dương Văn Đức D'Indochine, since 1947. Đây là cơ sở được đề nghị xếp hạng là di tích lịch sử gắn với hoạt động cách mạng của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Đề xuất công nhận di tích lịch sử Garage Biệt động Sài Gòn - 2

Căn nhà số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám đã được phục dựng lại (Ảnh: Hải Long).

Ông Dương Bửu Chánh (con trai ông Dương Văn Đức) cho biết, cha ông dùng cơ sở này để cho cán bộ cách mạng ra vào thành phố gặp nhau, liên lạc các điểm trong nội thành và các tỉnh ven đô bằng cách chạy thử xe đã sửa xong.

Thời gian này, ông Đức giúp cho các cán bộ Thành ủy Sài Gòn làm các ngăn bí mật gắn trong các xe ô tô để cất giấu tài liệu, tiền bạc, thuốc men. Những chiếc xe này được cải tạo hộp taplo phía trước xe, cục cần sang số, khoét hông thùng xe và đáy thùng xe, sửa lỗ hổng khung xe…

Ngoài ra, ông Đức còn làm gian phòng bí mật trên mái nhà Garage 499/20 Cách Mạng Tháng Tám (đóng la phông gỗ chắc chắn cho người ở bên trên) để cán bộ ẩn nấp, làm cửa sau để cán bộ trốn thoát ra phía nghĩa trang sau gara…

Theo khảo sát của UBND quận 10, ngoài việc xây dựng cơ sở sửa chữa xe ô tô phục vụ Biệt động Sài Gòn, ông Dương Văn Đức còn có nhiều đóng góp cho cách mạng như: che giấu, giúp đỡ cán bộ chiến đấu; đóng góp hậu cầu cho hoạt động cách mạng; tích cực tham gia các tổ chức cách mạng…

Trên cơ sở khảo sát, UBND quận 10 đề xuất xem xét công nhận, xếp hạng Nhà số 499/20 Cách Mạng Tháng Tám là di tích lịch sử - văn hóa và được đưa vào bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của cơ sở. Từ đó, hình thành cụm di tích của Quận 10, đặc biệt là sẽ trở thành một điểm quan trọng trong Cụm di tích lịch sử - văn hóa của Biệt động Sài Gòn.

Đề xuất công nhận di tích lịch sử Garage Biệt động Sài Gòn - 3

Garage Biệt động Sài Gòn được phục dựng khá hoàn chỉnh (Ảnh: Hải Long).

Phát biểu tại tọa đàm, nhiều nhân chứng lịch sử như Trần Văn Chinh, Lê Văn Hương (thợ học việc tại đây trong giai đoạn 1962-1966) xác nhận căn phòng bí mật trên mái garage và hoạt động cải tạo hộc ngầm trong các xe tại đây.

Các chuyên gia lịch sử nghiên cứu về lực lượng Biệt động Sài Gòn và thành viên lực lượng như PGS.TS Hà Minh Hồng (Hội Khoa học lịch sử TPHCM), PGS.TS Phan Xuân Biên (nguyên Thư ký Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định), đại tá Trần Đức Thơ (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Khối Vũ trang Biệt động quân khu Sài Gòn - Gia Định)... khẳng định ý nghĩa lịch sử của Garage 499/20 trong hoạt động cách mạng, phục vụ chiến đấu cho lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Tại buổi tọa đàm, các nhân chứng lịch sử đề cập đến nhiều cái tên của di tích này như Garage Dương Văn Đức (theo tên chủ), Garage xe Tự Lực (tên hợp tác xã sau năm 1975), Garage xe Biệt động Sài Gòn… Những cái tên này sẽ được cơ quan chức năng xem xét để chọn một làm tên chính thức của di tích lịch sử khi được công nhận.

Phát biểu tổng kết tọa đàm, ông Lâm Thiếu Kỳ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản TPHCM, cho biết Sở Văn hóa - Thể thao và Trung tâm Bảo tồn di sản ghi nhận các ý kiến của chuyên gia, nhân chứng lịch sử phát biểu tại tọa đàm; tiếp tục phối hợp với UBND quận 10 để hoàn thiện hồ sơ khoa học, trình Hội đồng Xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa Thành phố công nhận di tích Nhà số 499/20. Thống nhất tên gọi của di tích là Garage Biệt động Sài Gòn.