Tổng cục Du lịch Việt Nam:

"Đề nghị xử lý nghiêm vụ du khách và hướng dẫn viên tử vong tại Đà Lạt"

(Dân trí) - Trước vụ việc du khách người Ba Lan và một HDV người Việt thiệt mạng trong tour du lịch mạo hiểm tại thác Hang Cọp (xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), Tổng cục Du lịch Việt Nam đã có công văn đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng sớm làm rõ và xử lý nghiêm các đơn vị liên quan.

Theo thông tin ban đầu, ngày 23/2 nhóm du khách bao gồm 8 người nước ngoài và 2 hướng dẫn viên du lịch, do Công ty TNHH Giấc Mơ Vàng (đóng trên đường Trương Công Định, TP Đà Lạt) tổ chức tham quan tại khu du lịch thác Hang Cọp.


Thác Hang Cọp - nơi xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng trên.

Thác Hang Cọp - nơi xảy ra vụ tai nạn nghiêm trọng trên.

Trong quá trình đu dây chinh phục ngọn thác cao khoảng 20 m, không may nam du khách Cwiakala Rafal cùng hướng dẫn viên Nguyễn Quốc Khánh rơi xuống thác và tử nạn.

Trước vụ việc trên, Tổng cục Du lịch đã có công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ vụ việc, rà soát quy trình, thủ tục, điều kiện tổ chức tour du lịch nêu trên của Công ty TNHH Giấc Mơ Vàng.


Sau khi sự việc trên xảy ra, TCDLVN đã có công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm các đơn vị liên quan.

Sau khi sự việc trên xảy ra, TCDLVN đã có công văn hỏa tốc gửi UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu làm rõ vụ việc và xử lý nghiêm các đơn vị liên quan.

Liên quan đến các tour du lịch mạo hiểm chỉ trong vòng 1 năm qua (tháng 2/1016 - 2/2017) cả nước đã xảy ra 4 vụ tai nạn gây chết người, riêng địa bàn tỉnh Lâm Đồng xảy ra liên tiếp hai vụ tai nạn làm 4 du khách nước ngoài thiệt mạng.

Trả lời VTV trong chương trình thời sự 19h ngày 25/2/2017, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch cho biết:

"Tai nạn đáng tiếc vừa rồi xảy ra với Lâm Đồng có thể thấy rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng của doanh nghiệp, Bộ đã trực tiếp có văn bản gửi cho tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan chức năng đề nghị xử lý nghiêm túc vụ việc trên và đặc biệt nếu cần có thể đưa ra truy tố trước pháp luật".

Một ngày sau khi vụ tan nạn xảy ra, sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng đã triệu tập cuộc họp yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành ký cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật, không tổ chức tour du lịch chui hoặc đưa khách đến các điểm du lịch mạo hiểm chưa được cấp phép.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Quý Phương cho biết: "Chúng tôi đang trong quá trình xây dựng thông tư về quản lý du lịch mạo hiểm. Cuối năm ngoái Bộ VHTTDL đã phối hợp với tỉnh Lâm Đồng và các địa phương xây dựng hội thảo trên cơ sở đó có những đóng góp, để tạo quy trình phù hợp, cách thức quản lý phù hợp", ông Phương nói.

Trao đổi với PV Dân trí, đại diện một doanh nghiệp lữ hành cho biết: "Trước sự việc trên cho thấy vai trò của ngành du lịch làm chưa tròn, bị động và quản lý lỏng lẻo. Bên cạnh đó, nhiều công ty kinh doanh loại hình du lịch mạo hiểm thường là tự học, không có quy chuẩn nào".

Hiện nay du lịch mạo hiểm ngày càng được giới trẻ ưu thích, để loại hình này phát triển, thu hút lượng lớn khách quốc tế đến Việt Nam thì ngành du lịch cần phải đặt ra các quy chuẩn, rà soát lại các công ty lữ hành đã được cấp phép, nếu đơn vị nào không đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định thì cần rút giấy phép kinh doanh.

Trong khi nhiều nước trên thế giới đã ban hành những quy định nghiêm ngặt, rõ ràng với các hãng lữ hành khi tổ chức các tour du lịch mạo hiểm thì ngành du lịch Việt Nam vẫn đang "loay hoay" xây dựng thông tư, xây dựng quay trình và hội thảo lấy ý kiến... Thiết nghĩ, ngành Du lịch Việt Nam cần chủ động hơn, sát sao hơn trong quản lý, không để các doanh nghiệp mạnh ai nấy làm, tránh để xảy ra những vụ việc đáng tiếc như trên.

Song An