Để du lịch Việt cất cánh: Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Trước tình trạng khách quốc tế đến Việt Nam sụt giảm nghiêm trọng trong năm qua, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đã chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên và giải pháp thúc đẩy du lịch Việt cất cánh!

Xung quanh vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc công ty Du lịch APT Travel. Xin cảm ơn ông đã dành cho Dân trí cuộc phỏng vấn này!
Để du lịch Việt cất cánh: Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Tại Việt Nam ngoài sự ảnh hưởng chung của nền kinh tế, thì còn nhiều nguyên nhân khác, trong đó phải kể đến những rào cản như thủ tục visa chưa thực sự được mở rộng,... ông Hồng Đài cho hay.

Là người hoạt động trong lĩnh vực du lịch lâu năm, xin ông cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt giảm nghiêm trọng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong gần một năm qua?

Tôi nghĩ đây là tình hình không chỉ xảy ra ở ngành du lịch Việt Nam mà là tình hình chung của cả thế giới. Nguyên nhân thì có nhiều song chủ yếu vẫn do cơn sóng khủng hoảng kinh tế vừa qua quá nặng nề. Mặc dù kinh tế thế giới đã có sự phục hồi nhất định, tuy nhiên nó vẫn chưa lấy lại được trạng thái ban đầu. Tại Việt Nam ngoài sự ảnh hưởng chung của nền kinh tế, thì còn nhiều nguyên nhân khác, trong đó phải kể đến những rào cản như thủ tục visa chưa thực sự được mở rộng, mặc dù mấy năm qua vấn đề này đã được “nới lỏng” tuy nhiên so với nhiều nước khác chúng ta vẫn còn hạn chế nhiều. Nhìn bề nổi, có thể chúng ta có nguồn thu từ visa, tuy nhiên chúng ta lại quên đi rằng nguồn thu khi du khách quốc tế vào Việt Nam mang lại cho chúng ta nhiều hơn mức đó rất nhiều lần.

Cùng với đó, việc thu hút khách quốc tế vào Việt Nam sẽ giải quyết được một lượng lớn công ăn việc làm cho lao động Việt Nam. Nguyên nhân tiếp theo cần nhắc tới là môi trường du lịch của chúng ta chưa được cải thiện nhiều. Tình trạng chặt chém, chèo kéo thậm chí là cướp giật đối với du khách vẫn xảy ra ở một số nơi.

Ngoài ra, sản phẩm du lịch của chúng ta vẫn đơn điệu, khách đến Việt Nam không biết chơi gì, tiêu gì, ngoài việc tham quan, khám phá. Chúng ta cũng chưa có chiến lược đa dạng hóa thị trường mà vẫn chỉ phụ thuộc vào một số thị trường như Trung Quốc, Nga. Và như vậy, mỗi khi hai thị trường này có biến động thì ngành du lịch sẽ không kịp xoay sở và bị ảnh hưởng là điều dễ hiểu.

Bên cạnh đó, công tác quảng bá chúng ta vẫn còn hời hợt, thiếu tính chuyên nghiệp, trong khi đó nhìn sang ngay các nước bạn như Thái Lan, Campuchia, Malaysia họ làm rất tốt, bài bản và chuyên nghiệp.

Theo ông, các cơ quan chức năng trong ngành du lịch và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cần có những giải pháp gì để thúc đẩy du lịch Việt phát triển?

Theo tôi về chính sách vĩ mô thì thứ nhất chúng ta nên mở cửa sâu rộng hơn nữa cho du khách đến với chúng ta. Đó là việc nới lỏng thị thực, miễn visa trên diện rộng để thu hút khách quốc tế vào Việt Nam. Thứ hai, chúng ta nên xây dựng kế hoạch truyền thông và quảng bá một cách cụ thể và có sự đầu tư đúng hướng nhiều hơn nữa.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng như Tổng cục Du lịch, các sở, ban ngành liên quan cũng cần vào cuộc nghiêm túc hơn, chuyên nghiệp hơn, nhạy bén hơn. Điều này chúng ta có thể học hỏi ngay ở các nước trong khu vực. Chúng ta cũng cần đa dạng hóa thị trường để không bị rơi vào thế bị động như thời gian qua. Ngoài Châu Á, Châu Âu chúng ta cũng cần hướng đến khai thác các thị trường mới như Mỹ La Tinh, Mexico, Brazin…

Ông đánh giá thế nào về tiềm năng du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới? Với những lợi thế sẵn có được thiên nhiên ưu đãi chúng ta phải làm gì để du lịch Việt cất cánh?

Đi nhiều nơi, đến nhiều nước, tôi thấy rằng có lẽ không ở đâu có tiềm năng du lịch lớn như Việt Nam. Chúng ta có hơn 3.200 km bờ biển với rất nhiều di sản thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa. Ngần ấy cũng đủ để đưa Việt Nam thành điểm đến hấp dẫn du khách quốc tế. Song tại sao lượng khách quốc tế đến nước ta quá ít, và ít quay trở lại? Điều này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân trong đó có cả từ phía nhà quản lý và cả doanh nghiệp. Các chính sách phát triển du lịch của chúng ta quá rờm rà, chậm chạp không bắt nhịp với sự thay đổi của tình hình. Cùng với đó, sự liên kết của doanh nghiệp du lịch của chúng ta chưa chặt chẽ, trong khi đó việc này ở Thái Lan, và nhiều nước khác họ làm rất tốt. Chiến lược quảng bá của chúng ta cũng thua xa họ. Bên cạnh đó, như tôi nói ở trên đó là môi trường du lịch của chúng ta không được cải thiện khiến hình ảnh du lịch Việt Nam chưa được biết đến nhiều.

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ông mong muốn gì ở chính sách đầu tư cho ngành du lịch?

Tôi nghĩ ngành du lịch cần có sự đầu tư bài bản chuyên nghiệp, trách chộp giật. Đầu tư du lịch không phải là cứ có tiền là làm được mà phải thực sự hiểu nghề, yêu nghề và có tâm với nghề mới có thể tạo ra những sản phẩm du lịch bền vững hấp dẫn.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Song An (Thực hiện)