ĐBSCL là một trong những vùng du lịch quan trọng của cả nước

(Dân trí) - Trong khuôn khổ Tuần lễ du lịch xanh vùng ĐBSCL 2015, ngày 29/6, tại TP Cần Thơ, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Văn hóa thể thao và du lịch và UBND TP Cần Thơ tổ chức hội thảo Liên kết phát triển du lịch xanh khu vực ĐBSCL năm 2015.

Quang cảnh buổi hội thảo
Quang cảnh buổi hội thảo

Theo Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn: ĐBSCL nằm ở hạ lưu sông Mê Kông, có diện tích tự nhiên 5,6% diện tích lưu vực. Đây là vùng có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú đặc biệt là du lịch sinh thái. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ĐBSCL là 1 trong 7 vùng du lịch của cả nước trong chiến lược phát triển du lịch Việt nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Theo đó sẽ ưu tiên phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường và khẳng định môi trường là yếu tố hấp dẫn du lịch, đảm bảo chất lượng và giá trị hưởng thụ du lịch, thương hiệu du lịch. Các dự án phát triển du lịch phải tuân theo quy định của pháp luật về môi trường…

 Theo ông Vương Duy Biên, thời gian qua, du lịch Đồng bằng sông Cửu Long phát triển rất sôi động với tốc độ phát triển bình quân trên 2 con số. Năm 2014, toàn vùng đã đón trên 1,8 triệu lượt khách quốc tế và trên 10 triệu lượt khách du lịch nội địa, doanh thu đạt trên 6.300 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 2,2 triệu người. 

Chợ nổi Cái Răng một trong những địa điểm du lịch của Cần Thơ
Chợ nổi Cái Răng một trong những địa điểm du lịch của Cần Thơ

Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long đang đối diện với những vấn đề về phát triển bền vững, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên tự nhiên và tác động của biến đổi khí hậu. Phát triển du lịch cần phải phát huy hiệu quả cao hơn, bền vững hơn nữa trong mối liên kết giữa các ngành liên quan đến du lịch. 

Đồng bằng sông Cửu Long cần liên kết giữa các điểm đến, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ, lữ hành với khách sạn,​ đồng thời liên kết du lịch vùng nhằm hướng tới hạn chế những tác động tiêu cực đối với tài nguyên môi trường, qua đó giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu đến người dân và sự phát triển bền vững chung của cả vùng. 

Hội thảo là cơ hội để các cơ quan, ban ngành trung ương và địa phương trao đổi và thống nhất nhận thức, đề xuất ý tưởng và tạo mối liên kết cho một nỗ lực chung để đẩy mạnh phát triển “Du lịch xanh” trong những điều kiện cụ thể ở vùng ĐBSCL. Kết quả hội thảo sẽ góp phần xác định phát triển du lịch xanh ở vùng ĐBSCL mà Tổng cục du lịch sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan, đặc biệt với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và các địa phương vùng ĐBSCL ngay sau hội thảo này.

Phạm Tâm