Đâu là "điểm nghẽn" trong phát triển du lịch Việt Nam

(Dân trí) - Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam cần cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh tại các điểm đến. Đánh giá từ phía TAB cho thấy, các "điểm nghẽn" trong phát triển du lịch Việt Nam cần khắc phục là tập trung vào tính bền vững của môi trường; các quy định lỏng lẻo; mức phát thải cao; nạn phá rừng và hạn chế xử lý nước đang làm suy giảm môi trường.

Vẻ đẹp Việt Nam dưới ống kính khách nước ngoài

Một điểm đến được định nghĩa là khu vực địa lý được khách chọn làm địa điểm đi du lịch. Nó bao gồm các cơ sở lưu trú, phục vụ và nghỉ dưỡng cần thiết cho kỳ nghỉ.

Theo số liệu điều tra chi tiêu của khách du lịch năm 2013, do Tổng cục Thống kê báo cáo, những ấn tượng tốt của khách quốc tế khi tới Việt Nam gồm những yếu tố chủ yếu như: hấp dẫn vì phong cảnh đẹp (chiếm 68,5%), thái độ thân thiện của người dân (chiếm 43,1%), chất lượng phục vụ trong du lịch (chiếm 38,9%) và giá cả hàng hóa rẻ (chiếm 23,9%).

Đâu là điểm nghẽn trong phát triển du lịch Việt Nam - 1
Việt Nam hấp dẫn du khách nước ngoài vì phong cảnh đẹp

Bên cạnh đó là những ấn tượng không tốt của khách quốc tế. Đứng đầu là mức độ an toàn khi tham gia giao thông (chiếm 39,1%). Tiếp đó là các yếu tố như bị gian lận khi mua hàng hóa – dịch vụ, bị hàng rong chèo kéo mua hàng, thói quen xả rác bừa bãi của người dân và sản phẩm dịch vụ du lịch còn nghèo nàn.

Ở thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tăng 4 bậc trong năm 2019, xếp thứ 63 toàn cầu. So với các nước ASEAN khác, Việt Nam đang tăng trưởng cao nhất. Đây cũng là động lực chính thúc đẩy năng lực cạnh tranh du lịch Việt.

Đâu là điểm nghẽn trong phát triển du lịch Việt Nam - 2
Làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh các điểm đến du lịch Việt Nam là vấn đề trăn trở của người làm du lịch

Sự tăng hạng của ngành du lịch Việt Nam được cải thiện nhờ các nhóm chỉ số chính, bao gồm nhóm “Mức độ mở cửa đối với quốc tế” (từ 73 lên 58), trong đó tăng trưởng mạnh nhất là chỉ số “Yêu cầu về thị thực” (từ 116 lên 53), là nước có chỉ số tăng trưởng mạnh nhất khu vực châu Á – Thái Bình Dương; nhóm chỉ số “Hạ tầng vận tải hàng không” (từ 61 lên 50), trong đó mạnh nhất là chỉ số “Số lượng hãng hàng không đang khai thác” (từ 45 lên 35).

Để có thể cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh các điểm đến, trở thành một sản phẩm thực sự cần có chiến lược quản lý.

Đâu là điểm nghẽn trong phát triển du lịch Việt Nam - 3

Để có thể cải thiện và nâng cao năng lực cạnh tranh, du lịch cần có chiến lược quản lý

Theo ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), các ưu tiên để phát triển điểm đến bao gồm: Thành lập tổ chức quản lý điểm đến đa thành phần; Xây dựng quy hoạch du lịch điểm đến; Phát triển sản phẩm du lịch; Quảng bá và xúc tiến điểm đến và đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực.

Đánh giá từ phía TAB cho thấy, các "điểm nghẽn" trong phát triển du lịch Việt Nam cần khắc phục là tập trung vào tính bền vững của môi trường; các quy định lỏng lẻo; mức phát thải cao; nạn phá rừng và hạn chế xử lý nước đang làm suy giảm môi trường.

Bên cạnh đó, một điểm yếu hiện nay là ngành du lịch Việt Nam chưa có điều tra và thống kê cụ thể về tỷ lệ du khách quay trở lại. Đây cũng là việc mà TAB đề xuất 2-3 năm/lần phải điều tra tại các điểm đến để cải thiện được vấn đề du khách quay trở lại Việt Nam.

Huy Hoàng