Đà Nẵng tưng bừng lễ hội cầu ngư

(Dân trí) - Ngày 23/2 (nhằm ngày 16 tháng Giêng âm lịch), hàng trăm người dân quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) nô nức kéo về bờ biển đường Nguyễn Tất Thành, phường Xuân Hà để tham gia “Lễ hội cầu ngư truyền thống năm 2016”

Cầu ngư là lễ hội truyền thống đặc sắc, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của cư dân vùng biển
Cầu ngư là lễ hội truyền thống đặc sắc, thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của cư dân vùng biển

Lễ hội cầu ngư của cư dân miền biển Thanh Khê được tổ chức vào ngày 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Đây lễ hội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa dân gian, gắn liền với đời sống ngư dân ven biển ở Đà Nẵng nói riêng và người dân vùng biển nói chung, nhằm mục đích bày tỏ lòng thành kính với các vị tiền nhân. Đồng thời, cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu một mùa đánh bắt hải sản thắng lợi, vượt qua mọi tai nạn khi lênh đênh trên sóng nước, cầu nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ông Nguyễn Văn Mười (69 tuổi, ở làng Hà Khê) cho biết: “Cứ đến ngày này (16 tháng Giêng âm lịch), mọi người cùng nhau tổ chức lễ cúng để tỏ lòng thành kính, biết ơn, cầu các vị thần biển đem lại sự hưng thịnh cho dân vạn chài chúng tôi. Nghề biển là nghề đầy rủi ro, lắm bất trắc nên đến với lễ hội này chúng tôi ai cũng cầu mong có được một mùa đánh bắt mưa thuận gió hòa, cuộc sống ấm no, yên ổn”.

Như mọi lễ hội khác, Lễ hội cầu ngư của ngư dân quận Thanh Khê cũng có hai phần chính là: phần lễ và phần hội. Phần lễ được tổ chức một cách trang trọng, theo đúng phong tục tập quán địa phương, mở đầu bằng: lễ nghinh cá Ông, lễ dâng hương… để tưởng nhớ công ơn bậc tiền nhân khai khẩn đất đai, mở mang bờ cõi, lễ cầu an cho các vong hồn đã mất trên biển.

Phần nghi lễ thường do những người cao tuổi, có uy tín trong vùng đảm nhiệm
Phần nghi lễ thường do những người cao tuổi, có uy tín trong vùng đảm nhiệm
Hình thức múa hát đặc trưng của “Lễ hội cầu ngư” là múa hát bả trạo, với các động tác chèo thuyền thể hiện tình đoàn kết, mong muốn vượt qua giông bão, sóng nước trên biển
Hình thức múa hát đặc trưng của “Lễ hội cầu ngư” là múa hát bả trạo, với các động tác chèo thuyền thể hiện tình đoàn kết, mong muốn vượt qua giông bão, sóng nước trên biển

Sau không khí trang nghiêm, thành kính của phần lễ, phần hội diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi, tươi vui mang đậm màu sắc của ngư dân vùng biển: thi ngoáy thúng, kéo co, đan lưới,… thu hút sự quan tâm của các phường chài và đông đảo khách du lịch.

Đua ngoáy thuyền thúng là hình thức sinh hoạt thể thao tiêu biểu của ngư dân
Đua ngoáy thuyền thúng là hình thức sinh hoạt thể thao tiêu biểu của ngư dân
Sự khỏe mạnh, dẻo dai của những người phụ nữ làng chài
Sự khỏe mạnh, dẻo dai của những người phụ nữ làng chài

“Gia đình tôi có mặt ở đây từ lúc 5 giờ để tham gia lễ hội. Tôi và gia đình đều cảm thấy rất vui và phấn khởi khi được chứng kiến lễ hội lớn, một trong những hoạt động văn hóa mang ý nghĩa nhân văn của người dân Đà Nẵng”, Bà Mai Thị Loan, một vị khách du lịch đến từ thành phố Đà Lạt, hào hứng chia sẻ.

Tại lễ hội, cũng tổ chức triển lãm các hiện vật thể hiện chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa.

T.Én – X.Long