Đà Nẵng khuyến cáo về tình trạng thừa khách sạn

(Dân trí) - Số lượng khách sạn có quy mô 1 - 3 sao tăng trưởng nhanh đã xuất hiện tình trạng cung vượt cầu vào mùa thấp điểm và môi trường cạnh tranh không lành mạnh.

Cung vượt cầu

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng vừa có văn bản khuyến nghị về việc xây dựng khách sạn trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Sở vừa phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng khảo sát 426 khách sạn, căn hộ, biệt thự du lịch và 100 nhà nghỉ trên địa bàn thành phố.

Qua đó cho thấy số lượng cơ sở lưu trú ở Đà Nẵng phát triển quá nhanh, dẫn đến tình trạng cung vượt cầu và môi trường cạnh tranh không lành mạnh. 48% cơ sở lưu trú được khảo sát cho rằng cần có quy hoạch chi tiết, định hướng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng.

Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng quy mô hạng 4 – 5 sao đang hoạt động kinh doanh buồng phòng bình quân đạt 70 – 80%, ngày lưu trú đạt từ 3 ngày trở lên. Các khách sạn, khu nghỉ dưỡng này có thể khai thác khách quanh năm. Vào mùa thấp điểm khách nội địa là thời điểm mùa khách quốc tế và mùa thấp điểm khách quốc tế là thời điểm mùa khách nội địa. Ngoài ra, các thời điểm khác trong năm có thể khai thác khách hội nghị, hội thảo kết hợp tham quan, nghỉ dưỡng.

Đà Nẵng khuyến cáo về tình trạng thừa khách sạn 
Đà Nẵng khuyến cáo về tình trạng thừa khách sạn 

Tuy nhiên, đối với các khách sạn có quy mô 1 – 3 sao lại đang gặp nhiều khó khăn. Hầu hết khách sạn 1 – 3 sao được các chủ đầu tư xây dựng một cách tự phát, thiếu thông tin thị trường, thông tin về các tiêu chuẩn xếp hạng khách sạn, thiếu chuẩn bị nhân lực vận hành và kế hoạch kinh doanh. Một số khách sạn mới đưa vào sử dụng bị hạn chế về thiết kế và công năng sử dụng, không đạt các tiêu chuẩn nghiệp vụ theo quy định cơ sở vật chất, trang thiết bị, số lượng các dịch vụ. Số lượng khách sạn có quy mô 1 -3 sao tăng trưởng nhanh đã xuất hiện tình trạng cung vượt cầu vào mùa thấp điểm.

Cần có quy hoạch tổng thể

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, các tổ chức, cá nhân cần nghiên cứu kỹ thị trường, tìm hiểu thông tin về tình hình kinh doanh lưu trú du lịch trên địa bàn Đà Nẵng để xác định nhu cầu, phân khúc thị trường và xây dựng chiến lược, kế hoạch kinh doanh phù hợp.

Đồng thời cần cân nhắc, chọn địa điểm có giá trị kinh doanh du lịch, các loại hình cơ sở lưu trú phù hợp với nhu cầu thị trường. Khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở lưu trú du lịch có thiết kế độc đáo với những đặc trưng khác biệt, có các tiêu chí chăm sóc khách hàng và dịch vụ riêng có.

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu thực tế về thiết kế, vận hành cơ sở lưu trú và kinh nghiệm quản lý kinh doanh lưu trú du lịch thông qua Hiệp hội Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, trường Cao đẳng nghề du lịch Đà Nẵng…

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng lưu ý, hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch và các dịch vụ trong cơ sở lưu trú thuộc nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện nên liên quan đến nhiều cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, môi trường (nước sử dụng, nước thải…), an toàn vệ sinh thực phẩm, thu đổi ngoại tệ, cước viễn thông, kinh doanh bar, vũ trường, trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài. Vì vậy, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ và nắm vững luật để đảm bảo thực hiện đúng trong quá trình chuẩn bị và hoạt động kinh doanh.

Đáng chú ý, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, do số lượng cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố tăng trưởng nhanh, đặc biệt đối với phân khúc khách sạn 1 – 3 sao thì cung đã vượt cầu vào mùa thấp điểm khách du lịch nên các tổ chức, cá nhân nên xem xét chuyển hướng đầu tư kinh doanh vào các dịch vụ khác phục vụ du lịch như dịch vụ ẩm thực Việt, nhà hàng đặc sản (chuyên phục vụ một đặc sản đặc trưng – có thể độc quyền hoặc chuyển quyền thương hiệu), trung tâm mua sắm, bảo tàng tư nhân, khu vui chơi giải trí, tụ điểm văn hóa (café – âm nhạc), bar, vũ trường…

Khánh Hồng