"Công tử Bạc Liêu" trở thành "đặc sản" du lịch của Bạc Liêu

(Dân trí) - Tỉnh Bạc Liêu vừa có quy hoạch xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù và quan trọng nhằm thu hút khách du lịch. Trong đó, các sản phẩm liên quan đến "Dạ cổ hoài lang" và "Công tử Bạc Liêu" là 2 sản phẩm du lịch hàng đầu của tỉnh này.

Đón 4 triệu lượt khách vào năm 2030

Theo UBND tỉnh Bạc Liêu, việc quy hoạch phát triển du lịch với mục tiêu nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch, trong đó đẩy mạnh loại hình du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử, lễ hội; gắn du lịch với quảng bá, giới thiệu truyền thống lịch sử, tiềm năng của tỉnh; kêu gọi các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh đầu tư hạ tầng du lịch; liên kết với các địa phương hình thành mạng lưới du lịch trong nội vùng, mạng lưới du lịch quốc gia.

Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Bạc Liêu trở thành một tỉnh phát triển về du lịch trong vùng ĐBSCL với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển, hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng, mang bản sắc văn hóa địa phương, hấp dẫn khách du lịch.

Bạc Liêu hướng đến năm 2020 đón 2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 35.000 lượt; năm 2030 đón 4 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 200.000 lượt; Tổng thu từ du lịch năm 2020 đạt 3.000 tỷ đồng, đến năm 2030 đạt 12.000 tỷ đồng. Về cơ sở lưu trú, đến năm 2020 đạt 3.000 buồng lưu trú, đến 2030 đạt 10.000 buồng lưu trú; trong đó 40% đạt tiêu chuẩn khách sạn 2 sao trở lên, khoảng 8% đạt chuẩn từ 3- 5 sao.

Theo tỉnh Bạc Liêu xác định, nguồn cung cấp khách từ TP.HCM là chính (khách quốc tế từ các trị trường Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ và Úc đến TPHCM 5%; khách nội địa từ Hà Nội, Đà Nẵng, Huế,...đến TP.HCM từ 5% - 10% và dân cư TP.HCM chiếm thị phần từ 30% - 45%); vùng ĐBSCL là thị trường quan trọng chủ yếu cung cấp khách du lịch nội địa từ các tỉnh trong vùng như TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Cà Mau,…chiếm thị phần từ 60% - 70%.

Sản phẩm du lịch Dạ cổ hoài lang sẽ gắn liền với Đờn ca tài tử.
Sản phẩm du lịch Dạ cổ hoài lang sẽ gắn liền với Đờn ca tài tử.

Xây dựng nhiều sản phẩm du lịch

Tỉnh Bạc Liêu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, gồm Sản phẩm du lịch Dạ cổ hoài lang (DCHL): các chương trình du khảo và tìm hiểu Đờn ca tài tử Bạc Liêu; các chương trình du lịch gắn với biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử Bạc Liêu, nói thơ Bạc Liêu; các chương trình du lịch lễ hội gắn với lễ hội DCHL; phát triển các loại hình dịch vụ lưu trú mô phỏng nhà ở nông thôn gắn với thương hiệu DCHL và Cao Văn Lầu; các món ăn truyền thống ẩm thực địa phương gắn với thương hiệu DCHL và Cao Văn Lầu; hàng lưu niệm gắn với thương hiệu DCHL và Cao văn Lầu).

Video: Hát Đờn ca tài tử.

Sản phẩm du lịch gắn với Công tử Bạc Liêu (CTBL): Tour du lịch trên sông bằng thuyền của CTBL gắn với tuyến du lịch sinh thái đường sông Bạc Liêu – Vàm Lẻo; tour tham quan thành phố bằng xe hơi của CTBL và hành trình đến những điểm CTBL đi; các sự kiện gắn với giai thoại CTBL; các lễ hội tái hiện lại các sự kiện CTBL tổ chức thời trước đây; các món ăn ẩm thực gắn với thương hiệu CTBL; hàng lưu niệm gắn với hình ảnh, thú tiêu khiển, sinh hoạt của CTBL.

Sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh: các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh ở khu vực Quán Âm Phật Đài; các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh ở Nhà thờ Tắc Sậy; các sản phảm du lịch văn hóa tâm linh gắn với Lăng cá Ông Gành Hào gắn với du lịch sinh thái ven biển.

Sản phẩm du lịch điện, gió gắn với sinh thái rừng, biển: các sản phẩm tham quan điện gió, chiêm ngưỡng cảnh quan rừng, biển trừ trên không; các sản pẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với sinh thái ven biển.

Sản phẩm du lịch tham quan Quảng trường Hùng Vương: Tham quan Quảng trường Hùng Vương và các công trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc như Nhà hát 3 nón lá, biểu tượng văn hóa Bạc Liêu- cây đờn kìm cách điệu, biểu tượng 3 dân tộc Kinh- Hoa- Khmer,…gắn với tham quan nội ô Bạc Liêu; các sản phẩm vui chơi giải trí, các dịch vụ như ăn uống, biểu diễn nghệ thuật, hoạt động thể thao, chụp hình, bán hàng lưu niệm và đặc sản Bạc Liêu.

Sản phẩm du lịch tham quan các vườn chim Bạc Liêu: các sản phẩm tham quan vườn chim, nghiên cứu khoa học, môi trường; các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí,…

Du khách tham quan Khu nhà Công tử Bạc Liêu.
Du khách tham quan Khu nhà Công tử Bạc Liêu.

Tỉnh Bạc Liêu cũng xây dựng các sản phẩm du lịch quan trọng, gồm Sản phẩm du lịch văn hóa: Các chương trình tham quan hệ thống di tích lịch sử văn hóa, di tích lịch sử cách mạng; các chương trình du lịch tham quan, tìm hiểu về nghệ thuật kiến trúc của hệ thống nhà cổ Bạc Liêu; các chương trình du lịch gắn với nghệ thuật truyền thống của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa; hệ thống di tích lịch sử cách mạng như Đồng Nọc Nạng, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên, đền thờ Bác Hồ; tham quan di tích lịch sử khảo cổ. Trong các chương trình này có thể kết hợp tham quan các điểm du lịch quan trọng như Quảng trường Hùng Vương, Nhà hát 3 Nón Lá...

Sản phẩm du lịch sinh thái ven biển: Các tour du lịch trải nghiệm trong môi trường sinh thái nông nghiệp - du khách tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, làm muối, nuôi trồng thủy sản (nuôi cá sấu, ba ba, rắn,...), trồng hoa màu…kết hợp tham quan điện gió; lưu trú theo dạng trải nghiệm nhà dân tại các trang trại sinh thái nông nghiệp; các món ăn truyền thống và đặc trưng của Bạc Liêu; hàng lưu niệm từ các sản vật của biển và từ hoạt động sản xuất.

Sản phẩm du lịch sinh thái sông nước - Những dòng sông Bạc Liêu: Du lịch theo các tuyến đường sông Hồng Dân với điểm đến là các làng quê, làng nghề để thưởng thức ẩm thực, tham quan, trải nghiệm; Du lịch nội đô trên sông Bạc Liêu: Theo tuyến du lịch sinh thái đường sông Bạc Liêu - Vàm Lẻo (Vĩnh Lợi) gắn với tham quan các di tích chùa Khmer, các dịch vụ ăn uống nghỉ dưỡng miệt vườn, thưởng thức Đờn ca tài tử…du lịch sông nước từ thành phố Bạc Liêu xuống Cà Mau, lên Cần Thơ.

Các Lễ hội cũng được tỉnh Bạc Liêu quan tâm phát triển thành những sản phẩm du lịch quan trọng.
Các Lễ hội cũng được tỉnh Bạc Liêu quan tâm phát triển thành những sản phẩm du lịch quan trọng.

Du lịch lễ hội: Lễ hội “Nghinh ông Gành Hào”, lễ hội “Quán âm Nam Hải”, lễ hội “Ok-Om-Bok” gắn với các khu vực cộng đồng dân cư dân tộc Khmer và các khu điểm di tích lịch sử văn hóa Khmer; lễ hội “Dấu ấn Đồng Nọc Nạng” gắn với khu di tích lịch sử cấp quốc gia Đồng Nọc Nạng và các hệ thống di tích lịch sử lân cận.

Sản phẩm du lịch sinh thái: Du lịch sinh thái gắn với sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, các vườn chim và vườn nhãn cổ. Sản phẩm du lịch làng nghề như đan đát, thủ công mỹ nghệ, làm muối, chài lưới.

Huỳnh Hải