Có thể phạt trên 100 triệu với hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc nhiều doanh nghiệp lữ hành TPHCM bị “xâm phạm” chỉnh sửa số điện thoại và địa chỉ đường dẫn trang điện tử trên Google maps, luật sư Nguyễn Đức Chánh cho rằng đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh.
Luật sư Nguyễn Đức Chánh.

Pv: Thưa ông, vừa qua nhiều doanh nghiệp lữ hành TPHCM phát hiện số điện thoại và đường dẫn trang điện tử bị xâm hại, chỉnh sửa. Theo ông, nếu đây xuất phát từ việc làm có chủ đích thì sự việc này sẽ xử lý như thế nào?

Luật sư Chánh: Nếu việc sửa thông tin là số điện thoại, địa chỉ doanh nghiệp khác trên Google Maps là có thật thì đã xuất hiện dấu hiệu của hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Cụ thể, các thông tin của doanh nghiệp như số điện thoại, địa chỉ, email… trên trang Google Maps hay ứng dụng khác trên internet là hình thức quảng bá, PR công ty cũng như nhằm để tiện cho khách hàng khi cần liên hệ.

Nên việc tổ chức, cá nhân kinh doanh có hành vi can thiệp để đổi số điện thoại của các công ty đăng ký trên Google Maps là hành vi “Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác” theo khoản 5 Điều 39 Luật Cạnh tranh năm 2004.

Thông tin trên Google maps của đơn vị Vietravel bị ai đó đã đề xuất dẫn về trang dulichachau.net.
Thông tin trên Google maps của đơn vị Vietravel bị "ai đó đã đề xuất" dẫn về trang dulichachau.net.

Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác, điều 44 Luật Cạnh tranh năm 2004 quy định rõ: "Cấm doanh nghiệp gây rối hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó”.

Tùy tính chất và mức độ vi phạm mà tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 32 Nghị định 71/2014 của Chính phủ về hành vi gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác.

Pv: Vậy hình thức xử lý cho hành vi này là như thế nào, thưa ông?

Luật sư Chánh: Cụ thể, phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với hành vi gây rối hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong các trường hợp sau: Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác làm cho doanh nghiệp bị gây rối không thể tiếp tục tiến hành hoạt động kinh doanh một cách bình thường; Hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Ngoài việc bị phạt tiền thì doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Khoản 4 Điều 28 của Nghị định 71/2014 của Chính phủ. Đó là: Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm; Buộc cải chính công khai.

Chân thành cảm ơn ông!

Phạm Nguyễn (ghi)