Có một Hội An rất khác ở miền trung du Quảng Nam

Ngô Linh

(Dân trí) - Cùng tên với phố cổ Hội An, ngôi làng cổ mộc mạc, yên bình ở huyện Tiên Phước níu chân du khách bởi vô vàn hoa thơm trái ngọt, được ví như Nam Bộ giữa lòng Quảng Nam.

Tiên Phước nằm ở phía tây nam của tỉnh Quảng Nam, là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa.

Có một Hội An rất khác ở miền trung du Quảng Nam - 1

Đình làng Hội An được công nhận Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2014 (Ảnh: Ngô Linh).

Ở huyện Tiên Phước, xã Tiên Châu nổi lên như một vùng lưu thủy hội tụ bởi nơi đây là điểm giao kết của nhiều con suối nhỏ, có suối Tiên, thác 7 tầng, các bãi đá đẹp như tranh vẽ.

Đặc biệt, Tiên Châu còn có một ngôi làng cổ xinh xắn mang tên Hội An. Không phải đô thị cổ vang danh bốn bể, làng cổ Hội An ở miền trung du Quảng Nam đơn giản và mộc mạc bởi tường đá, tre xanh hay những nụ cười hồn hậu chân quê.

Chính quyền địa phương và những bậc cao niên trong làng Hội An chưa ai lý giải được tên gọi của làng trước câu hỏi "Làng cổ Hội An ở Tiên Phước có gì liên quan đến đô thị cổ Hội An hay không?".

Chỉ nghe các bậc tiền nhân kể rằng, trước đây Tiên Phước là vùng đất có đông đảo người Hoa đến lập nghiệp. Bấy giờ họ lập ra nhiều hiệu buôn lớn như La Hồng Trấn, Lâm Hồng Nho hay Phước Nguyên để gom thổ sản chuyển về thương cảng Hội An. 

Có một Hội An rất khác ở miền trung du Quảng Nam - 2

Một ngôi nhà cổ tại thôn Hội An (Ảnh: Ngô Linh).

Ông Trương Minh Tân (75 tuổi, gần 25 năm làm trưởng thôn Hội An và mới về hưu) cho hay, dân làng chỉ biết thôn Hội An có tên cũ là thôn 2 để phân biệt với thôn 3, thôn 4, là tên cũ của các thôn Thanh Bôi, Hội Lâm trên địa bàn xã Tiên Châu hiện nay. Còn lại chưa có cơ sở nào để khẳng định sự liên hệ giữa hai vùng đất, có chăng chỉ là sự trùng hợp.

Có một Hội An rất khác ở miền trung du Quảng Nam - 3

Tiên Châu được ví như vùng đất lưu thủy hội tụ bởi đây là nơi kết giao nhiều sông, suối (Ảnh: Ngô Linh).

Ở thôn Hội An còn có những ngôi nhà cổ độc đáo và một ngôi đình có tuổi đời hơn 150 năm gắn với lịch sử khai hoang, lập làng của tiền nhân. Ngôi đình có tên "Đình làng Hội An", do ông Chánh tổng bấy giờ là Nguyễn Đình Dương chỉ huy xây dựng. Phần mộc do thợ làng Vân Hà (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) làm.

"Hàng năm, dân làng tổ chức lễ rước sắc và lễ tế linh đình vào dịp lễ Kỳ Yên (tháng 6 âm lịch). Lễ kéo dài từ một ngày rưỡi đến 3 ngày nhằm cầu "Phong điều vũ thuận" - mùa màng bội thu, "Quốc thái dân an" - làng xóm yên vui, dân giàu nước mạnh", ông Tân chia sẻ.

Có một Hội An rất khác ở miền trung du Quảng Nam - 4

Tiên Châu còn nổi tiếng với trái bòn bon hay còn gọi là trái nam trân (trái tiến Vua ngày xưa) (Ảnh: Ngô Linh).

Theo ông Mai Trung Hưng - Phó Chủ tịch xã Tiên Châu - riêng thôn Hội An hiện có 12 nhà cổ, chưa tính di tích đình làng Hội An và một số mộ cổ. Còn tính chung trên cả địa bàn xã Tiên Châu có 33 nhà cổ rải rác ở các thôn Hội Lâm, Thanh Bôi, Thanh Tân, Thanh Khê với niên đại 100-150 năm.

Theo báo cáo của UBND huyện Tiên Phước, toàn huyện có 4 di tích cấp quốc gia, 16 di tích cấp tỉnh và hơn 60 ngôi nhà cổ có niên đại trên 100 năm. Đây là nền tảng cho công tác phát triển du lịch và thu hút du khách về với xứ Tiên.

Tiên Phước cũng hình thành các điểm check-in, thiết kế một số sản phẩm phù hợp phục vụ du khách như tour đạp xe, lớp nấu ăn, bữa ăn truyền thống…

Trong đó, xã Tiên Châu là một trong những địa phương có tiềm năng du lịch lớn ở Tiên Phước. Ở đây có làng cổ Hội An nằm tại thôn Hội An là một điểm đến chưa được khai phá nhiều. Ngoài ra còn có các vườn cây ăn trái đủ loại, thác nước xinh đẹp, ruộng bậc thang trải dài khắp nơi.