Có gì bên trong quán cơm gà khách xếp hàng dài mỗi ngày?

(Dân trí) - Trải qua hơn 250 năm tồn tại và phát triển với công thức nấu ăn không thay đổi, có điều gì hấp dẫn từ món cơm gà vàng ươm của một nhà hàng tại Nhật Bản khiến thực khách luôn phải xếp hàng dài mỗi khi tới thưởng thức?

Thưởng thức món cơm gà trứ danh nổi tiếng ở nhà hàng hơn 250 năm tuổi

Muốn thưởng thức món cơm gà Oyakodon của cửa hàng Tamahide, thực khách xác định phải xếp hàng dài ít nhất nửa tiếng đến 2 giờ trong một con phố nhỏ ở thủ đô Tokyo, để thưởng thức bữa ăn không thể đơn giản hơn - một bát cơm với trứng gà vàng ruộm kèm thêm nước dùng. Điều gì khiến quán cơm gà hơn 250 tuổi hút khách đến vậy?

Nhà hàng hơn 250 tuổi nằm ở khu vực trung tâm của Tokyo
Nhà hàng hơn 250 tuổi nằm ở khu vực trung tâm của Tokyo

Mỗi ngày, nhà hàng chỉ phục vụ từ 11 giờ 30 sáng đến 1 giờ 30 chiều. Bởi vậy, rất nhiều thực khách chấp nhận mỏi nhừ chân nhưng quyết không để lỡ cơ hội ăn món cơm gà Oyakodon nổi tiếng. Dù cơm Oyakodon rất phổ biến, nhưng tại nhà hàng Tamahide mới được coi chuẩn vị nhất. Bởi vậy người ta mới rỉ tai nhau, đến Tokyo nhất định phải thử, dù mất công chờ đợi bao lâu.

Món cơm gà Oyakodon nổi tiếng của nhà hàng được nấu từ công thức truyền thống
Món cơm gà Oyakodon nổi tiếng của nhà hàng được nấu từ công thức truyền thống

Nhà hàng Tamahide mở cửa năm 1760 tại Ningyocho. Đây là khu phố cổ từ thời Edo ở giữa trung tâm Tokyo nhộn nhịp. Đồng thời, đây cũng là nơi Yamada Hideyoshi, vị chủ nhân thứ 5 của nhà hàng tạo ra Oyakodon - món cơm gà rất nổi tiếng vào năm 1891.

Trong tiếng Nhật, Oyakodon mang ý nghĩa bố mẹ với con cái. Điều này được hiểu nôm na về sự hòa quyện giữa trứng và thịt gà trộn lẫn với nhau trong cùng một bát cơm. Dù là từ nguyên liệu đơn giản nhưng Oyakodon vẫn hút khách nhờ cách chế biến tinh tế, chất lượng trong từng thành phần và công thức gia truyền.

Cơm vàng ruộm hấp dẫn với hương vị không thay đổi nhiều so với hơn 250 năm trước
Cơm vàng ruộm hấp dẫn với hương vị không thay đổi nhiều so với hơn 250 năm trước
Đầu bếp sử dụng loại nước sốt bí truyền tạo nên hương vị riêng
Đầu bếp sử dụng loại nước sốt bí truyền tạo nên hương vị riêng

Ngay giữa thủ đô Tokyo không thiếu những nhà hàng phục vụ món cơm gà Oyakodon nhưng Tamahide vẫn là sự lựa chọn hàng đầu. Đơn giản bởi nhà hàng dùng Shamo, thứ nước sốt gia truyền để tạo nên hương vị riêng không trộn lẫn. Ngay từ ngày đầu, Oyakodon không thay đổi nhiều về công thức nấu. Konosuke Yamada, truyền nhân đời thứ 8 của nhà hàng Tamahide được kế thừa công thức nấu ăn khi còn nhỏ. Ông hiểu rõ về nhà hàng, cũng như những di sản được thừa kế từ cha ông và phát triển nó.

Công thức nấu ăn được lưu truyền từ hơn 250 năm trước
Công thức nấu ăn được lưu truyền từ hơn 250 năm trước

Việc chế biến tinh tế luôn là niềm tự hào của Tamahide. Trải qua 7, 8 thế hệ, món ăn rất ít thay đổi và giữ nguyên tinh thần cơ bản ban đầu. Đó là sự kết hợp tinh tế nhuần nhuyễn giữa thịt gà và trứng. Gà được cắt bằng kỹ thuật cổ điển từ thời Edo, trứng tươi mới và chỉ dùng trong ngày. Hai nguyên liệu nấu chín và kết hợp hoàn hảo, hòa quyện trong nước sốt gia truyền. Khi thực khách thưởng thức, vị ngọt tự nhiên của cơm, béo từ trứng và thịt mềm mịn tạo nên hương vị khó cưỡng.

Không quản ngại mưa nắng, du khách vẫn xếp hàng dài đứng đợi để thưởng thức
Không quản ngại mưa nắng, du khách vẫn xếp hàng dài đứng đợi để thưởng thức

Món cơm gà ở đây không dùng hành tươi rắc lên trên như cách thực khách có thể nhìn thấy ở những nhà hàng khác. Có lẽ vì mong muốn lưu giữ những truyền thống tốt đẹp là bí quyết giúp nhà hàng Tamahide tồn tại đến ngày nay. Chủ sở hữu nhà hàng hiện tại không có ý định mở rộng kinh doanh. Bởi vậy, quy mô của nó vẫn nhỏ gọn như ngày đầu từ thời cách đây hơn 250 năm. Đây là một nhà hàng 2 tầng truyền thống với tấm thảm trải chiếu tatami.

Hình ảnh nhà hàng Tamahide trong ngày đầu mới thành lập và hiện tại không thay đổi nhiều
Hình ảnh nhà hàng Tamahide trong ngày đầu mới thành lập và hiện tại không thay đổi nhiều

Có thể nói, Tamahide là một nơi thú vị dành cho người đam mê ẩm thực, đặc biệt là văn hóa Nhật Bản truyền thống nói chung.

Việt Hà

Theo LS, JPs