Chơi đá cảnh: “Nghề chơi” cũng lắm công phu!

(Dân trí) - Để tìm một thế đá đưa từ núi rừng về là hết sức vất vả, các tay săn đá phải đi hàng tháng trời, lặn lội vào trong rừng sâu, rồi thuê dân bản địa kiếm tìm. Đây mới là bước dạo đầu của công đoạn săn tìm đá rừng.

Chạy dài suốt 5 cây số trên Quốc lộ 21A Hà Nam xuôi Nam Định, bạt ngàn đá cảnh bày khắp hai bên đường tạo ra một khu phố sản xuất và mua bán đá cảnh sầm uất hiếm thấy ở miền Bắc.

Hàng 100m3 đá được tập kết chạy dài hai bên đường với muôn hình vạn thế; thế núi, thế tam sơn ngũ hành, ngũ hoành sơn, hòn độc sơn, hòn phụ tử...

Chơi đá cảnh: “Nghề chơi” cũng lắm công phu!
Việc khai thác đá trước đây rất thủ công, những người thợ phải lặn lội cả ngày trên núi tìm những thế đá đẹp, rồi đem về nhà tự mày mò sáng tạo.

Đó là những khối đá trơ, được chôn vùi trong lòng đất hàng nghìn năm, làm cho những phiến đá đó biến chất, phong hoá tạo lên sự trơ lì, ánh lên một màu khinh bạc và cổ kính. Từ xa, các thế đá nhấp nhô, đủ hình dáng. Nhiều nông dân đã trở thành những tỷ phú nhờ những hòn đá vô tri vô giác.

Để tìm một thế đá đưa từ núi rừng về là hết sức vất vả, các tay săn đá phải đi hàng tháng trời, lặn lội vào trong rừng sâu, rồi thuê dân bản địa kiếm tìm. Đây mới là bước dạo đầu của công đoạn săn tìm đá rừng.

Có khách đặt hàng theo yêu cầu một thế đá 1000 năm phong hoá, không qua gọt dũa, thì có hàng năm trời mới kiếm được.

Đá được cọ rửa, mài dũa theo nhiều công đoạn, nhiều tảng được khoan để gắn sắt, gắn xi măng thành khối. Bột đá tạo ra trong quá trình khoan tiếp tục được sử dụng để đổ khay, ang, chậu... Từ hòn đá vô tri, qua bàn tay con người đã biểu cảm biết bao tâm trạng có sầu, có vui như hòn vọng phu, hòn mẫu tử. Muốn đặt tên hay, đúng, người chơi phải thả hồn, trầm lặng đồng thời phải sáng ý.

Chơi đá cảnh: “Nghề chơi” cũng lắm công phu!
Nghề chơi cũng lắm công phu nên để có những hòn non bộ có giá trị, đúng theo ý muốn người chơi, đòi hỏi người chế tác phải có một không gian văn hoá nhất định. 

Nguyên liệu phải là những viên đá mịn, nhẵn mặt và đặc biệt là không được rạn nứt Việc ghép đá cũng hết sức cẩn thận và tỉ mỉ, có những phiến đá to khó ghép nên mọi người đều tập trung và phối hợp ăn ý với nhau. Nhiều khi phải mất đến cả chục ngày người thợ làm đá mới hoàn thành xong một sản phẩm.

Nghề chơi cũng lắm công phu nên để có những hòn non bộ có giá trị, đúng theo ý muốn người chơi, đòi hỏi người chế tác phải có một không gian văn hoá nhất định. Cảnh vật chiều người, tuỳ theo lòng người, tuỳ theo gia cảnh, theo vị trí đặt đá, chơi đá cảnh của các gia đình mà người sản xuất có cách làm phù hợp.

Khách hàng khi đến đặt làm non bộ, người chế tác phải tư vấn được cách bài trí cũng như kiểu non bộ mà gia chủ sẽ làm như làm núi đá theo cách nhìn xa gọi là viễn sơn, nhìn gần gọi là cận sơn.

Gia cảnh cũng quyết định việc làm non bộ như thế nào như tạo một hòn (độc sơn) trong hoàn cảnh nào, hòn song thụ là hai hòn liền nhau nhưng không liền chân, hòn huynh đệ là hai hòn đứng cạnh nhau và liền chân đế, hòn phụ tử , hòn mẫu tử, hòn phu thê , hòn trống mái, hòn vọng phu do chồng đi xuất khẩu lao động hay đi công tác xa… Nhà nào có 3 người thì tư vấn cho họ chơi tam sơn , hay bốn người chơi tứ sơn , ngũ hành sơn… và trong các hòn đó sẽ có hòn vọng phu, hoặc mẫu tử… theo gia cảnh người chơi đá.

Chơi đá cảnh: “Nghề chơi” cũng lắm công phu!
Theo thuyết âm dương, đá vốn có tính âm nên khi chơi đá cảnh phải chọn những nơi có nhiều khí dương để trưng bày

Người làm đá cảnh phải ngắm nghía trước chỗ gia chủ định đặt đá cảnh như trước cửa nhà, ngoài vườn, gầm cầu thang, góc nhà… định hướng núi để trấn thuỷ… rồi vẽ phối cảnh trước, sau đó chế tác theo không gian đặt đá.

Trong nghề chơi đá cảnh, viên đá nào càng cứng càng quý, nó không biến hình, không nứt, có độ bóng cao. Về sắc màu, đá cảnh thường là màu xanh, xanh đen, đen, tím, vàng nâu. Các nghệ nhân trong làng cho hay, nguyên tắc cơ bản hàng đầu của thú chơi đá cảnh là phải giữ nguyên hình dạng của đá, bất kì một sự can thiệp hoặc gia công đục đẽo, tô vẽ thêm không còn giá trị.

Theo thuyết âm dương, đá vốn có tính âm nên khi chơi đá cảnh phải chọn những nơi có nhiều khí dương để trưng bày. Nếu đặt trong nhà thì nên chọn chỗ nào có ánh nắng mặt trời. Nếu không thì lâu lâu mang ra phơi nắng, phơi mưa cho đá hút thêm tinh khí của đất trời. Còn đá cảnh để nơi công cộng thì tùy, miễn sao thích hợp, an toàn. Vì những nơi công cộng dương khí nhiều có thêm dăm bảy hòn đá thì càng cân bằng âm dương giúp cho công việc làm ăn kinh doanh trôi chảy và phát đạt hơn

Những khối đá đó đã được biến thành những khối tài sản: Hòn tam sơn có giá 150 triệu, hòn núi đôi cao 3,9m có giá 60 triệu, hòn độc sơn 35 - 40 triệu... Tất nhiên, với giá trị và hình khối đồ sộ của mình, chúng chọn chỗ đứng và chọn chính cả những chủ nhân sở hữu mình.

Đặc điểm của đá cảnh là không có viên nào giống viên nào vì qua sự xói mòn của sóng gió, nắng mưa, địa chấn, hàng ngàn, có khi hàng triệu năm. Vì thế, giá trị của những viên đá đối với những người “biết chơi” là vô giá.

Bài, ảnh: Song An